Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

SƯU TẦM - Ðức Giêsu hiện ra tại Ga-li-lê, và sai môn đệ đi đến với muôn dân ( Mt 28, 16-20)


Ðức Giêsu hiện ra tại Ga-li-lê,
và sai môn đệ đi đến với muôn dân
(16) Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. (17) Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. (18) Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. (19) Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, (20) dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".


Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 28,16-20) là đoạn kết sách Tin Mừng Mt,
kể lại cho chúng ta cuộc hiện ra chính thức và long trọng của Chúa Kitô Phục Sinh với các Tông Đồ. Điểm nhấn không phải là chứng tỏ Chúa đã phục sinh, mà là trao sứ mạng cho các Tông Đồ, và qua các ông, cho toàn thể Hội Thánh.
Mở đầu bài Tin Mừng là cuộc gặp gỡ của các Tông Đồ với Chúa Phục Sinh: “Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (cc.16-17).
Trước hết, Nhóm Mười Một đi đến một nơi do Chúa Giêsu ấn định, “tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến”. Sự kiện này mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, rất đáng suy nghĩ đối với chúng ta, cách riêng trong khung cảnh Lễ Thăng Thiên hôm nay.
Cho đến lúc này, các đồ đệ chưa được thấy Đức Giêsu Phục Sinh. Nhưng các ông vẫn làm theo một lệnh truyền của Người, vì lẽ, trong tư cách là những đồ đệ đích thật, các ông tin tưởng vào lời củ
a Thầy. Theo sứ điệp do các phụ nữ truyền đạt, cuộc hành trình đến ngọn núi ở Galilê này được thực hiện trong ý thức rằng Đấng Phục Sinh đã gọi họ là anh em, và trong niềm hy vọng mãnh liệt rằng họ sẽ được gặp Đức Giêsu ở đó.
Cuộc hành trình tới Galilê làm cho các đồ đệ nhớ về Thầy Giêsu và suy niệm về những thực tại mà các ông đã từng trải nghiệm cùng với Người trong suốt cuộc hành trình dài trước đây, như đã được kể trong 16,21 – 21,34. Trong cuộc hành trình đó, Thầy Giêsu đã nhiều lần nói trước cho họ biết về những gì sẽ xảy ra tại Giêrusalem, tức là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người (16,21; 17,22-23; 20,17-19). Khi ấy, các đồ đệ không hiểu (16,22-23; 20,20-23) và Thầy Giêsu đã dạy cho các ông biết đâu là điều cốt yếu đối với các ông trong cuộc đi theo Người (16,24-28; 18,1-35; 20,24-28). Bây giờ, khi tất cả những điều được báo trước ấy đã xảy đến, các đồ đệ đi lại cuộc hành trình đó và sống lại các kinh nghiệm của cuộc hành trình trước đây trong ánh sáng mới của mầu nhiệm Phục Sinh.
Các đồ đệ là chứng nhân của những giáo huấn và những hành động quyền năng mà Thầy Giêsu đã thực hiện suốt cuộc hành trình cùng các ông từ Galilê. Các thực tại đó cũng cần được chiêm nghiệm lại dưới ánh sáng mới của cuộc Phục Sinh. Các ông sẽ hiểu ra rằng tất cả các hoạt động của Đức Giêsu đều được xác nhận giá trị do cuộc phục sinh của Người, và chỉ có thể hiểu đúng nếu xuất phát từ mầu nhiệm Phục Sinh mà thôi.
Điểm đến chính xác của cuộc hành trình của Nhóm Mười Một sẽ là ngọn núi. Ngọn núi đã được nói đến lần đầu tiên trong 5,1 và làm thành khung cảnh của bài giảng đầu tiên của Đức Giêsu, thường được gọi là “Bài giảng trên núi”. Ở 5,1, lần đầu tiên chúng ta gặp biểu thức “các đồ đệ của Người”; họ được trình bày như là những người gần gũi nhất của Đức Giêsu và là đối tượng đầu tiên của những lời giáo huấn của Người. Được truyền phải đi đến ngọn núi, tức là các đồ đệ được kêu gọi tìm về nơi chốn khởi đầu mối tương quan chung của họ với Thầy Giêsu, và trước khi gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh, họ phải trải nghiệm lại toàn bộ cuộc hành trình thế tạm của Người.
Đến ngọn núi ở Galilê, các đồ đệ được gặp Đức Giêsu Phục Sinh. Nhưng sự kiện các ông thấy Người đã chỉ được mô tả rất vắn tắt bằng một động tính từ: “khi thấy Người”. Sau đó là hai phản ứng của các ông: bái lạy và hoài nghi. Bằng việc bái lạy, các ông diễn tả cách hiểu của mình về con người và phẩm giá cao cả của Đức Giêsu. Nhưng đồng thời, xảy đến sự hoài nghi. Tác giả Tin Mừng viết: “hôi dê êdistasan”. Trong Tân Ước, động từ “êdistazêin” (nghi ngờ) chỉ xuất hiện trong Mt 14,31 và 28,17. Ở 14,31 sự nghi ngờ của ông Phêrô liên quan đến quyền năng của Đức Giêsu. Ở 28,17 thì chính con người và sự hiện diện của Đức Giêsu bị các đồ đệ nghi ngờ. Vấn đề tranh luận là với cách nói “hôi dê”, tác giả Tin Mừng muốn nói tất cả Nhóm Mười Một nghi ngờ hay chỉ một số người trong họ mà thôi. Xem ra cả hai cách giải thích đều có thể đúng (bản Vulgata đọc là: “quidam autem dubitaverunt”). Dù hiểu theo cách nào, thì chuyện quan trọng vẫn là mối tương quan của Nhóm Mười Một với Đức Giêsu Phục Sinh vẫn chưa hoàn hảo. Cuộc gặp gỡ Đấng Phục Sinh còn phải được hoàn thành và xác nhận bởi sự kiện Chúa Phục Sinh ngỏ lời với họ.
“Đức Giêsu đến gần, nói với các ông” (c.18a). Từ bây giờ, chỉ một mình Đức Giêsu hành động. Người đến gần các môn đệ và nói với họ. Tác giả Mt có vẻ ưa dùng động từ “đến gần” (tổng cộng đến 52 lần, trong khi Mc 5 lần, Lc 10 lần và Ga chỉ 1 lần). Trong phần lớn các trường hợp (38 lần), chính Đức Giêsu là đích của sự “đến gần” này. Chỉ có hai trường hợp là Đức Giêsu “đến gần” và điểm đến luôn là các đồ đệ. Ở cuối trình thuật về biến cố hiển dung, Đức Giêsu đến gần các đồ đệ khi các ông đang rất đỗi sợ hãi, ngã sấp mặt xuống (17,6); Người chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ” (17,7), tức là Người chủ động thiết lập một sự hiệp thông với các đồ đệ đang tê liệt vì sợ hãi và làm cho các ông trở nên mạnh mẽ. Ở 28,17 các đồ đệ bái lạy Đức Giêsu, tức là đang ở tư thế cúi mình xuống đất, và đồng thời, (ít là) vài người trong số đang trải qua tâm trạng bối rối nghi nan. Một lần nữa, Đức Giêsu đến gần họ, và với lời của Người, Đức Giêsu định hướng cho cuộc sống và sứ mạng của họ trong tương lai. Người cho các ông biết Người là ai, quyền năng mà Người hiện có là thế nào, và họ cần phải làm gì…
Lời đầu tiên Đức Giêsu nói với các đồ đệ là một xác quyết quan trọng: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (c.18b). Người cho các ông biết Người đã nhận được gì từ Chúa Cha, và vị thế của Người từ nay là thế nào.
Động từ “trao” được đặt ở thì aorist dạng thụ động thần học, cho thấy quyền bính mà Đức Giêsu Phục Sinh đã lãnh nhận có nguồn gốc là chính Thiên Chúa. Thì aorist cho biết việc trao quyền bính này đã xảy ra. Vậy đây không phải là một hy vọng hay một lời hứa, mà là một thực tại đã xảy đến dứt khoát.
Đặc tính toàn diện của quyền bính mà Đức Giêsu đang có, được tác giả nhấn mạnh cách đặc biệt, cả về phương diện bản chất lẫn về phương diện phạm vi: “toàn quyền” và “trên trời dưới đất” (tức là toàn thể vũ trụ). Quyền bính này, như thế, tương ứng với quyền bính của chính Thiên Chúa. Trong quyền bính như thế, căn tính của Chúa Con được thể hiện.
Lời thứ hai Đức Giêsu nói với các đồ đệ là một lệnh truyền long trọng:“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (cc.19-20a).
Lệnh truyền “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” được bắt đầu bằng hạn từ “vậy”, cho thấy lệnh truyền đó được đặt nền tảng trên những gì vừa được khẳng định ở phía trước. Nói cách khác, nhiệm vụ thừa sai của Hội Thánh đặt nền tảng trên mầu nhiệm toàn quyền trên trời dưới đất đã được Chúa Cha trao cho Chúa Giêsu.
Hạn từ “môn đệ” xuất hiện 65 lần trong Mt 5,1 – 28,16 với ý nghĩa chỉ về các môn đệ của Đức Giêsu và luôn luôn được đặt ở số nhiều. Trong tư cách là một cộng đoàn nhỏ, họ hiện diện bên cạnh Đức Giêsu trong suốt hành trình của Người từ bài giảng trên núi đến cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh. Mối tương quan “môn đệ - tôn sư” này là yếu tố nền tảng, diễn tả và xác định sự hiệp nhất nên một của họ với Đức Giêsu và là nền tảng cho sự hiện diện liên tục của họ bên cạnh Người. Đồng thời, cũng chính mối tương quan đó với Đức Giêsu lại xác định mối tương quan của họ với nhau. Tất cả các đồ đệ đều chung nhau tư cách là môn đệ của Đức Giêsu; tư cách đó làm cho họ hiệp nhất với nhau và tạo thành một cộng đoàn thực sự chung quanh Đức Giêsu.
Bây giờ, Chúa Phục Sinh trao phó cho họ nhiệm vụ kéo dài và đào sâu kinh nghiệm làm môn đệ đó của họ cho muôn dân. Như thế, tất cả những gì mà tác giả Tin mừng Mt đã nói trong suốt cuốn sách về tương quan giữa Đức Giêsu và các môn đệ Người, đã không hề là chuyện quá khứ bị vượt quá rồi, nhưng là những thực tại luôn luôn có giá trị căn bản đối với nhiệm vụ của họ trong hiện tại và tương lai. Mối tương quan thiết thân của họ với Đức Giêsu đã trở thành khuôn mẫu phổ quát cho mối tương quan giữa người ta với Người. Điều mà họ phải làm cho thế giới, trước hết, không phải là đưa ra những giáo huấn, những huấn lệnh, những lý thuyết hay chủ nghĩa lỗi lạc, mà là mối tương quan thiết thân với chính Đức Giêsu, trong tương quan đó, các đồ đệ hoàn toàn tin tưởng không điều kiện vào Thầy Giêsu và hoàn toàn đặt mình trong sự dẫn dắt của Thầy Giêsu.
Lệnh truyền “Anh em hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ” cũng bao hàm nhiệm vụ của các môn đệ là biến đổi toàn nhân loại, tức là tất cả mọi dân, thành một cộng đoàn vĩ đại. Tư cách là đồ đệ nối kết con người với Đức Giêsu đồng thời nối kết con người lại với nhau. Trở thành môn đệ của Đức Giêsu cũng đồng thời là bước vào cộng đoàn các đồ đệ của Người.
Anh em hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ” là nội dung chính yếu trong lệnh truyền của Chúa Phục Sinh cho các môn đệ của Người. Ngoài ra, có ba hành động khác được nối kết vào với nội dung chính yếu đó: đi, làm phép rửa  dạy bảo. Ba hành động này được trình bày, về mặt ngữ pháp, bởi ba động tính từ. Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Người phải lên đường, chứ không ngồi yên ở nhà mà chờ đợi muôn dân đến để làm cho họ thành môn đệ của Chúa. Hội Thánh thừa sai luôn luôn hiện hữu trong tư thế đi đến với muôn dân, một cách tự do, năng động và thân thiện. Hội Thánh “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” bằng cách “làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền”. Mối tương quan thiết thân với Đức Giêsu, Vị Thầy duy nhất, là mối tương quan nền tảng. Người ta trở thành môn đệ bằng cách đón nhận phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và sống tư cách môn đệ bằng cách lắng nghe và tuân giữ lệnh truyền của Đức Giêsu.
Lời thứ ba Đức Giêsu nói với các môn đệ là một sự bảo đảm trợ giúp: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (c.20b). Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ sứ mạng thừa sai phổ quát, và bây giờ, Người bảo đảm sẽ ban cho các ông quyền năng trợ giúp của chính Người. Quyền năng này trước hết liên quan đến việc thi hành sứ mạng và làm cho những người được sai đi trở nên vững mạnh. Nhóm Mười Một phải làm cho muôn dân trở thành đồ đệ của Chúa, phải làm phép rửa cho họ và dạy dỗ họ, nhưng chính Đức Giêsu ở với các ông và hoạt động qua các ông.

Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT




Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Ngôi mộ trống ( Mt 28, 1-8)

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen

Ngôi mộ trống
(1) Sau ngày sabát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala và một bà Maria khác, đi viếng mộ. (2) Và kìa, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; (3) diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. (4) Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy và hóa ra như chết. (5) Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: "Phần các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Ðức Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. (6) Người không có ở đây, vì Người đã chỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, (7) rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã chỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Ðấy, tôi xin nói cho các bà hay". (8) Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Ðức Giêsu hay.

1. Đứng trước ngôi mộ trống cách đây 2000 năm .
Phêrô, tình yêu của ông đã bị che khuất bởi sợ hãi, tội lỗi chối Chúa. Điều ông mong muốn lúc đó là đừng có gì rắc rối xảy ra nữa. Xin được hai chữ bình yên. Nhưng tại sao lại có sự kiện mất xác Chúa? Ông chạy đến mồ với tất cả mọi lo sợ trong đầu óc. Ông lo sợ một nhóm nào đó, sau khi giết Chúa Giêsu, lại tìm cách phá rối các ông để kết án và xử tử các ông. Với một tâm trạng như thế, ông cũng khó có thể nhận ra thông điệp của ngôi mộ trống. “ông chưa hiểu Chúa Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết”.
Gioan, Ông yêu thương Chúa Giêsu và biết rằng Chúa cũng rất yêu thương ông. Tình yêu của ông được biểu lộ nhất là trong những giờ phút sau hết của Chúa Giêsu. Ông đã theo chân Chúa trên con đường thập giá cho đến phút cuối cùng và chỉ trở về nhà với Mẹ Maria sau khi đã chôn cất Chúa. Tình yêu đã thôi thúc Gioan đã chạy nhanh ra mộ, vì yêu thương nên gần gũi và nhận biết các thói quen của Thầy, Gioan lập tức nhận ra nhận ra thông điệp của ngôi mộ trống, nhận ra dấu vết Người để lại. Khăn liệm được xếp đặt gọn gàng chứng tỏ bàn tay Người tự xếp đặt. Người tự xếp đặt tức là Người đang sống và “ông đã thấy và đã tin”.
Maria Mađalena, chị đã yêu nhiều, với đặc tính tình yêu của người phụ nữ nên đã thao thức nhiều nhất, đã chạy đến mồ trước nhất , khi mọi người đã về, chỉ còn mình chị đứng lại khóc bên mồ, nên chị được diễm phúc là người thấy Chúa phục sinh đầu tiên , và được Chúa sai đi loan Tin Mừng phục sinh cho chính các tông đồ. Với Chúa, yêu nhiều thì được nhiều, đôi khi quá tầm mong đợi .

2. Đứng trước ngôi mộ trống trong thời đại hiện nay. 
Một ngôi mộ trống nhưng được giải thích bằng nhiều cách khác nhau, sẽ dẫn đến những phản ứng khác nhau. Trong cuộc sống đức tin, mỗi người chúng ta đã nhiều lần đứng trước ngôi mộ trống , đó là những lần chúng ta băn khoăn đi tìm câu trả lời cho ý nghĩa đích thực của đời Kitô. Dù đã được học hỏi về đức tin Kitô, đã được nghe giảng Lời Chúa, đã được chia sẻ kinh nghiệm sống đức tin của biết bao thế hệ tín hữu, nhưng những điều ấy không miễn cho chúng ta phải đối diện với đức tin của chính mình. 
Nơi sâu thẳm tâm hồn mỗi người thường tồn tại những nấm mộ bất khả xâm phạm. Nấm mộ ấy chôn cất nhiều nút thắt khó sắp xếp và tháo cởi như: đau buồn về những yếu kém của bản thân, những cố gắng không được như ý, những khốn khó vùi dập liên hồi. Có nhiều lúc chúng ta như rơi vào đêm tối bất an, tương tự như các môn đệ trong thời gian sau biến cố tử nạn của Chúa Giêsu, chúng ta nửa tin nửa ngờ. Một mặt chúng ta biết rằng đức tin vào Chúa Kitô có sức giải thoát chúng ta khỏi vòng vây tội lỗi và mang lại cho chúng ta một cuộc sống an bình hạnh phúc. Mặt khác, chúng ta phải đối diện với những thực tế cấp bách, thực tế xem ra không trùng khớp bao nhiêu với những điều mà đức tin dạy bảo chúng ta. Ðức tin dạy chúng ta phải xây dựng hạnh phúc trên những nền tảng siêu nhiên. Thực tế lại cho thấy dường như những điều siêu nhiên chẳng giúp chúng ta đạt hạnh phúc mà đôi khi còn gây ra cho chúng ta bao nhiêu điều thiệt thòi phiền toái. Ðức tin dạy chúng ta phải tập trung đầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau, thực tế lại cho thấy mọi người đều dồn hết sức lực để xây dựng cho cuộc sống vắn vỏi ở đời này. Ai đúng, ai sai, ai khôn, ai dại? Chúng ta bối rối không biết phải theo ai bỏ ai đây?
Trước những câu hỏi hóc búa này, chúng ta loay hoay tìm câu trả lời. Chúng ta cầu xin Chúa Giêsu soi sáng cho chúng ta. Nhưng có lúc, thay vì trực tiếp trả lời, Chúa Giêsu đưa chúng ta tới ngôi mộ trống của Người. Người lại bắt chúng ta tự đặt ra câu hỏi cho chính mình.
Thánh ý Người , Người gởi đến cho chúng ta qua những dấu chỉ, những biến cố đặc biệt xảy đến cho chúng ta. Trong bài tin mừng hôm nay, Chúa cho chúng ta biết , tình yêu dẫn đến đức tin, tình yêu sẽ giúp chúng ta giãi mã những tín hiệu ngôi mộ trống của Người .
Những suy tư lo lắng cho riêng mình của Phêrô chẳng đưa tới đâu, chỉ có tình yêu của Gioan mới dẫn ông mau chóng tới niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh dù là ông chưa thật sự thấy Chúa Giêsu hiện ra. Nhưng với tình yêu lo lắng nhiều cho người mình yêu và thêm phần kiên trì nhẫn nại như Maria Mađalêna thì sẽ động lòng Chúa và được thấy Chúa nhãn tiền.
Trong cuộc hành trình đức tin, chúng ta noi gương thánh Phêrô biết chạy đến Chúa trong lúc sợ hãi và tội lỗi để được thấy tảng đá đã được lăn ra , những tảng đá của tội lỗi của đam mê, của hận thù ghen ghét, của ích kỷ…, nó làm ngăn cản đời sống thiêng liêng của chúng ta, đè nặng lên người chúng ta được Chúa lăn ra để thấy được ngôi mộ trống đầy niềm hy vọng. Khi tảng đá đó lăn ra khỏi lòng mình thì niềm vui Phục sinh là cuộc giải phóng khỏi tội, khỏi sự bất an, thay vào đó là niềm vui, bình an và hạnh phúc thật sự trong tâm hồn.
Chúng ta noi gương Gioan, để nhận ra thông điệp của Chúa, hiểu biết được ý Chúa muốn trong mọi biến cố của cuộc đời mình. “Ông đã thấy và đã tin”. Đó là một lời chứng, nhưng cũng là một lời thú nhận là ngài đã không thể hiện được trọn vẹn mối phúc Đức Giêsu công bố: “Phúc thay kẻ không thấy mà tin” . Chỉ có Đức Maria, Thân Mẫu Đức Giêsu, mới đạt được mức độ đức tin ấy: tại Cana, trước khi Đức Giêsu làm phép lạ đầu tiên, Mẹ đã tin cách nào đó, nên mới cho Con biết là tiệc hết rượu và bảo gia nhân hãy làm theo lời Người dù rằng Người đã nói "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến". Chúng ta noi gương Đức Maria luôn luôn đặt mọi biến cố đời mình trong lòng và suy gẫm .
Chúng ta noi gương Maria Mađalêna yêu nhiều , luôn thao thức vì người yêu và kiên nhẫn đợi chờ trong sự trống vắng để có thể thấy sự hiện diện của Chúa và được yên ủi.

3. Ngôi mộ trống bằng chứng của sự sống lại - Chúa Giêsu phục sinh
Đối với tất cả các tín hữu, ngôi mộ trống là một bằng chứng quan trọng bởi vì ngôi mộ này nói lên Chúa Giêsu thật sự đã chết, Người đã được mai táng sau khi bị hành hình, bị giết chết trên thập giá. Ngôi mộ ấy cũng đã được quan tổng trấn Rôma niêm phong và chính quyền Do Thái đã cắt lính canh gác cẩn thận. Nhưng ngôi mộ ấy đã trống rỗng vì không còn xác Đức Giêsu nhưng khăn liệm vẫn còn đó. Các thượng tế và các kỳ mục đã cho lính canh một số tiền lớn để họ loan báo là các môn đệ Đức Giêsu đã lấy cắp xác Đức Giêsu, phao tin đồn nhảm rằng Người đã sống lại.
Nhưng, nếu các môn đệ thật sự làm chuyện đó thì họ phải ôm xác Chúa Giêsu chạy đi thật nhanh khỏi hiện trường để không bị lính canh bắt giữ và tra hỏi. Bài Tin Mừng Gioan đã kể lại rằng những khăn và vải liệm được xếp gọn gàng, để riêng một chỗ, như muốn phản bác lại giả thuyết trên.
Hơn nữa, khi còn sống Đức Giêsu đã không cứu nổi chính mình, thì khi chết, Người cứu được ai làm sao có thể khiến cho các môn đệ phải liều mình với bao lính canh của Roma để ăn cắp xác.
Các môn đệ của Đức Giêsu có thể làm điều đó không khi các ông là những người rất nhát đảm, đã bỏ Người trốn biệt chỉ có mỗi môn đệ Người yêu dám theo chân Người ra pháp trường, sau cái chết của Người họ trốn trong nhà đóng kín cửa vì sợ người Do Thái.
Và hơn thế nữa, chính quyền Do Thái , lính canh Roma có thể để cho họ tự do đến thăm mộ nhiều lần, nhiều người mà không bị bắt giữ vì tội đã đánh cấp xác Đức Giêsu ?.
Vì thế, các sự kiện xảy ra ở ngôi mộ trống chứng minh rằng Đức Giêsu thật sự sống lại. Ngôi mộ trống là bằng chứng cho tất cả mọi người muốn tìm hiểu về Đấng Phục Sinh. Ngôi mộ trống là ngôi mộ chứa đầy niềm hi vọng. Ngôi mộ trống là một khởi điểm mới, là khối hỗn mang để Chúa làm nên một trời mới đất mới.
Chúa Giêsu Phục Sinh mở toang cửa mộ, giải thoát con người khỏi sự kìm hãm của sự dữ, mở ra thời đại mới, thời đại của hy vọng và chiến thắng. Niềm tin Phục Sinh cho phép ta có đủ lý do để hy vọng về sự chiến thắng những cơn giống tố của cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
Lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt, 
xin hãy gọi tên chúng con như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc, 
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.
Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi, 
xin hãy đến và đứng giữa chúng con như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em, 
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không được gì, 
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn, như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
xin tỏ mình ra cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày, để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến, và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.






Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

SƯU TẦM - HOÀNG TỬ LƯNG GÙ

Hoàng Tử Lưng Gù

Mọi người trong nước đều công nhận vị hoàng tử này là một con người hoàn toàn trên nhiều phương diện: thông minh, lịch sự, có tài tổ chức và thu phục nhân tâm. Chỉ tội có một điều là lưng của hoàng tử bị gù ngay từ khi còn nhỏ.
Chỉ vì một tật xấu mang trên lưng như vậy mà hoàng tử không thích xuất hiện trước công chúng, thỉnh thoảng vì hoàn cảnh bắt buộc hoàng tử mới xuất hiện, lại gặp đám trẻ chế nhạo như thế, càng ngày hoàng tử càng thêm mặc cảm về cái lưng gù của mình đến độ quyết định không bao giờ xuất hiện trước công chúng nữa. Nhưng trớ trêu thay, hoàng tộc từ lâu vẫn giữ thông lệ không thể thay đổi được. Ðó là đến tuổi trưởng thành, hoàng tử phải cho người tạc tượng mình bằng đá cẩm thạch để đem đặt trong bảo tàng viện quốc gia cho toàn dân hiện tại và cả những thế hệ tiếp sau được biết dung mạo của hoàng tử.
Từ trước tới nay, đời nào cũng đầy đủ các tượng những vị hoàng tử liên tiếp nhau không sót một ai. Giờ đây đến phiên hoàng tử gù lưng phải được tạc tượng lưu danh muôn thuở. Thế nhưng, hoàng tử không muốn lưu danh muôn thuở là một hoàng tử gù lưng, mọi lý lẽ đưa ra để thuyết phục vua cha đừng tạc tượng mình đều vô ích.
Cuối cùng, hoàng tử gù lưng chấp nhận cho tạc tượng, nhưng với hai điều kiện: Thứ nhất, phải tạc tượng mình như một người đứng thẳng bình thường không bị gù lưng, và điều kiện thứ hai là không được trưng bày bao lâu hoàng tử gù còn sống.
Vì thương con, vua cha nhận lời, sau khi nhà điêu khắc nổi tiếng trong nước tạc xong bức tượng, hoàng tử đem tượng đó về đặt trong phòng riêng của mình để mỗi ngày nhìn ngắm nó. Như thế, mỗi ngày vị hoàng tử gù lưng để ra nửa giờ đứng yên ngắm bức tượng chính mình như một con người đẹp trai đứng thẳng, hiên ngang, và lạ lùng thay, nhờ mỗi ngày làm như vậy mà từ từ vị hoàng tử gù lưng kia đứng thẳng lên được không còn bị gù lưng nữa.
*
* *
Quí vị và các bạn thân mến,
Ðó là chuyện dụ ngôn. Nhờ nhìn vào hình ảnh của mình mà hoàng tử gù lưng tìm được dung mạo bình thường của mình. Mỗi người chúng ta hằng ngày cần có những giây phút rảnh rỗi để nhìn thẳng vào thực tại đích thực của mình, thực tại ngôi vị con người, chứ không phải là một món đồ vật hay một con vật. Mỗi ngày chúng ta cần nhớ mình là người, sống đúng cương vị là người như con người. Hơn thế nữa, là người Kitô, chúng ta cần nhìn vào mẫu gương Chúa Giêsu Kitô để sống đúng phẩm vị làm con cái Thiên Chúa, được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài và đã được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc, ban ơn tái sinh thành con người tốt đẹp, thông phần đời sống của chính Thiên Chúa. Mỗi người Kitô cần nhìn lên Chúa Giêsu Kitô hằng ngày để có thể chiến thắng những tật xấu của mình, để có thể loại bỏ tất cả những gì không phù hợp với tinh thần Chúa Kitô. "Chúng con hãy nên trọn lành như Cha chúng con trên trời là Ðấng trọn lành". Và Thánh Phaolô đã nhắc các tín hữu thân yêu của Ngài như sau: "Anh em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Chúa Kitô". Làm sao bắt chước Chúa Kitô nếu chúng ta không đọc Phúc Âm để biết Chúa và sứ điệp của Ngài mỗi ngày một hơn.
Hằng ngày, chúng ta cần phải dành ra những giây phút thinh lặng trong đời sống, để chiêm ngắm mẫu gương tốt lành của Chúa để mỗi ngày một trở nên giống như Chúa.
Lạy Chúa, xin hướng dẫn tâm trí con về với Chúa, và ban ơn soi sáng cho con được sống như chính Chúa đã nêu gương. Amen.

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

SƯU TẦM - Bảy lá thư tình yêu của Chúa Giêsu viết từ trên Thánh Giá


Tác giả: 
 Cát Minh
BẢY LÁ THƯ TÌNH CỦA CHÚA GIÊSU VIẾT TỪ TRÊN THÁNH GIÁ
(Suy niệm viết theo hình thức lá thư tình yêu dựa trên Bảy lời cuối của Chúa Giêsu trên Thánh giá)
Mùa Chay lại trở về và tiếng gọi Tình Yêu trên Thánh Giá như lại vọng lên trong tâm hồn người Kitô hữu. Sự mời gọi trở về với Thiên Chúa và tha nhân. Thánhlinh.net trân trọng gởi tới Quí vị “Bảy lá thư tình của Chúa Giêsu viết từ trên Thánh Giá” dựa trên “Bảy lời cuối của Chúa Giêsu” trước giờ tử nạn trên đồi Golgotha được ghi trong Thánh Kinh, để có thể suy niệm và cầu nguyện trong suốt 40 ngày Mùa Chay.

Ước gì bảy lá thư tình hay nhất được viết từ trên Thánh Giá này, sẽ giúp Quí vị tìm được nguồn hạnh phúc và ân sủng dồi dào từ nơi Chúa Giêsu, Đấng đã yêu nhân loại đến nỗi đã chịu chết cho Quí vị. Xin Quí vị dành chút thời gian thinh lặng lắng nghe bảy lá thư tình sau đây được gởi riêng cho Quí vị:

Lá thư tình yêu thứ nhất
Lời Chúa: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Lc 23:34

Con yêu dấu của Thầy,
Lời thứ nhất trong bảy lời sau cùng của Thầy trên Thánh giá là Thầy xin Cha Thầy tha thứ cho những người đã đánh đòn và đóng đinh Thầy. Trong cơn đau đớn, quằn quại tột cùng trên thánh giá ấy, làm sao Thầy lại có thể nói lên điều đó với những quân lính đang đứng nhìn lên chế nhạo mình? Khó lắm con ơi, nếu như tình yêu của Thầy không mãnh liệt hơn sự chết, và nếu không có sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Thầy đã chẳng nói với các con rằng: “Đối với con người thì không, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”.  Thế giới hôm nay dư thừa tội lỗi và tiền bạc, nhưng tình yêu và sự tha thứ lại đang thiếu hụt nghiêm trọng. Thiếu hụt đến nỗi người ta có thể chém giết nhau thay vì tha thứ cho nhau. Lời thứ nhất Thầy nói trên thánh giá chỉ là sự lập lại lời trong kinh Lạy Cha mà Thầy đã truyền dạy cho con là: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
Luật xưa dậy rằng “mắt đền mắt, răng đền răng”, nhưng Thầy mời gọi con hãy dùng tình yêu mà xoá bỏ mọi hận thù, ghen ghét. Vì yêu mến Thầy, con hãy tha thứ cho tha nhân. Một khi con tha thứ cho người khác, thì chính con cũng được Cha ở trên trời tha thứ mọi tội lỗi cho con. Khi làm điều đó, con không những đã nhổ đi một cái đinh đóng trên tay chân của Thầy, mà con còn nhổ đi một cái đinh đang đóng trên cuộc đời của con, để con được tự do. Con có bao giờ nhổ một cái đinh rỉ sét đóng trên một thanh gỗ chưa? Thật không dễ để nhổ trọn vẹn một cái đinh rỉ sét ra khỏi thanh gỗ. Nó thường bị gãy nơi phần rỉ sét, và để lại phần rỉ sét nằm in nơi thanh gỗ. Cho dù có nhổ được cái đinh ra đi nữa, thì nó vẫn để lại một lỗ đinh và vết vàng loang lỗ trên thanh gỗ.
Con ơi, sự không tha thứ chính là hình ảnh của một cái đinh rỉ sét đã bám chặt vào thanh gỗ. Bao lâu sự tha thứ chưa được giải thoát, thì bấy lâu nó sẽ như phần rỉ sét của cái đinh cắm sâu trong trái tim của con.
Trong Mùa Chay này, con hãy dành ít thời gian xem điều gì, hay người nào con cần tha thứ. Người ấy cũng có thể là chính con, cũng có thể là người đã khuất. Nếu mỗi ngày trong 40 ngày Mùa Chay, con tìm được một điều hay một người để tha thứ nhờ vào sức mạnh của Thiên Chúa, thì Thầy bảo thật với con rằng, con đã được tái sinh trong đời sống mới và được phục sinh cùng với Thầy.
Để khởi sự thực hiện điều này, Thầy mời gọi con hãy viết trên miếng giấy tên của một người hay điều gì đó mà con cần tha thứ hay cần được giải thoát. Sau đó, con thắp nên một ngọn nến, cầu nguyện và xé bỏ miếng giấy ấy đi. Kế đến, con đem cây nến đang cháy đặt dưới chân Thánh Giá và dâng điều ấy hay người ấy cho Thầy.
Thầy sẽ ban cho con sức mạnh để có thể làm được điều đó, để rồi trong đêm lễ Phục Sinh, con sẽ nhận được một ngọn nến mới từ Thầy, ánh sáng của Chúa Kitô phục sinh, ánh sáng của tin yêu, bình an và hy vọng, và Thầy mong ánh sáng ấy được bừng sáng lên. Con được kêu gọi để trở nên ánh sáng của Thầy giữa thế giới hôm nay đầy bóng tối và hận thù đang lan tràn khắp nơi.
Thầy của con,
Giêsu, tình yêu.


Lá thư tình yêu thứ hai                                       
Lời Chúa: “Hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên đàng với Ta”.Lc 23:43
Con yêu dấu của Thầy,
Chỉ một lời nói thành tâm sám hối sau cùng của “người trộm lành”, mà anh được Thầy hứa ban Thiên đàng. Nếu một người trộm cướp vẫn có cơ hội vào thiên đàng và trở thành thánh, thì hỡi con, con còn có nhiều cơ hội hơn thế nữa. Đừng để cơ hội qua đi và đừng tiếc nói lời sám hối tội lỗi của mình. Thầy bảo thật với con, Thầy sẽ không từ chối bất cứ sự sám hối nào bất kể quá khứ của họ thế nào đi nữa.
Tội lỗi của con đã được trả với một giá rất mắc bằng giá máu cứu chuộc của Thầy, nhưng nước thiên đàng lại được sẵn sàng ban cho con với “một giá rất rẻ” không ngờ. Giá ấy là lòng thành tâm sám hối ăn năn. Như Thầy luôn đón nhận và cho con cơ hội sám hối trở về, thì Thầy cũng mong con hãy cho người khác có cơ hội trở về, và làm hoà với con. Bất chấp quá khứ và tội lỗi của người trộm lành, khi Thầy nói “hôm nay”, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta, là Thầy muốn nói đến giây phút hiện tại, không phải hôm qua hay ngày mai. Vậy Thầy cũng muốn nói với con rằng:
-      Hôm nay, con hãy sám hối và thành tâm trở về với Thầy.
-      Hôm nay, con hãy cầu nguyện và làm việc bác ái.
-      Hôm nay, con hãy dự lễ như là thánh lễ cuối cùng của cuộc đời con.
-      Hôm nay, con hãy sống như là ngày cuối cùng của con trên trần gian này.
-      Hôm nay, con hãy chuẩn bị phần hồn của con như thể ngày mai sẽ là ngày tận thế…
Con không làm chủ thời gian và ngày ấy sẽ đến vào lúc con không ngờ. Năm cô trinh nữ khôn ngoan là năm cô trinh nữ  luôn có đèn và có dầu để khi Chàng Rể đến thì các cô đã sẵn sàng theo Ngài. Con hãy luôn mang trên mình đèn đức tin và dầu bác ái vì đó là điều đẹp lòng Thầy, vì đó là điều con sẽ mang theo khi từ giã cõi đời.
Để thực hiện điều này, hôm nay con hãy mang tâm tình của người con hoang đàng đứng dậy và đến quỳ dưới chân của Thầy. Con hãy thổ lộ mọi tâm tư, bày tỏ mọi ý định và ước vọng của con cho Thầy. Thầy sẽ lắng nghe như Thầy đã nghe Maria tâm sự, vì Thầy là Thiên Chúa đã mang lấy xác phàm nhân, và biết cảm thông nỗi đau khổ của con người. Thầy không còn gọi con là tôi tớ nữa nhưng là bạn hữu của Thầy, vì con đã được tiền định nên đồng hình đồng dạng với Thầy.
Thầy của con,
Giêsu, tình yêu.

Lá thư tình yêu thứ ba
Lời Chúa: “Thưa Bà, này là con Bà, này con, đây là Mẹ con”. Gioan 19:27
Con yêu dấu của Thầy,
Điều cao quý nhất của Chúa Cha là ban tặng Người Con yêu dấu của Ngài cho nhân loại. Thế nhưng chưa đủ, Ngài còn ban cho con một Người Mẹ. Mẹ Maria là Mẹ của Thầy và cũng là Mẹ của con. Như Mẹ đã yêu thương, chăm sóc cho Thầy thế nào thì Mẹ cũng sẽ yêu thương và chăm sóc con như vậy. Con ơi, có Mẹ Maria là một diễm phúc lớn lao cho con. Khi Thầy sinh ra tại Bêlem vào đêm đông giá rét, thì Mẹ Maria tỏa hơi ấm từ mẫu sưởi ấm cho Thầy. Khi Hêrôđê muốn lấy mạng sống của Thầy thì Mẹ đã ẵm Thầy trốn sang Ai-cập. Khi lên Giêrusalem lạc mất Thầy thì Mẹ đã vội vã đi tìm lại Thầy. Phép lạ đầu tiên Thầy làm cho nước hóa nên rượu cũng là nhờ lời cầu bầu của Mẹ. Mẹ đã theo Thầy trên con đường thập giá lên đồi Golgotha, và Mẹ đã đứng dưới chân Thánh Giá lúc Thầy tắt thở khi các môn đệ của Thầy bỏ trốn.
Hỡi con, con hãy nhớ rằng trong mọi biến cố của cuộc đời ngoài Thầy ra, con còn có Mẹ. Khi cuộc đời của con lạnh lẽo giá rét tình người, con hãy tìm đến trong cung lòng của Mẹ Maria. Khi ai đó muốn cướp đi cuộc sống của con, con hãy tìm đến ẩn náu nơi tà áo của Mẹ. Khi con lạc bước xa Thầy, con hãy tìm bước theo gót chân Mẹ. Khi cuộc đời con thiếu rượu, con hãy thành khẩn cầu xin với Mẹ. Khi con cảm thấy thập giá đè nặng trên đôi vai, con hãy xin Mẹ đồng hành với con. Và khi con sắp trút hơi thở cuối cùng, con hãy phó dâng hồn xác cho Mẹ. Những gì Mẹ nhận nơi con, Mẹ sẽ dâng lên cho Thầy. Thầy bảo thật con, không một điều gì Mẹ xin Thầy, mà Thầy lại từ chối không nhận lời Mẹ.
Con hãy học nơi Mẹ Maria sự khiêm nhường, xin vâng, tin theo thánh ý Chúa, và Mẹ luôn tin tưởng để Chúa thể hiện thánh ý của Ngài trên cuộc đời của Mẹ. Để thực hiện điều này, con hãy nhận một chục Kinh Mân Côi, và đọc với hết tấm lòng yêu mến trước tượng ảnh của Mẹ. Con hãy dâng hiến cuộc đời con cho Mẹ, để Mẹ sẽ dẫn dắt và phù hộ cho con trong mọi lúc.
Thầy của con,
Giêsu, tình yêu.

Lá thư tình yêu thứ tư
Lời Chúa: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con. Sao Ngài bỏ rơi con?” Máccô 15:34
Con yêu dấu của Thầy,
Khi Abraham vung dao định sát tế con của mình, thì Cha Thầy đã sai sứ thần đến cản lưỡi dao của Abraham, vì Ngài không đành tâm để Abraham mất đi người con một của mình. Thế nhưng với Thầy là Con yêu dấu của Ngài vào giờ hấp hối trên thánh giá, thì Ngài đã lặng thinh, để chính Thầy phải thảm thiết kêu lên: “Cha ơi, sao Cha bỏ rơi Con”.
Thầy nói điều đó vì Thầy biết trong cuộc đời của con, sẽ có lúc con cũng kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con. Sao Ngài bỏ rơi con?”. Phải chăng vào lúc đó Thầy đi vắng hay Thầy lánh mặt làm ngơ tiếng con kêu cầu? Không, Thầy minh xác với con là Thầy không bao giờ bỏ rơi con, vì nếu Thầy bỏ rơi con, thì cái chết của Thầy đã trở nên vô nghĩa đối với con. Như mặt trời rất cần thiết cho sự sống của cỏ cây. Thiếu ánh sáng cỏ cây sẽ chết, nhưng có lúc mặt trời cần được che khuất bởi những áng mây mù, để những cơn mưa kéo tới và tưới ướt mặt đất cho vạn vật được hồi sinh. Hạt lúa mì gieo vào lòng đất phải tan biến đi thì nó mới sinh nhiều hoa trái, những lúc con đau khổ là lúc hoa trái của tình yêu đơm bông và kết trái ân sủng của Thiên Chúa. Khi có tình yêu thì đau khổ luôn ẩn chứa niềm hạnh phúc, tựa như người mẹ đau đớn khi sanh nở nhưng vui mừng sung sướng khi thấy con chào đời.  
Con đường của con đi sẽ có đau khổ và thập giá. Thầy có Thánh Giá của Thầy. Mẹ Maria có Thánh giá của Mẹ, nhưng Thầy và Mẹ Thầy đã đi hết đường Thánh giá của mình. Vậy hỡi con, con muốn theo Thầy thì hãy vác thập giá mình mà theo Thầy. Trong mọi hoàn cảnh, con hãy nhớ rằng Thiên Chúa không làm điều gì vô nghĩa cả và Thiên Chúa có thể biến sự dữ ra sự lành. Thánh giá của Thầy là một ô nhục đối với người Do-thái, nhưng với con lại là nguồn ơn cứu rỗi.
Để tỏ lòng tin vào Thầy, con hãy cầm cây Thánh Giá áp lên trái tim và nói với Thầy rằng: bỏ Thầy con biết theo ai, vì Thầy có lời ban sự sống đời đời. Con hãy tha thiết kêu cầu Danh “Giêsu”, vì Danh của Thầy có quyền năng chữa lành, xoa tan bóng đêm và sự dữ. Con hãy nói với Thầy về thánh giá của con đang có. Hãy xin Thầy cùng đồng hành vác thánh giá với con, như ông Simon đã cùng vác thánh giá với Thầy. Con đặt thánh giá xuống và viết tên con trên mảnh giấy hình trái tim để biết rằng trong trái tim của Thầy luôn có hình ảnh của con.
Thầy của con,
Giêsu, tình yêu.

Lá thư tình yêu thứ năm
Lời Chúa: “Ta khát!” Gioan 19:28
Con yêu dấu của Thầy,
Lúc còn ở thế gian, Thầy đã chẳng nói với con rằng: ai khát hãy đến cùng Thầy, từ lòng Thầy sẽ tuôn chảy dòng nước hằng sống. Con người ở mọi thời đại, mọi giai cấp đều đói khát về tâm linh cho đến khi họ tìm được Đấng đã tạo dựng nên họ, cho đến khi họ nhận ra Người Cha trên trời. Họ chỉ được no thỏa trong tâm hồn khi tìm đến với Thầy và ở trong tình yêu của Thầy. Người phụ nữ Samari ngồi bên bờ giếng thế mà chị vẫn khát. Chị chỉ hết khát khi chị biết xin dòng nước từ nơi Thầy. Người Do-thái xưa kia khát mong một Vị cứu tinh đến giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ lầm than. Cha Thầy đã lắng nghe tiếng than khóc của họ và đã sai Thầy đến làm dịu mát cơn khát của họ. Thế nhưng, khi Thầy kêu lên: Ta khát, họ đã cho Thầy nếm giấm chua. Ôi, cho đến bao giờ Thầy mới khỏi khát vì sự bội bạc của con người?
Con thân mến, hôm nay cũng như hàng ngàn năm trước, Thầy vẫn còn cất cao tiếng kêu: Ta khát. Cái khát của Thầy đang biểu hiện trên những khuôn mặt của nạn nhân chiến tranh, bạo động và đàn áp; của bao nhiêu người cơm không đủ ăn áo không đủ mặc; của những khuôn mặt trẻ thơ bị bán đi làm nô lệ tình dục; của những thai nhi không có cơ hội cất tiếng khóc chào đời; của những khuôn mặt già nua bệnh tật trong viện dưỡng lão; của những người chưa biết đến Thầy là ai… Nỗi khát lớn lao nhất vẫn là khát tình người với Chúa và tình người với người. Thế giới hôm nay có rất nhiều Lazarô đang đói khát, nhưng cũng không thiếu gì những “người phú hộ” ăn ngon mặc đẹp, nhà sang xe xịn...
Con yêu, con có muốn là người được sai đi làm dịu cơn khát của Thầy không? Nếu con đã sẵn sàng, con hãy nếm thử một chút dấm chua mà Thầy đã nếm qua, và con hãy dành một ít phút thinh lặng nghĩ tới những khuôn mặt đang đói khát ở chung quanh con. Bắt đầu với những khuôn mặt rất gần với con như cha mẹ, anh chị em, chồng vợ, con cái. Họ là những người cha trao phó cho con, con hãy nhận ra họ đang đói khát điều gì? Có thể họ không thiếu cơm ăn áo mặc nhưng thiếu tình yêu, chung thủy, trách nhiệm, quan tâm của con dành cho họ. Nếu con muốn đi xa hơn nữa để làm dịu cơn khát của Thầy, con hãy nghĩ tới các ân nhân, họ hàng, bạn bè, người quen biết của con. Thầy chắc chắn rằng con sẽ tìm được một khuôn mặt đang đói khát vật chất hoặc tâm linh. Con hãy chia sẻ và cầu nguyện cho họ.
Con ơi, nếu không phải là con thì Thầy sẽ sai ai đi bây giờ? Nếu không phải ngay hôm nay thì đến bao giờ Thầy nới được dịu cơn khát. Thầy cám ơn con nhiều lắm. Thầy cho con biết, chỉ một chén nước lạnh con cho Thầy hôm nay, con sẽ được dư đầy nước trường sinh mai sau. 
Thầy của con,
Giêsu, tình yêu.

Lá thư tình yêu thứ sáu
Lời Chúa: “Mọi sự đã hoàn tất”. Gioan 19:30
Con yêu dấu của Thầy,
Để chu toàn thánh ý của Thiên Chúa Cha, Thầy đã phải đi qua 14 đàng Thánh Giá đau thương. Con thấy đó, đường thương khó của Thầy là đường lên đỉnh đồi, vì thế Thầy đã ngã lê bước và xuống đất nhiều lần, nhưng Thầy đã đứng dậy tiếp tục bước đi. Mỗi lần ngã xuống đất, Thầy lại nghĩ tới sự sa ngã của Adam - Evà, của vua Đavít, của Giuđa và cái ngã ngựa của Phaolô. Những cái ngã này đều khác nhau vì mỗi người có sự yếu đuối riêng của mình. Evà đã sa ngã vì trái táo kiêu ngạo. Đavít sa ngã vì sắc dục. Giuđa đã sa ngã vì tiền bạc. Phaolô ngã vì đi tìm bắt các Kitô hữu của Thầy. Đằng sau sự sa ngã chính là bản tính xác thịt yếu đuối, danh vọng thế gian và quyền lực của sự dữ. Mỗi lần ngã là mỗi lần đau, mỗi lần đau là mỗi bài học để đời cho bản thân mình.
Cuộc đời của mỗi người là một cuộc chạy đua. Trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Con hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng không bao giờ hư nát. Là lực sĩ điền kinh, con phải kiêng cữ đủ điều để hoàn tất cuộc đua. Như Thầy, Thầy đã đạt tới đỉnh núi sọ. Thầy đã chiến thắng sự chết và thần dữ. Thầy đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại.
Con thân mến, con hãy dành dành ít thời gian nhìn lại cuộc đua của con xem, con đang chạy đua ở đua trường nào và mức độ sao?
- Nếu là tu sĩ thì con đang chạy đua để mang nhiều linh hồn về cho Thầy. Trong cuộc đua này con hãy đạt cho được đức Khiết Tịnh, Khó Nghèo, Vâng Phục. Không phải bao nhiêu thánh lễ, công trình con đã làm, nhưng bao nhiêu sự khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục con đã sống mới thật trân quý.
- Nều con là vợ chồng, thì con đang chạy đua để xây dựng một giáo hội nhỏ thánh thiện của Thầy nơi gia đình của con. Trong cuộc đua này con hãy đạt cho được sự chung thủy, yêu thương, cảm thông và hiệp nhất.
- Nếu con là bậc là con, thì con đang chạy đua để đạt cho được lòng thảo kính cha mẹ. Trong cuộc đua này hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Thầy, vì đó là điều phải đạo.
Con còn một cuộc đua khác nữa cũng không kém quan trọng, đó là chạy đua với chính mình. Con hãy chạy làm sao để thắng được xác thịt và cái tôi to lớn của mình. Thầy biết có lúc con sẽ sa ngã. Con hãy tìm sức mạnh nơi Thầy và hãy can đảm đứng lên. Hãy nhìn về phía trước vì Thầy đang đứng chờ đợi con ở cuối đường. Vì con đang ở trong cuộc đua, con cần kiêng cữ để có thể đạt tới đích. Con hãy quyết tâm kiêng cữ hay từ bỏ một điều xấu nào đó như là một dấu chỉ con đang xé lòng vì yêu mến Thầy.
Thầy của con,
Giêsu, tình yêu.
Lá thư tình yêu thứ bẩy
Lời Chúa: “Lậy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Luca 23:46
Con yêu dấu của Thầy,
Đây là Lá thư tình yêu cuối cùng trong bảy lá thư viết trên Thánh Giá mà Thầy viết cho con bằng tất cả tình yêu. Thầy đã viết cho con bằng Máu và Nước từ trái tim của Thầy. Thầy đã yêu con cho đến hơi thở cuối cùng. Dấu ấn tình yêu mà Thầy để lại cho con là chính Thịt và Máu của Thầy. Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất, không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Thầy chính là hạt lúa mì Cha Thầy gieo vào lòng đất đã chết đi để sinh hạt cứu rỗi cho con.
Con ơi, Thiên Chúa đã yêu thương con đến nỗi đã ban Con một của Ngài cho con. Nếu ngày hôm nay, Ngài muốn chứng tỏ tình yêu của Ngài dành cho con thêm một lần nữa, thì Ngài chẳng còn gì để cho con. Ngài đã cho con tất cả rồi, và chỉ cần cho một lần là đủ, là vĩnh viễn ngàn thu. Có được Người Con của Ngài là con có tất cả. Con thật quí giá biết bao vì con là con của Thiên Chúa, một Thiên Chúa uy quyền. Con hãy sống như một công chúa, một hoàng tử của nước trời. Hãy tung cánh bay cao như chim phượng hoàng về chân trời xanh thẳm bình yên, đừng sống cặm cụi như bầy gà trên mặt đất.
Thầy đi để dọn chỗ trên thiên đàng cho con. Hãy tin tưởng vào Lời của Thầy. Đừng sợ hãi, hỡi con, dù đường đời con đi có muôn ngàn gian khó và thử thách vì Thầy luôn ở cạnh con. Chén đắng cuộc đời con sẽ phải uống và thánh giá cuộc đời con sẽ phải mang.  Con hãy bền đỗ đến cùng để sẽ được phục sinh với Thầy.
Con thân mến, để chứng minh niềm tin của con nơi Thầy, con hãy thắp lên một ngọn nến và nhận một câu Lời Chúa. Con hãy cầu nguyện và sống câu Lời Chúa này. Thầy sẽ ở với con mọi ngày cho đến tận thế.
Thầy của con,
Giêsu, tình yêu.
Cát Minh
1/2013

http://thanhlinh.net/node/41660

Suy niệm đàng Thánh Giá của Đức Thánh Cha Phanxicô tại hý trường Colosseo: 18-4-2014

Bài viết liên quan: