Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Ông Phêrô tuyên xưng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa ( Mt 16, 13-20)

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Xin Mẹ giúp con biết tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời con.

Ông Phêrô tuyên xưng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa

(13) Khi Ðức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?" (14) Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ". (15) Ðức Giêsu lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" (16) Ông Simon Phêrô thưa: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". (17) Ðức Giêsu nói với ông: "Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy". (20) Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Ðấng Kitô.

Xêdarê Philípphê là một thành phố nằm dưới chân của núi Khécmôn (Hermon), khoảng 20 dặm bắc của Biển Hồ Galilê. Xêdarê Philípphê được xem là miền đất dân ngoại- nơi có một trung tâm rộng lớn thờ thần Baan. Tương truyền đây là nơi “chôn rau cắt rốn” của thần Hylạp có tên là Panias – thần thiên nhiên. Vào năm 2 trước CN, chính quận vương Hêrôđê Philípphê đã xây dựng nơi đây thành địa danh linh thiêng đối với cư dân xứ này. Trên thành này, ông đã cho xây và đặt đầu tượng Xêda- hoàng đế Rôma được ông xem là vị thần, để tôn thờ.
Nơi đây, thời ấy đám đông dân chúng chỉ quan niệm về Đức Giêsu như một nhân vật, cho dù vĩ đại, cũng vẫn chỉ là sự tiếp nối quá khứ; đó là một nhân vật do Thiên Chúa sai đến như các nhân vật vĩ đại trong Cựu Ước mà thôi. Họ không hiểu đúng về con người và sứ mạng của Người.
"Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Simon Phêrô thưa: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". (17)    
Khi tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kytô, Đấng Mêsia sứ giả của Giavê Thiên Chúa, có lẽ Phêrô cũng như các môn đệ chưa thật sự hiểu hết ý nghĩa của danh hiệu này. Các ông nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ là người có nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành lại nền độc lập tự chủ cho quốc gia.
Đấng Kitô , không hoàn toàn trùng với  quan niệm về Mêsia con vua Đavít như dân chúng đang mong chờ. Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa hằng sống ” không chỉ theo nghĩa là do Thiên Chúa sinh ra, mà trước hết là do Người hành động như là chính Thiên Chúa đang hành động. Nói cách khác, “Con Thiên Chúa hằng sống ” ở đây là tương đương với  “Thiên Chúa ở cùng chúng ta cho đến tận thế ” 
Ðức Giêsu nói với ông: "Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. (18)  
Đức Giêsu đã dâng lời tạ ơn Cha của Người: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”. Đọc bài Tin Mừng hôm nay trong liên hệ với lời ngợi khen đó, chúng ta biết rằng ông Phêrô đang được đón nhận ân huệ dành cho những người bé mọn, chứ không phải vì ông là kẻ khôn ngoan và thông thái theo kiểu các người Pharisêu và các kinh sư.
Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 
Đức Giêsu đã đổi tên của ông Simon thành Phêrô và giải thích là đá tảng, cũng như Người đặt gánh nặng lên vai Simon Phêrô : trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy . 
Đức Giêsu khẳng định ông Phêrô là “Tảng đá” (pêtra), tức là một thực tại chắc chắn, không lay chuyển, không thay đổi. Hội Thánh được Đức Giêsu xây trên nền đá vững chắc ấy. Cộng đoàn những người tuyên xưng cùng một lòng tin mà ông Phêrô vừa tuyên xưng thì được ví như một tòa nhà do chính Đức Giêsu xây dựng trên tảng đá Phêrô. Ông có nhiệm vụ cung cấp cho cộng đoàn ấy sự chắc chắn, bền vững, không thay đổi, không lay chuyển, dựa trên ơn huệ là mạc khải của chính Thiên Chúa ban cho những con người bé mọn. Và sự bền vững ấy được bảo đảm bởi chính lời hứa của Đức Giêsu rằng “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”.
Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi  Theo quan niệm của người Do thái vào thời đó, "Quyền lực của tử thần" là khả năng giam giữ các kẻ chết" . Câu này có ý nói đến quyền lực của ma quỷ dùng sự dữ để đưa người ta vào con đường tội lỗi, và giam giữ họ trong sự chết đời đời vì tội lỗi.
Chúa Giêsu ngầm nói hai ý:  Hội Thánh không những sẽ đứng vững trước sự tấn công của Satan, nhưng còn sẽ tấn công Satan để giải thoát người ta khỏi ách của tội lỗi.
Quyền lực của tử thần, quyền lực của những kẻ bách hại Hội Thánh, quyền lực của những kẻ sỉ vả và vu khống các môn đệ Đức Giêsu, quyền lực của những kẻ chỉ giết được thân xác… sẽ không thể tiêu diệt Hội Thánh, vì Hội Thánh được Đức Giêsu xây dựng trên nền tảng ân huệ lòng tin mà Chúa Cha ban cho những người bé mọn theo thánh ý Ngài.
Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy".
Bên cạnh nhiệm vụ cung cấp cho cộng đoàn sự bền vững, ông Phêrô còn có nhiệm vụ quản lý các mầu nhiệm Nước Trời như một người tôi tớ được Chủ trao cho chìa khóa (x. Is 22,22): “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy" (c.19).
Cầm buộc và tháo cởi” là ngôn ngữ của các trường phái rabbi, diễn tả nhiệm vụ cho phép hay ngăn cấm về những điểm còn tranh luận trong giáo huấn chính thức. Hai động từ này cũng quy về việc lấy những quyết định liên quan đến những cách hành xử cần thiết để được vào Nước Trời.
Trao cho Phêrô những nhiệm vụ làm đá tảng, giữ chìa khóa và cầm buộc – tháo cởi, Đức Giêsu cho thấy Người không bỏ mặc cộng đoàn các tín hữu trong tình trạng mất hướng, nhưng ban cho cộng đoàn đó người lãnh đạo với những năng quyền và nhiệm vụ lớn lao.
Ý thức về sự cao cả và sự nặng nề của những quyền bính và các nhiệm vụ mà Phêrô đã được trao phó, chúng ta được mời gọi cầu nguyện, vâng phục và hiệp thông sâu xa với Đấng kế vị Thánh Phêrô.
Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Ðấng Kitô.
Hẳn là câu trả lời của Phêrô đúng, thế mà Đức Giêsu đã cấm không những ông mà tất cả những môn đệ nữa là “không được nói với ai về Người”. “Cấm ngặt”, epitimaô, đã được dùng trong các câu truyện trừ quỷ (1,25; 3,12). Với từ ngữ này, chúng ta hiểu không phải Đức Giêsu muốn che giấu chân tính đích thực của Người, mà là muốn tránh cho người ta khỏi hiểu sai hoàn toàn Người là ai và Người đang làm gì. Các tông đồ không được phổ biến một lối nhìn sai lạc như thế khi các môn đệ  đã có ý thức khi xuyên qua Cựu Ước, giống như vua Đavít, Đấng Mêsia phải là vị thủ lãnh được xức dầu mang uy quyền thần thánh mà điều hành xã hội theo chiều dọc..
Luật lệ của Thiên Chúa mà Đức Giêsu thiết lập trong tư cách là con người mới là trật tự luân lý mới, theo chiều ngang, hoàn toàn bình đẳng



Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn nhớ rằng Con Thiên Chúa hằng sống", “Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta cho đến tận thế ”, ngõ hầu trong bất cứ nghịch cảnh nào của cuộc sống, chúng ta luôn tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Giêsu như Phêrô đã từng tuyên xưng danh thánh Chúa giữa miền đất dân ngoại khi xưa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét