Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Sưu tầm-Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể (Mt 26, 26-29)


Ðức Giêsu lập phép Thánh Thể

(26) Cũng đang bữa ăn, Ðức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy". (27) Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này, (28) vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội. (29) Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy".

 1. Đêm Thứ Năm Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể
Cách đây hơn hai ngàn năm, trong một đêm thứ năm tại “một căn phòng rộng rãi trên lầu” (Lc 22,12) mà sau nầy được gọi là Nhà Tiệc Ly , trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu đã lập Phép Thánh Thể để nói lên tình yêu vô bờ bến của Ngài đối với loài người chúng ta: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế hian, và Người vẫn yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Trong đêm chia ly Thứ Năm này, Chúa Giêsu đã làm một việc vô cùng phép tắc và cảm động không bút nào tả nổi, là đem tình thương vô biên của Ngài để thắng hận thù điên cuồng của loài người chúng ta, bằng cách lập Phép Thánh Thể để ở lại với loài người chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. 
Trong khi loài người đầy hận thù tức tối, quyết tiêu diệt Chúa Giêsu ra khỏi trần gian, thì Chúa Giêsu lại lập Phép Thánh Thể để ở lại với loài người. 
Irong khi loài người điên cuồng, với bất cứ giá nào, cũng quyết tẩy chay cho kỳ được Chúa Giêsu ra khỏi cuộc sống trần gian này, thì Chúa Giêsu, đầy lòng nhân từ tha thứ, tuy để cho loài người hả cơn giận giết chết Ngài, nhưng Ngài đã lập Phép Thánh Thể để ở lại với loài người.
2. Chúa Giêsu ở lại với loài người bội bạc chúng ta 
Để ở lại với loài người bội bạc chúng ta, Chúa Giêsu đã có thể ở gần chúng ta, hoặc ở bên cạnh chúng ta, và như thế, cũng quá hạnh phúc cho chúng ta rồi! Nhưng không, trong Phép Thánh Thể, Chúa Giêsu lại ở ngay trong chính lòng chúng ta. 
Để ở lại với loài người bội bạc chúng ta, Chúa Giêsu đã có thể vào thăm nhà chúng ta ở, và như thế, cũng quá hạnh phúc cho chúng ta rồi! Nhưng không, trong Phép Thánh Thể, Chúa Giêsu lại ngự đến ngay trong thân xác và linh hồn chúng ta. 
Để ở lại với loài người bội bạc chúng ta, Chúa Giêsu đã có thể đến thăm chúng ta một lần trong đời, và như thế, cũng quá hạnh phúc cho chúng ta rồi! Nhưng không, trong phép Thánh Thể, Chúa Giêsu hằng ngày ngự đến với chúng ta khi chúng ta tham dự Thánh Lễ và rước Ngài vào lòng. 
Để ở lại với loài người bội bạc chúng ta, Chúa Giêsu đã có thể hẹn gặp chúng ta một nơi nào đó, và như thế, cũng quá hạnh phúc cho chúng ta rồi! Nhưng không, trong phép Thánh Thể, Chúa Giêsu hẹn gặp chúng ta nơi Nhà Thờ là nơi chúng ta dễ đến nhất, có khi lại là nơi gần chúng ta nhất.
3. Phép Thánh Thể thật lạ lùng!
Phép Thánh Thể vượt thời gian: phán một lời “Nầy là Mình Ta, Nầy là Máu Ta”, liền thực hiện điều lạ lùng này ngay, không trì hoãn một giây phút nào. 
Phép Thánh Thể vượt không gian: Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể, có mặt khắp nơi, không nơi nào mà không có Ngài. 
Phép Thánh Thể vượt hữu hình: Chúa Giêsu ngự thật trong phép Thánh Thể dẫu con mắt loài người không thấy gì trong đó. 
Phép Thánh Thể vượt tự nhiên: sau khi linh mục đọc lời truyền phép, bản tính tự nhiên của bánh và rượu không còn nữa, nhưng trở thành Mình và Máu thật của Chúa Giêsu.
4. Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể cho loài người chúng ta 
Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể không phải để cho các thánh thiên thần và các thánh nam nữ ở trên trời, nhưng lập phép Thánh Thể cho chúng ta đang ở trên trần gian nầy để nuôi dưỡng và ban sức mạnh cho chúng ta trên con đường về Thiên Đàng. Chính vì thế mà Chúa Giêsu thúc giục chúng ta đến ăn Ngài: "Các con cầm lấy mà ăn!” (Mt 26,26). 
Chính vì thế mà Chúa Giêsu dọa chúng ta: "Nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6,52). 
Chính vì thế mà Chúa Giêsu treo phần thưởng cho chúng ta: "Ai ăn bánh nầy, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,58).
5. Phép Thánh Thể đòi buộc chúng ta phải có một đức tin mạnh mẽ, một tinh thần dâng hiến và một ý muốn hiệp nhất với Chúa và với nhau.
Phép Thánh Thể đòi buộc chúng ta phải có đức tin thật mạnh mẽ. Khi còn ở trên đời nầy, Chúa Giêsu đòi buộc những ai đến với Ngài, phải có một đức tin thật mạnh mẽ. Nhất là, đối với Phép Thánh Thể, Chúa Giêsu đòi buộc mọi người phải có lập trường rõ rệt: hoặc là tin vào Ngài, hoặc là không tin vào Ngài. Vì thế, Giáo Hội tuyên xưng Phép Thánh Thể là mầu nhiệm của Đức Tin: Đức Tin đã là mầu nhiệm rồi, nhưng Phép Thánh Thể lại còn là mầu nhiệm của Đức Tin!Phép Thánh Thể đòi buộc chúng ta phải có tinh thần dâng hiến. Chúa Giêsu Thánh Thể dâng hiến liên lĩ trên các bàn thờ trong khắp thế giới: mỗi giây, có 4 thánh lễ được dâng lên. / Chúa Giêsu đã dâng hiến mình trên Núi Sọ. Thánh Lễ cũng là sự dâng hiến của Chúa Giêsu Thánh Thể trên Núi Sọ, chỉ khác một điều là không có đổ máu ra bên ngoài mà thôi. Đời sống chúng ta cũng là một thánh lễ kéo dài, một sự dâng hiến liên lĩ theo gương Chúa Giêsu Thánh Thể.Phép Thánh Thể đòi buộc chúng ta phải có ý muốn hiệp nhất với Chúa và hiệp nhất với anh chị em đồng loại. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy ở trong tình yêu của Ngài: “Cãc con hãy ở trong tình yêu của Thầy.” (Ga 15,9). Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy ở trong tình yêu với nhau: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con.” (Ga 13,34). Vì thế, Giáo Hội dạy chúng ta rằng khi lập Phép Thánh Thể, Chúa Giêsu muốn mọi kitô hữu kết hợp chặt chẽ với Ngài và liên kết chặt chẽ với nhau.
6. Phép Thánh Thể là tất cả đối với chúng ta!
Đối với chúng ta, Chúa Giêsu Thánh Thể nói lên tất cả, tóm lại tất cả, chứa đựng tất cả, cắt nghĩa tất cả.Như con ong phải đi tìm hoa và hút nhụy hoa để sống thế nào, chúng ta cũng phải đi tìm Hoa Giêsu Thánh Thể và hút lấy Nhụy Hoa Giêsu Thánh Thể để sống cuộc đời trên dương thế này, hầu sau này được về với Chúa trên nước Thiên Đàng.
Lm Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang


 



 



Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Sưu tầm : Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô

Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
Trong ngày lễ kính Mình Máu Chúa Kitô, Giáo Hội cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng về phép lạ bánh hóa nhiều. Ðây là phép lạ duy nhất được cả bốn Phúc Âm thuật lại. Ðây cũng là một phép lạ công khai trước mặt một số đông người. Năm chiếc bánh và hai con cá trở thành lương thực nuôi khoảng năm ngàn người mà vẫn còn dư mười hai thúng miếng vụn. Thánh sử Luca nhấn mạnh đến vai trò của nhóm Mười Hai trong phép lạ này. Chính họ đã chủ động xin Chúa Giêsu giải tán đám đông để những người này tìm chỗ ăn, chỗ ở. Và Chúa Giêsu dường như muốn đưa ra một thách đố cho nhóm Mười Hai: "Chính các con hãy cho họ ăn". Hãy lo cho họ sau khi đã được nghe giảng về Nước Thiên Chúa, được chữa lành khỏi mọi tật bệnh. Các môn đệ thấy mình bất lực trước nhiệm vụ này dù mới đây họ đã được sai đi rao giảng và chữa bệnh và đã thành công. Ðiều duy nhất họ có trong tay là năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng chừng ấy thấm vào đâu so với nhu cầu của dân chúng: "Ở nơi thanh vắng này, dù có tiền cũng không mua được đủ bánh". Chúa cần các môn đệ nhìn nhận sự bất lực của họ, để rồi Ngài mời gọi họ cộng tác vào việc nuôi sống dân chúng. Các môn đệ, theo lệnh của Chúa Giêsu, đã chia đám đông thành từng nhóm nhỏ. Chính các ông đã trao bánh và cá cho Chúa Giêsu để rồi nhận lại từ tay Ngài và trao cho đám đông. Phép lạ đã xảy ra trên bánh này khi Chúa Giêsu chúc tụng và bẻ ra. Chúng ta không tưởng tượng nổi số lượng khổng lồ bánh và cá đã phát sinh từ hành vi bẻ ra này. Bẻ ra và trao đi trở thành phép lạ nhân lên không ngừng.
Có thể hôm nay chúng ta cũng thấy mình đứng trước những nhu cầu lớn lao của con người. Nhân loại vẫn ở trong tình trạng đói về nhiều mặt. Hàng giờ có biết bao trẻ em chết đói trên thế giới này. Trong tay chúng ta chỉ vỏn vẹn vài tấm bánh nhỏ, chúng ta lúng túng và thấy mình bất lực. Nếu chúng ta dám trao cho Chúa Giêsu tất cả những gì chúng ta có; nếu chúng ta để cho Ngài thánh hóa những cố gắng nhỏ bé của mình; nếu chúng ta chỉ coi mình là người cộng tac của Thầy Giêsu đến phục vụ con người, thì phép lạ vẫn có thể xảy ra hôm nay. Chúng ta vẫn có thể nuôi cả thế giới no nê và dư dật, nếu chúng ta biết cộng tác với Chúa.
Chúng ta đọc lại câu 16 đoạn Tin Mừng trên: "Chúa Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông". Khi kể lại cử chỉ của Chúa Giêsu làm lúc lập bí tích Thánh Thể, thánh Maccô cũng sử dụng bốn động từ trên đây. Và trong biến cố hai môn đệ về Emaus, chúng ta cũng thấy thánh Luca dùng lại bốn động từ này: "Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ". Cử chỉ quen thuộc này đã làm cho hai môn đệ nhận ra Chúa Giêsu. Giáo Hội thời khai sinh hẳn đã thấy sự liên hệ giữa phép lạ bánh hóa nhiều và bí tích Thánh Thể. Trong cả hai trường hợp, Chúa Giêsu đều dùng một cử chỉ mà mời người khác ăn tấm bánh Ngài trao cho. Rất có thể ý định lập bí tích Thánh Thể được khơi mào từ sau phép lạ bánh hóa nhiều. Những chiếc bánh vật chất như đã giảm cơn đói cho một số người nhất định trong một thời gian nhất định. Mana ngày xưa trong sa mạc cũng không cho người ta sự sống sau cái chết.
Bữa tiệc ly không phải là một hành vi đột xuất không suy nghĩ trước. Trái lại, Chúa Giêsu đã phải bận tâm với mơ ước nuôi cả nhân loại, nuôi họ bằng chính bản thân Ngài và ban cho họ sự sống vĩnh cửu: "Này là mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Này là chén máu Thầy, sẽ đổ ra cho các con". Chúa Giêsu mời chúng ta ăn tấm bánh và uống chén rượu đã được thánh hiến để có dịp tham dự vào cái chết và sự phục sinh của Ngài; vào chính bản thân Ngài. Bí tích Thánh Thể là sáng kiến của một tình yêu biết tìm kiếm.
Cựu ước đã hứa rằng trong những ngày sắp đến, Thiên Chúa sẽ nuôi dân Người dư dật. Chúa Giêsu đã làm trọn lời hứa đó phần nào qua phép lạ bánh hóa nhiều. Nhưng đó cũng chỉ là hình bóng của bí tích Thánh Thể mà Ngài sẽ thiết lập sau này. Khi thông hiệp với Chúa Kitô Phục Sinh với hình bánh và hình rượu, chúng ta còn cần đến đức tin, chúng ta mong chờ ngày được tham dự bữa tiệc ở Nước Trời, nơi chúng ta thông hiệp trọn vẹn với Ngài, không qua bức màn đức tin nữa nhưng diện đối diện. Chúa Giêsu đã bẻ bánh nhiều lần trong cuộc đời của Ngài. Ðời Ngài được kết tinh trong hành vi bẻ bánh. Tấm bánh trong bữa tiệc ly đã trở thành tấm thân Ngài được bẻ ra và trao cho con người qua cái chết trên thập giá: "Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy". Giáo Hội thời khai sinh đã không quên mệnh lệnh đó, họ tiếp tục cử hành bí tích Thánh Thể mà họ gọi là lễ bẻ bánh tại các nhà riêng của tín hữu. Bẻ bánh trở thành nét đặc trưng của cộng đoàn Kitô sơ khai. Nghi thức này thường được cử hành vào ngày Chúa Nhật, ngày thứ nhất trong tuần.
Xin Chúa giúp chúng ta gặp Ngài trong lễ bẻ bánh.

Mỗi Ngày Một Tin Vui
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Sưu tầm : Thứ năm tuần thánh

Thứ Năm Tuần Thánh
 Chúa Giêsu Thiết Lập BÍ TÍCH THÁNH THỂ - THIÊN CHỨC LINH MỤC - GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG
Ngày 7/4 hàng năm đã trở thành ngày toàn quốc hiến máu cứu người, và đã có rất nhiều người thuộc nhiều thành phần xã hội, tôn giáo tích cực hưởng ứng phong trào hết sức có ý nghĩa này, mỗi giọt máu được cho đi đã trở thành cơ hội cứu sống một mạng người, và thực tế nhiều người đã được cứu sống, được tai qua nạn khỏi nhờ những giọt máu tình thương ấy. Những người nhận máu có khi không biết những giọt máu kia từ đâu ra, còn những người hiến tặng, thì chỉ nghĩ rằng họ đã làm một việc nghĩa, một việc nhân đạo. Cho người khác, cơm bánh tiền bạc, thời giờ sức lực đã là việc làm đáng quý, thì việc trao tặng chính dòng máu của mình, sức sống của mình để cho người khác được sống lại càng đáng trân trọng hơn nữa.
Kính thưa quý ông bà anh chị em, hôm nay trong bầu khí linh thiêng thánh thiện của buổi chiều Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta như được sống và hiện diện trong khung cảnh của bữa tiệc ly của Chúa Giêsu và các tông đồ. Nơi đây, chúng ta được chứng kiến sự hy sinh và tình yêu đến tột cùng của Chúa Giêsu dành cho nhân loại qua việc Ngài trao tặng cho nhân loại máu thịt và chính mạng sống của Ngài trong Bí Tích Thánh Thể để đem lại sự sống cho con người, và kéo dài tình yêu thương qua việc thiết lập Chức Linh Mục, cùng dạy các tông đồ giới răn yêu thương và tinh thần phục vụ.
Chiều ngày Thứ Năm năm ấy, theo truyền thống và luật Mose truyền lại, Chúa Giêsu và các môn đệ cùng bước vào phòng tiệc ly để cử hành biến cố Vượt Qua mà Thiên Chúa đã thực hiện để cứu dân Do Thái ra khỏi đất Ai Cập, nghi thức chính yếu của buổi lễ này là việc sát tế con chiên và ăn bữa tiệc vượt qua; và vì là một nghi lễ trang trọng và linh thiêng, nên các chi tiết của bữa tiệc này đã được quy định hết sức chi tiết như trong bài đọc một chúng ta vừa nghe.
Tuy nhiên, khác với những lần cử hành lễ Vượt Qua trước đây, hôm nay Chúa Giêsu bước vào phòng tiệc trong tư cách chính ngài là Con Chiên Vượt Qua sắp bị hiến tế. Thánh Gioan đã ghi lại cảm nghiệm về buổi chiều này: Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ Người phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình và đã yêu thương họ đến cùng. Giống như người cha sắp sửa đi xa, Chúa Giêsu đã không giấu được cảm xúc và tình yêu thương của một người cha dành cho các con, của người thày dành cho học trò của mình trước khi chia tay mãi mãi, và Ngài đã dành cho họ một tình yêu đến tột cùng.
Vì yêu cho đến cùng, và muốn ở lại mãi với người mình yêu, Chúa Giêsu, đã có một sáng kiến tuyệt vời, Ngài cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: Các con hãy cầm lấy mà ăn, vì này là mình Thày; Các con hãy cầm lấy chén này, đây là máu Thày, máu giao ước mới sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội, trước sư ngỡ ngàng của các tông đồ. Với việc làm này, Chúa Giêsu đã biến tấm bánh ấy trở nên chính thân mình của Ngài, và làm cho chén rượu trở nên máu của Người. Tấm bánh được bẻ ra, là chấp nhận sự tan nát, và biến thành lương thực nuôi sống người mình yêu thương, và chén rượu ấy biến thành máu của ngài, máu chảy ra, chấp nhận sự đau dớn, xẻ thân nát thịt, để trở nên của uống, và là sức mạnh tẩy rửa tội lỗi cho cả nhân loại.
Biến mình trở nên của ăn của uống, Chúa Giêsu, đã hóa nên lương thực để đáp ứng cho nhu cầu căn bản của con người, và không chỉ như thế, khi yêu nhau, người ta muốn nên một với nhau ở trong nhau gắn bó với nhau, thì cũng vậy, trở nên của ăn của uống Chúa Giêsu muốn được ở lại mãi với con người, và còn được người mình yêu thương nhai và nuốt để được đi vào trong tâm hồn, trong từng đường gấn thớ thịt của người mình yêu và cùng chung một nhịp thở, một nhịp đập của trái tim với người mình yêu.
Không dừng lại đó, Chúa Giêsu còn muốn hoàn toàn lệ thuộc vào người mình yêu, khi quyết định đặt trọn cả con người của mình vào tay nnhững người mình yêu thương, khi tuyên bố: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày. Với lời này, Chúa Giêsu đã chấp nhận đặt mình hoàn toàn trong tay của các môn đệ, và cũng với lời này, Chúa Giêsu đã tuyển chọn các tông đồ trở thành những Linh mục đầu tiên của giao ước mới, là những người sau này sẽ nhân danh Ngài, và cùng với Ngài nối dài hy lễ và sự hy sinh hiến tế của Chúa cho nhân loại. Chọn và ban chức linh mục cho các tông đồ vào giây phút long trọng, đầm ấm, yêu thương và cảm đông này, Chúa Giêsu đã hoàn toàn tin tưởng và thậm chí “liều lĩnh” khi làm như thế, chỉ vì sự thúc đẩy của tình yêu của một con người, của một vị Thiên Chúa đã muốn yêu các môn đệ của mình cho đến tận cùng, không còn tiếc điều gì nữa, dù biết rằng các ông chưa phải là những con người thánh thiện, cũng không phải là những con ngừơi hoàn hảo, dù biết trước rằng trong các ông sẽ có người phản bội, sẽ có những người từ chối mình và có những người hèn nhát không dám nhận có liên hệ với mình, nhưng vì yêu mà Chúa Giêsu đã trao cho họ tất cà như thế.
Trong khung cảnh của đêm tiệc ly ấy, Chúa Giêsu đã gây ra hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, khiến cho các tông đồ cứ như ngây ra để nhìn mà không hiểu Thày mình đang làm gì. Thánh Gioan đã ghi lại từng động tác hết sức chậm rãi và nhiều ý nghĩa của Chúa Giêsu: đang bữa ăn, Người đứng dậy rời khỏi bàn ăn, cởi áo ngoàì ra, và lấy khăn thắt lưng, rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, và lấy khăn thắt lưng mà lau. Đứng dậy rời khỏi bàn ăn, Chúa Giêsu như rời bỏ địa vị của mình, vị trí là một người thày, một người chủ, Ngài cởi áo ngoài ra, tức là cởi bỏ cả con người, cả mạng sống của mình để sẵn sàng cho đi, lấy khăn thắt lưng, tức là đã mang vào mình tư thế thái độ của một người đầy tớ một người phục vụ để cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.
Cúi xuống rửa chân cho các mộn đệ, đó là việc làm chưa bao giờ xảy ra, vì chỉ có nô lệ mới phải rửa chân cho chủ, vậy mà hôm nay, Đức Giêsu đã chấp nhận hạ mình xuống và hiến thân mình trở nên như một kẻ nô lệ để phục vụ để yêu thương học trò của mình. Ngài đã không chỉ rửa chân cho các tông đồ, mà còn cần thận lấy khăn thắt lưng mà lau, Ngài rửa chân và lau đi cả sự bụi bặm bẩn thỉu của sự phản bội như bàn chân của Giuda, Ngài lau khô cả bản chân của con người bạc bẽo Simon Phêrô, và các bàn chân hèn nhát của các tông đồ khác, việc làm này qủa thật đã khiến các môn đệ không thể hiểu, không thể tưởng tượng được. Chính vì thế Simon Phêrô đã phản ứng mạnh mẽ: Không đời nào con để Thày rửa chân cho con! Chúa Giêsu đã cho ông biết: Nếu anh không được Thày rửa chân thì anh sẽ không được chung phần với Thày.
Thưa quý ông bà anh chị em, chắc chắn, lúc đó Simon Phêrô không thể hiểu được Đức Giêsu muốn nói gì, chỉ khi Chúa Giêsu trở về vị trí, Ngài giải thích cho các ông, thì bài học lúc này mới trở nên rõ ràng: Nếu ta là Thày và là Chúa mà Thày còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng hãy rửa chân cho nhau, Thày đã làm gương cho anh em, để anh em cũng hãy làm như Thày đã làm.
Hãy làm như Thày đã làm - Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài xâu chuỗi lại tất cả các bài học qua các việc làm của Chúa trong bữa tiệc, để rồi các ông cũng sẽ phải làm như Thày đã nêu gương. Chúa muốn mỗi người môn đệ rửa chân cho nhau là dám cởi bỏ con người cùng với cái tôi kiêu hãnh, thắt dây thắt lưng là sự khiêm tốn hiền hòa, dám chấp nhận cúi xuống, hạ mình để anh em được vươn cao được lớn lên, để dám hiến thân và phục vụ. Cúi xuống rửa chân cho anh em, là dám vất bỏ tính tự cao tự đại, tự ái để bước đến để yêu thương và chia sẻ mà không so đo tính toán thiệt hơn.
Hãy làm như thày đã làm là còn phải dám bẻ nát cuộc đời của mình để trao tặng cho anh em, là chấp nhận để cho người khác cầm lấy, ăn và nhai, cho dù rằng việc bẻ vụn, việc nhai nghiến sẽ làm cho cuộc đời chúng ta đau đớn mất mát, là dám chấp nhận tan nát cõi lòng, chảy máu con tim vì yêu thương anh em đồng loại.
Các bậc cha mẹ hãy làm như Chúa đã làm cho con cái mình, hãy biến gia đình mình thành căn phòng tiệc ly nơi đó đầy ắp tình yêu thương ấm cúng, sư tận tụy hy sinh của cha mẹ dành cho con cái và cả sư hiến thân mình của cha mẹ, biến những giọt mồ hôi và cả những giọt nước mắt của đau khổ hàng ngày, cùng với những giọt máu hy sinh thầm lặng của cha mẹ thành những bữa cơm gia đình ấm cúng thân thương cho cả nhà.
Còn những người con và các bạn trẻ cũng hãy dám học theo bài học của Chúa Giêsu hãy dám cúi xuống rửa chân cho nhau bằng việc cống hiến tuổi trẻ và khả năng của mình để gieo trồng tình yêu thương vào trong gia đình và trong thế giới hôm nay. Amen
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí




Sưu tầm : Bỏ Thầy, Con Sẽ Theo Ai? ( Ga 6, 61-70)

Bỏ Thầy, Con Sẽ Theo Ai?
Chúa Nhật 21 Thường Niên, Năm, B
Gs 24:1-2, 15-17, 18; Ep 5:21-32; Ga 6:61-70
Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã ban cho loài người được tự do lựa chọn: hoặc chấp nhận hay khước từ ơn Chúa. Sau khi chu toàn sứ mệnh Môsê trao phó để đưa dân Chúa chọn vào miền đất hứa, ông Giôsuê đã triệu tập các vị đại diện dân chúng tại Si-khem để khẳng định lại niềm tin vào Chúa. Ông nói với họ rằng: Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Thiên Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ... Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Thiên Chúa (Gs 24:15). Dân Ít-ra-en cũng đã lựa chọn. Họ quyết định phụng thờ Thiên Chúa vì Người đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ bên Ai cập, đã làm những việc kỳ diệu và dẫn đưa họ vào miền đất hứa.
Tuy nhiên khi gặp khó khăn và thử thách trong sa mạc, họ lại bất trung, phản nghịch cùng Chúa. Và mỗi lần họ ăn năn sám hối thì Chúa lại giang tay đón nhận họ trở về với lòng bao dung tha thứ. Trong Phúc âm tuần trước, Ðức Giêsu dạy họ về việc ăn bánh hằng sống là thịt và uống máu Người thì mới có sự sống muôn đời. Người Do thái liền tranh luận hỏi nhau: làm sao ông này có thể cho họ ăn thịt Người được (Ga 6:52)?
Lớp thính giả thứ hai trong Phúc âm hôm nay là các môn đệ khi nghe Ðức Giêsu giảng dạy về việc ăn thịt và uống máu Người để được sống muôn đời, cũng lẩm bẩm cho rằng lời nói thật là chướng tai (Ga 6:60). Và theo Phúc âm thuật lại: Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa (Ga 6:66). Từ ngữ môn đệ được hiểu là người theo Ðức Giêsu và con số được ghi là bảy mươi hai môn đệ. Và khi có những môn đệ bỏ cuộc, Ðức Giêsu không ngạc nhiên, cũng không buồn giận, và không thay đổi lập trường. Người không giải thích, cũng không rút lại lời giảng dạy để mong bắt được mẻ cá lớn là các môn đệ.
Ðến lượt lớp thính giả thứ ba là các tông đồ thì Ðức Giêsu còn thách đố các ông thêm nữa. Người đòi hỏi nơi các tông đồ một đức tin không dè dặt, không lưỡng lự. Ðức Giêsu gần làm hoảng hồn các tông đồ, khi Người hỏi thêm các ông: Còn chúng con, chúng con có muốn bỏ Thầy mà đi không (Ga 6:67)? Hoặc ở lại hay bỏ đi, một câu hỏi mà họ không thể nào tránh né được. Ðể trả lời câu hỏi, ông Phêrô tiến lên, đóng vai trò lãnh đạo, đáp lại: Thưa Thầy, nếu bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời (Ga 6:68). Ông muốn nói là không có ai khác để mà theo cả. Ðức Giêsu đòi hỏi một quyết định nơi các tông đồ. Và Người đã nhận được lời cam kết của thánh Phêrô. Một lời cam kết đã làm tiêu tan những nghi ngờ của các tông đồ khác.
Cũng vậy, tất cả những người đã quyết định theo Chúa qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức đều phải đương đầu với những thử thách về đức tin. Hằng ngày ta gặp nhiều cám dỗ để chối bỏ đức tin công giáo tông truyền. Ta gặp nhiều tiếng gọi dụ dỗ bảo ta điều gì phải tin, điều gì không cần tin, việc gì phải làm, việc gì không nên làm, điều gì cần phải được xét lại. Ta bị cám dỗ để giữ đạo theo xu hướng nhất thời, tuỳ theo hứng khởi: vui thì đi lễ thờ phượng, không thì ở nhà. Ta bị cám dỗ chỉ giữ đạo nếu Giáo hội thay đổi lập trường về một vài nguyên tắc luân lý nào đó, nếu Giáo hội chiều theo ước muốn của ta.
Ta bị cám dỗ chối bỏ đức tin vào sự hiện diện của Chúa trong Bí tích Thánh thể vì không hiểu sao bánh rượu sau khi linh mục đọc lời truyền phép vẫn giống bánh rượu trước khi truyền phép? Và đó chính là mầu nhiệm trong đạo mà loài người không thể dùng lí trí để giải thích và hiểu được. Nếu người ta có thể hiểu được mầu nhiệm trong đạo, thì cái được gọi là mầu nhiệm, không còn phải là mầu nhiệm nữa, mà chỉ là một triết thuyết hay một hệ thống khoa học. Vì thế mầu nhiệm vẫn mãi mãi là mầu nhiệm, nếu không thì đức tin không còn phải là đức tin nữa, mà chỉ là sự hiểu biết thôi. Tuy nhiên, nếu không hiểu, tại sao lại tin? Tin là chấp nhận dựa trên lời nói hay thế giá của người khác. Các tông đồ không hiểu, nhưng vẫn tin vì dựa trên lời nói của Thầy mình.
Khi cảm thấy khó chấp nhận về đường lối giáo huấn chính thức của Giáo hội, là phản ảnh của đường lối Phúc âm, về một vài vấn đề như tính dục, ly dị, phá thai..., đó là lúc mà câu hỏi Chúa đặt ra cho các tông đồ sẽ lại vọng lên bên tai ta: Còn con, con có muốn lìa bỏ Giáo hội mà Thầy đã thiết lập trên nền tảng các tông đồ không? Khi bất đồng ý kiến với Giáo hội về một số chính sách của Toà Thánh Vatican, đó là lúc mà một câu hỏi tương tự sẽ vọng lên bên tai ta: Còn con, con có muốn chấp nhận đường lối của Giáo hội mà Thầy thiết lập không? Khi thấy những gương xấu xẩy ra ngay trong hàng giáo sĩ, câu hỏi khác sẽ vọng lên: Còn con, con có muốn ở lại trong Giáo hội để cầu nguyện và xây dựng Giáo hội của Thầy không?
Khi phải đối chất với những lời giảng dậy chướng tai (Ga 6:60) trong đạo, hoặc giáo lí khó khăn của đạo thì người theo đạo nửa mùa, hoặc mạo nhận theo đạo, toan cắt nghĩa sao cho phiên phiến đi, để cho trở nên dễ dãi, hoặc thay đổi lẽ đạo sao cho phù hợp với ước muốn và quan niệm của họ cũng như của quần chúng. Thính giả trong Phúc âm hôm nay hiểu rõ lời Ðức Giêsu giảng dạy, hiểu ý Người muốn nói gì nên mới cho là chướng tai đấy. Vậy mà Chúa cũng không cải chính về sự chướng tai đó đâu. Họ hiểu Chúa không nói đến việc ăn thịt và uống máu theo nghĩa tượng trưng thôi đâu. Khi cảm thấy Chúa mà mình tôn thờ, sao mà khó thế nếu so sánh với những chúa và thần của những đạo khác, đó là lúc mà câu hỏi giả sử của ông Giôsuê cũng vọng bên tai ta: Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Thiên Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ (Js 24:15).
Phúc thay cho những gia đình, cộng đoàn giáo xứ và trong Giáo hội mà có được những người nói được những lời bất hủ để bầy tỏ đức tin quả quyết như Thánh Phêrô và ông Giôsuê hầu giúp củng cố đức tin của người khác trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ và trong cả Giáo hội.
Lm Trần Bình Trọng
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu