Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Người Do Thái đòi dấu lạ từ trời ( Mt 16, 1-4 )

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Xin Mẹ giúp con biết tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời con.

Người Do Thái đòi dấu lạ từ trời

(1) Bấy giờ, có những người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc lại gần Ðức Giêsu, và để thử Người, thì xin Người cho thấy một dấu lạ từ trời. (2) Người đáp: "Chiều đến, các ông nói: "Ráng vàng thì nắng", (3) rồi sớm mai, các ông nói: "Ráng trắng thì mưa". Cảnh sắc bầu trời thì các ông biết cắt nghĩa, còn thời điềm thì các ông lại không cắt nghĩa nổi. (4) Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna". Rồi Người bỏ họ mà đi.

Xin Chúa ban cho một dấu lạ không phải là một điều xấu nếu ta xin bởi lòng khiêm tốn, tin tưởng vào Chúa,cũng như các thánh xin để củng cố đức tin giữa những thử thách. Ở đây, những người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc xin Chúa một dấu lạ với một thái độ thách thức, ác ý. Phải có bao nhiêu dấu lạ cho đủ với những người đầy ác ý, đầy lòng ghen tức, đầy thành kiến ( chẳng phải ông ấy là con bác thợ mộc sao? Trong khi họ đã chứng kiến tận mắt nhiều phép lạ của Người , Chúa Giêsu trừ quỉ thì họ giải thích đầy ác ý: "Ông ấy dựa trên quỉ vương Bêendêbun mà trừ quỉ " Và rồi Người đã từ chối thách thức ác ý của những người gian ác, Người nói "Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna"
Ðể tin nhận Chúa, cần phải có lòng khiêm tốn để nhận thấy tội lỗi của mình , ăn năn hoán cải, chừa bỏ những thói hư tật xấu tự kiêu , tự mãn , những ác ý của mình . Dân thành Ninivê khi nghe lời rao giảng của tiên tri Giôna ngày xưa. Vì thế mà Chúa Giêsu nói tiếp: "Quả thực, ông Giôna là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người đây cũng sẽ làm một dấu lạ cho thế hệ này như vậy". Dân thành Ninivê đã được Chúa nhắc lại để nêu gương vì họ đã tỏ ra mau mắn đáp lại lời rao giảng của tiên tri Giôna . 
Chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta có thái độ như thế nào trước những dấu lạ Chúa thực hiện trong cuộc đời chúng ta, để mời gọi chúng ta tin nhận Chúa. Ðức tin không phải là kết luận đương nhiên của những dấu lạ nhưng là hồng ân Thiên Chúa ban cho những tâm hồn khiêm tốn, biết ăn năn hoán cải vì những lỗi lầm của mình. 

Lạy Chúa, xin thương ban cho con một tinh thần khiêm tốn để có thể nhìn thấy và hiểu được những ý nghĩa dấu lạ  mà Người thực hiện trong con và quanh con dùng để mời gọi con canh tân đời sống trở về cùng Chúa - Amen 

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Ðức Giêsu hóa bánh ra nhiều lần thứ hai ( Mt 15,32-39)

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Xin Mẹ giúp con biết tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời con.
Ðức Giêsu hóa bánh ra nhiều lần thứ hai

(32) Ðức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường". (33) Các môn đệ thưa: "Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?" (34) Ðức Giêsu hỏi: "Anh em có mấy chiếc bánh?" Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ". (35) Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngả lưng xuống đất. (36) Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. (37) Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại bảy thúng đầy. (38) Số người ăn có tới bốn ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con. (39) Sau khi giải tán đám đông, Ðức Giêsu lên thuyền, sang miền Magađan.

Hôm nay, một lần nữa, Đức Giêsu thết đãi dân ngoại một bữa tiệc với cùng một cách thức như bữa tiệc dành cho dân riêng và cho các môn đệ trong đêm tiệc ly sau này . 
Phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giê-su không chỉ muốn thể hiện uy quyền nhưng quan trọng hơn, Chúa Giê-su muốn hướng lòng dân chúng tới một thứ bánh “thiêng liêng” hơn là đơn thuần là thứ bánh vật chất.
Vượt lên trên cái “bình thường” của con người để tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa luôn luôn là một thách đố đối với các môn đệ xưa và cũng là của mỗi người bước theo Chúa Giê-su hôm nay. Một chút thiếu thốn ập đến, hoạn nạn xảy ra…dường như rất nhiều lần ta thường dừng lại ở sự kiện đó mà quên mất ý nghĩa hay thánh ý bên trong những sự kiện tưởng là tình cờ. Trước một sự việc không may xảy ra, nhiều lần ta cũng như các môn đệ xưa việc đầu tiên là loay hoay xoay sở đủ cách, tìm mọi cách giải quyết và để Thiên Chúa “ngoài cuộc” và quên mất sự hiện diện của Chúa ở giữa cuộc sống của mỗi người và của sự vận hành của vũ hoàn. Rất nhiều lần ta hành xử như là ta có thể tự mình lo liệu mọi việc. Chúa hoàn toàn đứng bên lề cuộc đời.
Những cử chỉ được thánh sử tường thuật "Cầm lấy bánh", "đọc lời chúc tụng" (hoặc "tạ ơn"), "bẻ ra và "trao cho" các môn đệ. Và Môn đệ trao cho đám đông. Thánh sử Mathêu dùng cũng một động từ "trao cho", mà chủ từ trước tiên là Chúa Giêsu, rồi sau là các môn đệ; điều đó hàm ý rằng: có cùng một ơn ban, và ơn đó được trao qua tay các môn đệ. 
Buổi tiệc hôm nay là một buổi tiệc báo trước cho buổi tiệc thánh thể  và bí tích Thánh Thể được thành lập trong buổi tiệt ly.  Bí tích Thánh Thể là một hành vi nối dài hành vi quảng đại của Chúa Giêsu hôm nào qua tay các môn đệ để nuôi sống nhân loại..
Như khi xưa Ông Môsê đã trao bánh Manna đến cho dân Do Thái trên con đường về miền đất hứa. Nay Đức Giêsu đã trao cho dân Người Mình và Máu Người trên đường về quê Trời .
Đức Giêsu, Tấm Bánh của Lòng Trời cũng chính là Tấm Bánh của Tình ĐờiNgười không chỉ hiến mình cho cho dân Do Thái, hay cho hàng tư tế, mà cho mọi người, mọi cấp bậc, mọi tình huống và mọi nền văn hóaNhư vậy, Khi đón nhận tấm bánh vật chất từ tay các môn đệ, chính là lúc đám đông đón nhận Đức Giêsu, Tấm Bánh của Lòng Trời,
Lạy Chúa , Xin cho con biết yêu mên Người nhiều để con biết trao cho những người xung quanh những gì con đã được Người trao cho với lòng yêu mến chân thật, để họ nhận biết Chúa là Tấm Bánh của Tình Đời và biết yêu mến Người . 




Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

SƯU TẦM 5 - ĐỘNG VẬT HOANG DÃ & CON NGƯỜI



LOÀI CHIM Ó
Nếu bạn đặt một con chim ó vào một chiếc lồng, với kích thước khoảng 2m x 2,5m, và lồng có phần trên được mở toang; thì cho dù vẫn có khả năng bay lên, nhưng con chim này sẽ hoàn toàn trở thành một... tù nhân.
Lý do là một con chim ó luôn bắt đầu bay từ mặt đất lên, với đoạn "chạy đà" khoảng 3- 4m. Không có quãng đường để chạy, thì theo thói quen, chú chim thậm chí chẳng buồn cố gắng thử bay lên, mà sẽ chấp nhận bị cầm tù suốt đời, trong một "nhà giam" nhỏ chẳng hề có mái !

LOÀI DƠI

Một con dơi bình thường luôn bay ra ngoài vào buổi tối. Nó là một sinh vật nhanh nhẹn, linh lợi đến mức ấn tượng.
Tuy nhiên, nó không thể cất cánh từ một địa điểm bằng phẳng. Nếu nó được đặt trên sàn hoặc một mặt phẳng, thì tất cả những gì nó có thể làm là lê bước loanh quanh một cách vô vọng, và tất nhiên, một cách đau khổ.
Cho đến khi nó tìm được một độ cao nào đó, chỉ cần là một góc nâng nhỏ thôi, để từ đó, nó có thể tung mình vào không trung. Và, ngay lập tức, nó bay lên như một tia chớp.

LOÀI ONG NGHỆ

Một con ong nghệ, nếu bị thả vào một cái cốc lớn không có nắp, cũng sẽ ở đó cho đến khi chết, trừ phi chúng ta lôi nó ra.
Nó không bao giờ nhìn thấy đường thoát ở phía trên, mà cứ khăng khăng cố gắng tìm cách nào đó thoát ra qua các mặt bên, hoặc qua... đáy cốc. Nó sẽ tìm một con đường ở nơi mà không có con đường nào tồn tại, cho đến khi nó hoàn toàn tự hủy hoại mình.

LOÀI NGƯỜI

Theo nhiều cách, chúng ta cũng giống như con chim ó, con dơi và con ong nghệ. Chúng ta vật lộn với tất cả các vấn đề rắc rối và tuyệt vọng của mình, mà không bao giờ nhận ra rằng rất có thể một giải pháp ở rất gần, ngay phía trước chỉ vì những cái nhìn sai lệch và cố chấp .
Chúng ta cần tin tưởng tuyệt đối nơi tình yêu của Cha chúng ta ở trên trời , người toàn năng và biết rất rõ ta cần gì trước khi ta biết, như thế chúng ta sẽ bình tâm, thật bình tâm và với tinh thần tích cực, niềm hy vọng để nhìn lại mọi vấn đề , nhìn lại mọi hướng đi, chắc chắn sẽ có giải pháp trong hầu hết các trường hợp .
Và chúng ta cũng cần nhớ , sự tôn trọng không đến từ công việc mà bạn đang làm, nó đến từ cái cách mà bạn làm công việc đó như thế nào. Đừng tự chận lối đi của mình lại chỉ vì những cái nhìn sai lệch cố chấp tồn tại trong mình. 


























Ðức Giêsu chữa nhiều bệnh nhân tại ven Biển Hồ Ga-li-lê ( Mt 15, 29-31)

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.
Xin Mẹ giúp con biết tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời con.


Ðức Giêsu chữa nhiều bệnh nhân tại ven Biển Hồ Ga-li-lê
(29) Ðức Giêsu xuống khỏi miền ấy, đến ven Biển Hồ Galilê. Người lên núi và ngồi đó. (30) Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, (31) khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ítraen.

Galilê, miền đất của dân ngoại! Galilê không rộng lắm, từ bắc chí nam dài khoảng 60 cây số, dân cư sống đông đúc. Đất hẹp người đông. Galilê không những là khu đông dân cư nhưng dân ở đó cũng có một cá tính đặc biệt. Galilê sẵn sàng mở cửa đón những ý niệm mới. Bao giờ họ cũng thích cải cách, bản tính họ thích thay đổi và thích bạo động. Họ luôn sẵn sàng theo một thủ lãnh và phát khởi một cuộc nổi dậy. Họ nổi tiếng là người nóng tính và thích cãi vã. Tuy nhiên, họ cũng là những người hào hùng nhất.
Đặc tính bẩm sinh của người Galilê giúp việc truyền giáo cho họ rất thuận lợi. Thái độ cởi mở đón nhận những tư tưởng mới cũng góp phần cho việc truyền giáo trở nên dễ dàng. Có lẽ vì những yếu tố này mà Chúa Giêsu chọn Galilê làm trung tâm truyền giáo. Những tín đồ chính thống ở kinh đô chiêm ngưỡng sự siêu việt của mình, chế diễu và tránh xa những người bị loại trừ ở phía Bắc. Chúa Giêsu rao giảng tại Galilê, xa thói ngạo mạn, tính tự tôn và sự mù quáng của dân thành đô. Chúa chọn Galilê vì ở đây mọi người biết chấp nhận nhau chung sống hoà bình.

Sự chọn lựa miền đất Galilê có một ý nghĩa quan trọng theo Tin mừng Matthêu. Để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: "Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tốt tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng. Những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi".  Chúa Giêsu là ánh sáng bừng lên giữa thế gian. Ngài muốn soi sáng tất cả mọi người, kể cả các anh em ly khai, những người lạc giáo, những lương dân và những người vô thần.Cuộc phiêu lưu vĩ đại đã khởi đi từ một miền đất bị nguyền rủa. Thế giới mới đã ăn rễ sâu vào vùng đất nhơ uế nhưng cởi mở đón tiếp mọi bất ngờ của Thánh Thần , tiếp nhận mọi phép mầu của Đức Giêsu không thắc mắc không hoài nghi, Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ítraen.

Lạy Chúa , xin cho con có tâm tình như người dân Galilê xưa , cởi mở đón tiếp mọi bất ngờ của Thánh Thần , tiếp nhận phép mầu của Đức Giêsu không thắc mắc không hoài nghi, Và luôn biết tôn vinh Thiên Chúa để góp phần cho việc truyền giáo trở nên dễ dàng hơn. Amen
 
Vùng đất ven biển hồ Galilê
 

Ðức Giêsu chữa con gái người đàn bà Ca-na-an ( Mt 15, 21-28)

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.
Xin Mẹ giúp con biết tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời con.


Ðức Giêsu chữa con gái người đàn bà Ca-na-an

(21) Ra khỏi đó, Ðức Giêsu lui về miền Tia và Xiđon, (22) thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: "Lạy Ngài là con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi! Ðứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!" (23) Nhưng Người không đáp lại một lời.

Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: "Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!" (24) Người đáp: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ítraen mà thôi". (25) Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!" (26) Người đáp: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con". (27) Bà ấy nói: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống". (28) Bấy giờ Ðức Giêsu đáp: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy". Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

Tia và Xiđôn, theo cựu truyền, chỉ vùng đất của dân ngoại dọc theo biên giới bắc-đông bắc của Palestine, mà ta cũng còn gọi là xứ Phênixia. Dân Phênixia tự gọi mình là người Canaan, và Cựu ước lẫn Tân ước cũng kêu họ như vậy.
"Một phụ nữ Canaan..."bà ta gọi Chúa Giêsu là con Đavít vì danh tiếng Người đã vang nhanh đến các vùng này. Thành thử khi gán tước hiệu đó cho Chúa Giêsu, không chắc bà tin Người là Đấng Messia; có lẽ đúng hơn bà chỉ lặp lại điều đã nghe dân Do thái trong vùng nói về Người;
“Ta chỉ được sai đến cho những chiên lạc nhà Israel thôi". Vai trò của Người trước tiên là tái lập Israel thành một đàn chiên duy nhất, trung tín với Giavê. Khi dân Israel được quy tụ và đi theo Thiên Chúa, mục tử chân chính của nó, đó là nền tảng , như Phêrô là đá tản , trên viên đá này Chúa xây giáo hội của Người . Lúc bấy giờ các dân tộc trên thế giới sẽ được quy tụ quanh Thiên Chúa . Điều này cũng là để thử thách niềm tin đối với người phụ nữ Canaan ấy.
"Chó con": Người Do Thái thời ấy gọi dân ngoại là “chó" chứ không phải chó con , nhưng ở đây Đức Giêsu gọi là chó con dùng để làm yếu nghĩa từ này, đó là cách làm dịu bớt sự khinh miệt trong lời gọi của dân Do Thái và thân thương hóa lời gọi này , đây cũng là để thử thách , thử thách lòng khiêm nhường .
Với 2 thử thách này , dù là bị khước từ, dù là bị miệt thị , với tình yêu con và lòng tin vào quyền năng của Chúa , bà đã hoàn toàn khiêm tốn chấp nhận tất cả , cả sự ưu tiên cho dân Do Thái , cả sự miệt thị của dân Do Thái để bà có thể tự nhiên thốt lên " lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống " chính vì vậy, bà đã được Đức Giêsu khen ngợi "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật." và hẳn nhiên là Chúa phán "Bà muốn sao thì sẽ được vậy"
Chúa Giêsu giúp bà này vì bà có một đức tin lớn lao. Trật tự cứu rỗi được tôn trọng, nhưng  Ngài cũng sẽ gây dựng một Israel mới từ những kẻ có lòng tin như vậy. Vì ơn cứu rỗi phải đến với mọi dân trên toàn cõi trái đất.
Sở dĩ Chúa Giê-su phải tỏ ra như thế để chứng tỏ cho chúng ta hiểu rằng: bất cứ ai bền bĩ, nhẫn nại và khiêm tốn cầu xin Thiên Chúa đáp ứng những nhu cầu chính đáng của mình, như người phụ nữ Ca-na-an trên đây, thì chắc chắn người ấy sẽ được đáp ứng, cho dù ban đầu xem ra như thể Thiên Chúa chẳng chút lưu tâm đến nỗi cơ cực của mình. Chính đó là cách Ngài giáo dục ta cho có một lòng tin chân thật , lòng khiêm tốn . Ngài cũng giáo dục làm thế nào để có được đức tin mạnh , như người phụ nữ Canaan , đức tin mạnh nhờ biết lắng nghe , khởi đi từ tình yêu, sự khiêm nhường, lòng kiên nhẫn .

Lạy Chúa , con yêu Chúa , hôm nay thứ năm tuần thánh , con cố thức với Chúa , nhưng rồi con cũng ngủ thôi Chúa ơi ! xin Chúa thương con yếu đuối .


SƯU TẦM - LỜI CẦU NGUYỆN CHO ĐỨC TIN

Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
xin ban cho con đức tin lớn bằng hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi lòng con
những ích kỷ và khép kín.

Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.

Xin cho con đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới
mà mắt phàm không thấy,
thấy được Đấng Vô hình,
rất gần gũi thân thương,
thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.

Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.

Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì
đang chờ mình ở cuối đường,
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay giữa những sa mù của cuộc sống.

Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp
qua những cọ xát đau thương của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể,
con cũng không để tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người.


Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

SƯU TẦM 50- CÂU NÓI ĐẸP NHẤT TRÊN MÔI

Nữ ký giả ANh Landress người phụ trách chuyên mục " Giải đáp thắc mắc của đọc giả " báo Los Angeles Times, đã có những lời xin lỗi và xin sự cảm thông của đọc giả trong số báo ngày 11-12- 1995 như sau :
Quý đọc giả thân mến , 
Suốt 40 năm, các bạn đã đem đến cho tôi vấn nạn của các bạn , và tôi đã cố gắng hết sức để giúp các bạn , Bây giờ , tôi là người có vấn nạn và tôi đến với các bạn để được nâng đỡ và cảm thông.
Tôi đã nói với ký giả một tờ báo và đã có mấy lời khinh suất và thiếu khôn ngoan Tôi hối tiếc về những gì đã nói và hết sức xin li về sự tổn thương và xúc phạm tôi đã gây ra. Điều đó chắc chắn không phải là đường lối tôi được nuôi dạy.
Viết chuyên mục này trong nhiều năm đã giúp tôi hiểu biết sâu xa hơn về sự yếu đuối của con người. Và tôi đã học được rằng mỗi chúng ta có thể làm những điều hết sức vô  lý và hoàn toàn khác hẳn với tư chất bình thường của mình một lúc nào đó trong đời ta. Điều này , không có nghĩa là chúng ta cố ý gây tổn thương cho nhau. Nó chỉ có  nghĩa là chúng ta là con người..
Cuối cùng, , có thể nói " xin lỗi" là thể hiện của can đảm, khiêm tốn, ý chí, cảm thông và tha thứ, do đó " xin lỗi" là câu nói đẹp nhất trên môi miệng con người.

Lạy Chúa, hôm nay con đã làm phiền hoặc xúc phạm đến người nào đó, xin cho con đủ can đảm và khôn ngoan để giải quyết tốt đẹp trước khi con đi ngủ đêm nay. Amen.



Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

SƯU TẦM 49- NHẠC SĨ VĨ CẦM VÀ CƠN ÁC MỘNG

Năm 1981, nhạc sĩ vĩ cầm người Anh , Peter Cropper được mời đến Phần Lan trình diễn một buổi hòa nhạc đặc biệt, kèm với lời mời , Viện hàn lâm nhạc hoàng gia đã trao tặng ông chiếc vĩ cầm vô giá tên là Stradivarius . Chiếc nhạc cụ quý hiếm này mang tên nhà chế tạo vĩ cầm người Ý , âm thanh phát ra thật du dương , tuyệt vời.
Nhưng khi Peter Cropper đến Phần Lan , một cơn ác mộng kinh khiếp không thể tin được đã xảy ra. Vì khi bước lên sân khấu , Peter bỗng trượt chân ngã xuống làm chiếc vĩ cầm vỡ tan từng mảnh. Thế là Peter trở về Luân Đôn mà tâm trí khủng hoảng cực độ.
 Một người chuyên sửa đàn dày dạn kinh nghiệm tên là Charles Beare tình nguyện cố gắng hết sức phục hồi chiếc đàn cho Peter. Ông miệt mài làm việc ngày đêm với chiếc đàn vỡ. Thế rồi cuối cùng ông đã lắp được toàn bộ các mảnh vỡ lại để làm thành chiếc đàn nguyên vẹn như trước.
Giây phút thử nghiệm hồi hộp đã đến, mọi người đều nín thở chờ xem âm thanh tiếng đàn phát ra. Peter bắt đầu chơi nhạc. Mọi người có mặt ở đấy không dám tin vào tai mình nữa, bởi vì chẳng những âm thanh của chiếc vĩ cầm vẫn tuyệt như xưa, mà xem ra hiện giờ còn xuất sắc hơn trước khi nó bị vỡ. 
Những năm tháng sau đó, hằng đêm chiếc vĩ cầm này đã mang lại cho Peter biết bao lời hoan hô nồng nhiệt . Peter đã mang chiếc vĩ cầm đi trình diễn vòng quang thế giới, chiếc vĩ cầm đã tưởng rằng vĩnh viễn bị hư phế.

Lạy Chúa , con xin nhặt lên những mảnh vụn của mọi biến cố đau lòng trong đời con và trao lại cho Chúa , con tin rằng Người sẽ kiến tạo lại còn tốt đẹp hơn lòng con mong đợi .



Cái gì làm cho con người ra ô uế? ( Mt 15, 10-20)

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.
Xin Mẹ giúp con biết tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời con.

Cái gì làm cho con người ra ô uế?
(10) Sau đó, Ðức Giêsu gọi đám đông lại mà bảo: "Xin nghe đây và hiểu cho rõ: (11) Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế".
(12) Bấy giờ các môn đệ đến gần Ðức Giêsu mà thưa rằng: "Thầy có biết không? Những người Pharisêu đã vấp phạm khi nghe Thầy nói lời ấy". (13) Ðức Giêsu đáp: "Cây nào mà Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời, đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi. (14) Cứ để mặc họ. Họ là những người mù dắt người mù. Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố".
(15) Ông Phêrô thưa với Người: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cho chúng con". (16) Ðức Giêsu đáp: "Cả anh em nữa, bây giờ mà anh em vẫn còn ngu tối sao? (17) Anh em không hiểu rằng bất cứ cái gì vào miệng thì xuống bụng, rồi bị thải xuống cầu tiêu sao? (18) Còn những cái gì từ miệng xuất ra, là phát xuất tự lòng, chính những cái ấy mới làm cho con người ra ô uế. (19) Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. (20) Ðó mới là những cái làm cho con người ra ô uế; còn ăn mà không rửa tay thì không làm cho con người ra ô uế".

Người Do thái ngày xưa cũng tự qui định cho mình một số thức ăn được phép và một số thức ăn không được phép.  Chẳng hạn người Do thái không ăn máu và những thú vật bị chết ngạt, vì họ cho rằng máu tượng trưng cho sự sống, mà sự sống là độc quyền của Thiên Chúa, do đó con người không được phép đụng tới. Thế nên, ai ăn phải những thức ăn bị cấm thì người đó bị xem là ô nhơ, không được tham dự những nghi lễ nơi thừa tự.
Luật Chúa được ban hành là để hướng dẫn đời sống con người và nhắc nhở cho loài người bước đi theo đường lối chính trực nhằm thăng tiến hoá đời sống con người. Mục đích của việc giữ luật là nhằm giải phóng con người khỏi sống theo bản năng Tuy nhiên nhóm người Pharisêu và kinh sư lại toan đè nặng trên dân chúng với nhiều khoản luật chi tiết . 
Giữ luật theo kiểu người Pharisêu và kinh sư khiến người ta trở thành nô lệ cho luật, làm cho đời sống trở nên cằn cỗi. Giữ luật vì yêu mến thì luật sẽ trở thành luật biến đổi, luật trổ bông. Và phần thưởng dành cho người tuân giữ giới răn Chúa và sống theo thánh chỉ của Chúa là có được tâm hồn bình an và thư thái .
Chúng ta cần chú ý đến tính chất công việc hơn là hình thức của nó. Sống tinh thần của luật hơn là hình thức bên ngoài của luật. Cần có một lương tâm chân chính, một tâm hồn trong sạch, một trái tim mở rộng, chúng ta hãy mến Chúa cách đích thực và yêu thương tha nhân cách chân thành, cụ thể.  Điều quan trọng không phải là việc chúng ta làm mà chính là tình yêu trong trái tim thúc đẩy chúng ta làm. Hành động của chúng ta phải được xuất phát từ con tim, từ tình yêu. Nếu trái tim chất đầy kiêu căng thì mọi nghi thức bên ngoài trước mặt thế gian cũng sẽ chẳng là gì .
Lòng dơ bẩn không chỉ là cái chúng ta hiểu là sự dơ bẩn, sự không thanh sạch mà thôi.Tất cả những gì khiến ta đi ngược, chống lại tình yêu Thiên Chúa đều là dơ bẩn. Trái tim tội nghiệp của ta hằng miệt mài kiếm tìm sự thỏa mãn vật chất , tìm kiếm sự giả hình, chống lại tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta cần trở về với trái tim của mình, nhìn vào cái tôi sâu thẳm của lòng mình. 

Lạy Chúa , xin Người cho con quả tim mới . 


Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

SƯU TẦM 48- TẢN BỘ CHÚT THÔI

Một vị thương gia lập nghiệp từ tay trắng, sau kiếm được rất nhiều tiền nhưng vì buôn bán trong thời kinh tế không ổn định, khiến anh ta trở nên phá sản, nợ nần chồng chất. Nghĩ mãi không tìm ra cách giải quyết, anh ta bèn ra bờ sông định tự tử.
Vào lúc canh ba một đêm nọ, anh ta đến trước bờ sông, bỗng nhiên nhìn thấy một thiếu nữ đang ngồi khóc thảm thiết, anh bèn đến hỏi cô gái:
- Có chuyện gì mà đêm hôm khuya khoắt cô ngồi khóc một mình ở đây?
Cô gái buồn bã nói:
- Tôi bị người yêu ruồng bỏ, tôi không muốn sống nữa, bởi vì không có anh ấy tôi không sống nổi.
Vị thương gia vừa nghe xong lập tức nói:
- Ồ! Lạ nhỉ, sao lúc chưa có bạn trai, cô có thể tự sống được.
Cô gái vừa nghe xong liền bừng tỉnh và bỏ ngay ý định tự tử.
Ngay lúc đó vị thương gia nọ cũng chợt nhận ra rằng: Khi chưa giàu có ta vẫn sống bình thường, ta cũng tay trắng làm nên mà!
Lúc đó cô gái quay sang hỏi vị thương gia:
- Đêm hôm lạnh lẽo như vậy, anh ra đây để làm gì?
Vị thương gia ậm ừ trả lời:
- Ừ… đâu có làm gì, chỉ là tản bộ chút vậy thôi.
Thì ra, dù đã mất tất cả nhưng thực sự cũng chỉ bằng lúc ta chưa có mà thôi. 

Con người sinh ra đời với hai bàn tay trắng và dù thành công hay thất bại thì cũng trở về cát bụi với hai bàn tay trắng, vậy thì sá gì với được hay mất, có hay không. 
Thay đổi vô thường vốn là bản chất của cuộc đời này, nhận biết thật sâu sắc vào sự chuyển biến vô thường để sống bình an trước mọi biến động của cuộc đời .

SƯU TẦM 47- Ồ ! CÁC CỤ ĐÃ CHẴN NÓI

Một người phụ nữ vừa bước ra khỏi nhà thì nhìn thấy có 3 cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi trên phiến đá ở trước sân nhà. Bà không quen biết họ, nhưng với con người tốt bụng, bà lên tiếng nói: "Tôi không quen biết các cụ nhưng chắc là các cụ đang đói bụng lắm, vậy xin mời các cụ vào nhà tôi dùng một chút gì cho ấm bụng nhé... ".

- Ông chủ có ở nhà không thưa bà.... Một cụ cất tiếng ái ngại hỏi.

- Dạ thưa không, nhà tôi đi làm chưa về. Người phụ nữ trả lời.
- Thế thì chúng tôi không thể vào nhà của bà bây giờ được, bà ạ.
Đến chiều khi người chồng đi làm về, người phụ nữ kể lại chuyện cho chồng nghe. Nghe xong người chồng bảo vợ: "Vậy thì bây giờ em hãy ra mời ba cụ ông vào, nói với mấy cụ rằng anh đã về và muốn mời họ vào". Người vợ làm theo ý của chồng, bà bước ra sân mời cả ba cụ cùng vào.
- Rất tiếc thưa bà, cả ba chúng tôi không thể vào nhà bà cùng một lúc được. Họ đồng thanh đáp.
- Vì sao lại thế thưa các cụ.... Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi.
Một cụ già bèn đứng dậy từ tốn giải thích:
- Cụ ông này tên là Giàu Sang, còn kia là cụ ông Thành Đạt, và còn lão già đây là Tình Thương. Bây giờ bà hãy vào nhà hỏi ông nhà xem sẽ mời ai trong ba lão chúng tôi vào nhà trước nhé. Người phụ nữ đi vào nhà và kể lại sự việc cho chồng.
- Ồ vậy thì tuyệt quá! Người chồng vui mừng nói.
- "Vậy thì tại sao chúng ta không mời cụ ông Giàu Sang vào trước. Cụ là điềm phước rồi đây, sẽ cho chúng ta nhiều tiền bạc của cải sung túc". Nhưng người vợ lại không đồng ý. "Nếu vậy thì tại sao chúng ta lại không mời cụ Thành Đạt vào trước chứ... Chúng ta sẽ có quyền cao chức trọng và được mọi người kính nể. " Hai vợ chồng cứ tranh cãi một lúc mà vẫn chưa đi đến quyết định.
Cô con gái nãy giờ đứng nghe yên lặng ở góc phòng bỗng lên tiếng nhỏ nhẹ: "Ba mẹ ạ, tại sao chúng ta không thử mời ông già Tình Thương vào nhà trước đi. Nhà mình khi ấy sẽ tràn ngập tình thương yêu ấm áp, và ông già sẽ cho gia đình chúng ta thật nhiều hạnh phúc. "
- "Có lẽ con gái mình nói đúng". Người chồng suy nghĩ rồi bảo vợ, "Vậy thì em hãy mau ra ngoài mời cụ Tình Thương vào trước đi vậy. "
Người phụ nữ ra ngoài và cất tiếng mời, "Gia đình chúng tôi xin hân hạnh mời cụ Tình Thương làm vị khách mời đầu tiên vào với gia đình của chúng tôi". Cụ già Tình Thương từ tốn đứng dậy và chầm chậm bước vào nhà. Nhưng hai cụ già kia cũng từ từ đứng dậy và bước theo cụ già Tình Thương...
Rất đỗi ngạc nhiên, người phụ nữ bước lại gần hai cụ Giàu Sang và Thành Đạt hỏi:
- " Ồ ! Các cụ đã chẵn nói là cả ba cụ không thể vào nhà cùng một lúc sao ". Khi ấy cả hai cụ cùng trả lời: "Nếu bà mời cụ Giàu Sang hay Thành Đạt tôi đây, thì chỉ một trong hai chúng tôi vào nhà được thôi, nhưng vì bà mời cụ ông Tình Thương, nên cả hai chúng tôi cũng sẽ vào theo. Bởi vì ở đâu có Tình Thương thì ở đó sẽ có Giàu Sang và Thành Đạt ".


SƯU TẦM 46- MỘT CÂU TRẢ LỜI THẬT BẤT NGỜ

Hai đứa trẻ nọ có một người cha tối ngày say xỉn. Tuổi thơ của chúng trôi qua với hình ảnh một người cha rất đáng sợ mỗi khi nhậu say về. Năm tháng qua đi, hai cậu đã lớn và mỗi người có một cuộc sống của riêng mình.
Một nhà tâm lý học đi tìm thực tế cho bài nghiên cứu "Tác động của sự say xỉn" đã tìm đến hai người. Một người giờ đây đã trở thành phiên bản mới của cha cậu ngày xưa: một tay bợm nhậu suốt ngày chìm trong bia rượu. Còn người kia lại là một trong những người đi đầu trong việc phòng chống bia rượu.
Nhà tâm lý học hỏi người đầu tiên: Tại sao anh trở thành bợm nhậu?
Và hỏi người thứ hai: Tại sao anh lại tham gia phong trào bài trừ rượu bia?
Thật là bất ngờ, cả hai cùng đưa ra một câu trả lời: Có một người cha như vậy đương nhiên là tôi phải trở thành người như thế này rồi.
Có ai đó đã từng nói: Cảnh khổ là một nấc thang cho bậc anh tài, một kho tàng cho kẻ khôn khéo, một vực thẳm cho kẻ yếu đuối.
Hoàn cảnh không bao giờ là nguyên nhân cho những hành động không đúng mực, tiêu cực hoặc sai trái. Nó chỉ là lý do để những kẻ lười biếng, không có ý chí và tâm hồn hẹp hòi vịn vào đó để tự bào chữa cho mình mà thôi. 
Trong cuộc sống, không có trở ngại nào lớn bằng tự bản thân không muốn vươn lên . 

CỐ LÊN CÁC BẠN THÂN YÊU ƠI. 
TRONG MỌI CỐ GẮNG VƯƠN LÊN , CÓ CỐ GẮNG ĐẾN ĐÍCH ĐƯỢC , CÓ CÁI KHÔNG , NHƯNG KHÔNG CÓ CỐ GẮNG NÀO VÔ NGHĨA.






Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

SƯU TẦM 45- CPU TRONG TA & 2 NGẢ ĐƯỜNG

Liệu có phải càng trải qua nhiều đau khổ, mất mát, sai lầm con người ta sẽ càng trở nên khôn ngoan hơn không? Không hẳn vậy. Kinh nghiệm sống sẽ đưa ta rẽ theo 2 ngả đường:

Ngả thứ 1: Nó sẽ làm cho ta chua chát và nhìn đời với cặp mắt cay đắng hơn. Ta trở nên ngờ vực, nghi ngờ người khác và nghi ngờ chính chính bản thân mình...
Ngả thứ 2: Kinh nghiệm sống làm cho ta biết cảm thông hơn với những nỗi đau của người khác. Làm cho ta khám phá ra được những năng lực tiềm ẩn trong con người ta mà trước đây ta không nhận ra. Ta có thêm nghị lực sống, hiểu biết, khôn ngoan và từng trải hơn, có cái nhìn toàn diện hơn, đạt được độ chín và mặt tình cảm, cảm xúc.
Ta sẽ rẽ theo ngả đường nào? Tất cả là do suy nghĩ của ta mà ra. Suy nghĩ chính là CPU (central processing unit - bộ điều khiển trung tâm) trong con người, CPU hư thì mọi thứ đều hư và làm cho kinh nghiệm sống sẽ diễn biến theo chiều hướng lệch lạc (tức là làm cho ta trở nên chua chát, bất mãn, cay đắng, hằn học với mọi người).
Tôi tin rằng nếu tận dụng tốt những đau khổ, mất mát, sai lầm mình đã trải qua, kinh nghiệm sống là một vốn lớn, một tài sản vô giá mình có được. Nó làm cho con người ngày hôm nay của mình cao hơn con người ngày hôm qua, nó làm cho mình học được những bài học mà khi hạnh phúc vui vẻ mình không tài nào học được.
Tôi tin rằng hạnh phúc bền vững chỉ đến sau khi trải qua nhiều chông gai thử thách, sau khi trải qua nhiều đau khổ mất mát, sau khi phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều từ bản thân. 


Con đường đưa đến vinh quang là con đường hẹp, con đường thập giá Chúa Kitô. 


SƯU TẦM 44- BÃO LỚN Ư - HÃY MỞ CÁC KHOANG BƠM ĐẦY NƯỚC VÀO


Một chiếc tàu chở hàng, trên đường về sau khi dỡ xong hàng bất ngờ gặp trận bão lớn, mọi người hoảng sợ chưa biết phải ứng phó thế nào. Chính trong giây phút nguy cấp ấy, vị thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm quả quyết ra lệnh : “Hãy mở ngay các khoang rồi bơm đầy nước vào đó”.

Bơm đầy nước vào khoang chứa hàng? Các thủy thủ đều ngạc nhiên, lúc này đang vô cùng nguy hiểm, sao lại còn bơm nước đầy tàu, khác nào tự dìm chết mình chứ?

Thuyền trưởng bình tĩnh trả lời : “Mọi người có bao giờ thấy cây có rễ to bám sâu vào đất lại bị gió bão quật ngã hay chưa? Thường chỉ mấy cây nhỏ rễ không đủ chắc mới bị tróc gốc thôi”.

Thủy thủ đoàn làm theo lời thuyền trưởng với tâm trạng bán tín bán nghi. Tuy sức bão vẫn mạnh, song do nước trong khoang tàu ngày càng lên cao, tàu nặng dần nên không còn lắc lư nữa. Thế là, chiếc tàu chở hàng vẫn chạy ổn định trên mặt biển đầy sóng gió.

Lúc bấy giờ thuyền trưởng mới nói : “Thùng rỗng dễ bị gió hất tung, nếu thùng đầy nước, gió tất nhiên không thổi ngã được. Vì thế, khi gặp bão, tăng trọng tải cho tàu là an toàn nhất, để tàu rỗng mới là nguy hiểm”.

Thật ra con người cũng chẳng phải vậy sao?

Người giàu lòng trắc ẩn với tha nhân , luôn nặng canh cánh bên mình những cảnh đời bất hạnh, lòng trách nhiệm nặng nề, vì vậy họ vững bước trên đường đời và kiên cường vượt qua bão táp. Còn người sống ích kỷ cho riêng mình y như thùng rỗng , chỉ cần một con gió lớn đã đủ quật họ ngã nhào.

Hãy thêm “nước” vào cho chính mình, hãy vác thập giá Chúa trao, chỉ có gánh nặng mới giúp bạn không bị gục ngã trước phong ba bão táp.



Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

SƯU TẦM 43- BÀI HỌC CUỐI CÙNG

Ngày xưa, có một họa sĩ tên là Ranga, một người siêu việt, vẽ được rất nhiều kiệt tác đáng ghi nhớ khiến ai cũng đều khen ngợi. Ông mở một lớp học mỹ thuật để dạy nghề cho mọi người và cũng để tìm đệ tử nối nghiệp.
Trong một số lượng lớn học trò, Rajeev là một người có tài nhất, chăm chỉ, sáng tạo,nên anh ta tiếp thu nhanh hơn nhiều so với các bạn đồng môn. Ông Ranga rất hài lòng về Rajeev.
Một ngày kia, sau bao nhiêu cố gắng, Rajeev được ông Ranga gọi đến và bảo:
- "Ta rất tự hào về những tiến bộ mà con đã đạt được. Bây giờ là thời điểm con làm bài thi cuối cùng trước khi ta công nhận con thực sự là một họa sĩ tài năng. Ta muốn con vẽ một bức tranh mà ai cũng phải thấy đẹp, phải khen ngợi."
Rajeev làm việc ngày đêm, trong rất nhiều ngày và đem đến trình thầy Ranga một bức tranh tuyệt diệu. Thầy Ranga xem qua rồi bảo:
- "Con hãy đem bức tranh này ra đặt ở quảng trường chính, để tất cả mọi người có thể chiêm ngưỡng. Hãy viết bên dưới bức tranh là tác giả sẽ rất biết ơn nếu bất kỳ ai có thể chỉ ra bất kỳ sơ suất nào trên bức tranh và đánh một dấu X vào chỗ lỗi đó."
Rajeev làm theo lời thầy: đặt bức tranh ở quảng trường lớn với một thông điệp đề nghị mọi người chỉ ra những sơ suất.
Sau hai ngày, Ranga đề nghị Rajeev lấy bức tranh về. Rajeev rất thất vọng khi bức tranh của mình đầy dấu X.
Nhưng Ranga tỏ ra bình tĩnh và khuyên Rajeev đừng thất vọng, cố gắng lần nữa. Rajeev vẽ một kiệt tác khác, nhưng thầy Ranga bảo phải thay đổi thông điệp dưới bức tranh. Thầy Ranga nói phải để màu vẽ và bút vẽ ngay cạnh bức tranh ở quảng trường và đề nghị mọi người tìm những chỗ sai trong bức tranh và sửa chúng lại bằng những dụng cụ để vẽ ấy.
Hai ngày sau, khi lấy tranh về, Rajeev rất vui mừng khi thấy bức tranh không bị sửa gì hết và tự tin đem đến chỗ Ranga.
Ranga nói:  Con thấy không, nếu con luôn để cả thế giới đánh giá mình, con sẽ luôn thất vọng. Con người thích đánh giá người khác mà không nghĩ đến trách nhiệm hay nghiêm túc gì cả. họ đánh giá bừa bãi ngay khi có cơ hội cho dù họ chẳng biết gì về điều mình đánh giá. Mọi người đánh những dấu X lên bức tranh đầu tiên của con vì họ không có trách nhiệm gì mà lại cho đó là việc không cần động não. Nhưng khi con đề nghị họ sửa những sơ suất thì không ai làm nữa, vì họ sợ bộc lộ hiểu biết - những thứ mà họ có thể không có. Nên họ quyết định tránh đi là hơn.
- "Đây là bài học cuối cùng của con ,  Bởi vì nếu chỉ thành thạo về mỹ thuật thôi thì chưa đủ, mà con còn phải biết tự đánh giá và kiên vững trên lập trường của mình, không được dễ dàng bị ảnh hưởng bởi đánh giá của người khác - Hiểu và nhớ được điều này, con sẽ thật sự là một họa sĩ tài năng .

Những thứ mà con phải vất vả để làm ra được, đừng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi đánh giá của người khác. Hãy tự đánh giá mình. Và tất nhiên, con cũng nên nhớ đừng bao giờ đánh giá người khác một cách cẩu thả.


Tranh luận về truyền thống ( Mt 15,1 - 9)

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.
Xin Mẹ giúp con biết tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời con.


Tranh luận về truyền thống
(1) Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Ðức Giêsu và nói rằng: (2) "Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? (3) Người trả lời: "Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? (4) Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. (5) Còn các ông, các ông lại bảo: "Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, (6) thì người ấy, không phải thờ cha kính mẹ nữa". Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa. (7) Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri đúng về các ông rằng:
(8) Dân này Kính Ta bằng môi bằng miệng,
còn lòng chúng thì lại xa Ta.
(9) Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích,
vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.

Trong bài Tin Mừng theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã tái xác nhận và đúc kết ý tưởng trên, qua cuộc tranh luận với nhóm Pharisêu.
Trong cuộc tranh luận này, có hai quan niệm tương khắc với nhau, làm trồi hiện lên hai lập trường đối chọi:
Nhóm Pharisêu, gồm những con người bảo thủ, hình thức, vị luật và giữ luật một cách máy móc. Họ dựa vào truyền thống của cha ông để bắt bẻ Chúa Giêsu. Trong khi  đó, có những truyền thống rất cổ hủ, không còn phù hợp và chẳng đem lại lợi ích gì cho con người mà chỉ tạo nên sự gò bó vô ích trong việc sống đạo, cản trở thực thi bác ái, ví dụ như cấm làm việc xác trong ngày hưu lễ, phải rửa tay trước bữa ăn... Vì vậy, khi nhìn các môn đệ không rửa tay trước khi dùng bữa, theo tục lệ của người Do thái, nhóm Pharisêu đã kết án các ông là “vi phạm truyền thống của tiền nhân”.
Chúa Giêsu không có ý hủy bỏ truyền thống. Ngài chỉ muốn gọt dũa và kiện toàn truyền thống, làm cho nó trở nên thiết thực, hữu ích cho con người. Ngài không những không phủ nhận đạo hiếu của người Do thái mà còn tái khẳng định lại giới răn thảo hiếu ông bà cha mẹ, khi nói với họ rằng: “Quả thế, Thiên Chúa đã dạy: Ngươi hãy tôn kính cha mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử”. Ngài đã mạnh dạn khai triển điều răn thứ tư trong 10 điều răn mà Yavê Thiên Chúa đã truyền cho dân Do Thái, qua trung gian của Môisen trên núi Sinai: Thứ Bốn thảo kính cha mẹ. Hơn thế nữa, khi nói rằng “Thiên Chúa đã dạy”, Ngài cũng có ý dạy cho chúng ta biết rằng, chính Thiên Chúa là Cha Mẹ, là Tổ Tiên trên hết các bậc tổ tiên.
Là người Công Giáo, Chúa dạy chúng ta phải hết lòng tôn kính tổ tiên- ông bà cha mẹ, như là của lễ rất đẹp dâng lên Thiên Chúa, để được Chúa thứ tha tội lỗi và chúc lành cho cuộc sống của chúng ta. Đạo lý này không điều gì có thể phá hủy được, vì đó không phải là luật của con người đặt ra, nhưng là điều luật do chính Thiên Chúa đã thiết lập trong Cựu Ước, và trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã tái khẳng định lại.
Là người Việt Nam, việc tôn kính tổ tiên ông bà cũng đồng nghĩa với việc gìn giữ, phát huy di sản tinh thần quí báu mà các bậc tiền nhân đã dày công gầy dựng và di chúc lại cho con cháu. Hơn nữa, nó cũng góp phần hết sức quan trọng trong việc bảo vệ luân thường đạo lý, xây dựng nền tảng vững chắc cho mọi gia đình Việt Nam hôm nay, vốn đang bị lung lay và đang ghánh chịu nhiều áp lực bởi những trào lưu thiếu lành mạnh, của sự giao thoa bởi nhiều nền văn hóa khác nhau đang lan tràn vào đất nước chúng ta.


Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã xuống trần gian, đã nhập thế vào xã hội Do thái, trong một gia đình có cha có mẹ. Chúa đã chu toàn tốt đẹp bổn phận là con của Thiên Chúa Cha, con của Mẹ Maria và thánh Giuse. Xin giúp chúng con luôn ý thức làm tròn bổn phận thờ phượng Thiên Chúa và bổn phận tôn kính các bậc tổ tiên-ông bà cha mẹ của chúng con. Amen.





Ðức Giêsu chữa nhiều người đau ốm tại Ghen-nê-xa-rét ( Mt 14, 34-36)

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.
Xin Mẹ giúp con biết tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời con.


Ðức Giêsu chữa nhiều người đau ốm tại Ghen-nê-xa-rét
(34) Khi qua biển rồi, thầy trò lên đất liền, vào Ghennêxarét. (35) Dân địa phương nhận ra Ðức Giêsu, liền tung tin ra khắp vùng, và người ta đem tất cả những kẻ đau ốm đến với Người. (36) Họ nài xin Người cho họ chỉ sờ vào gấu áo của Người thôi, và ai đã sờ vào thì đều được khỏi.

           Trong thế giới Sê-mít, Y phục tượng trưng cho chính bản thân con người . Khi đụng đến áo của người nào là ta tiếp xúc đến chính bản thân người đó. Hơn nữa, ở đây, tác giả muốn diễn tả rằng: từ thân thể Chúa toát ra một uy quyền thần linh cứu độ và ân sủng này vượt quá những điều trị thể lý thông thường. Chúa Giêsu để cho bệnh nhân chạm đến Ngài nghĩa là vai trò của vị Mục Tử nhân lành được thực hiện cụ thể và thời Mêsia chữa lành đã xuất hiện; Ngài đến chăn dắt những đoàn chiên bơ vơ, không người chăm sóc, dưỡng nuôi.
           Như vậy, qua đoạn Tin Mừng này, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ một cách hoàn hảo. Ngài loan báo tin lành bằng cả lời nói và hành vi chữa lành của Ngài. Ngài đuổi xa bệnh tật, khai trừ tội lỗi và giải thoát con người khỏi ách thống trị của sự dữ là ma quĩ
Khi dân chúng nghe tin về Chúa Giêsu, họ lũ lượt tìm đến người để xin được chữa lành. Cũng có thể thấy niềm tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu của những con người bần cùng đau khổ này là chỉ ước mong được đụng đến gấu áo của Người, họ sẽ được chữa lành. Quả thật, ai đụng chạm đến Chúa Giêsu thì đều được chữa lành. Cái đụng chạm của những con người này không chỉ là đụng chạm của thể lý, nhưng là đụng chạm của một sự khiêm tốn với cả một niềm tin vững mạnh vào Chúa Giêsu. Và chính cái đụng chạm của niềm tin này đã chữa lành họ.
           Còn chúng ta có thái độ nào trước quyền năng của Thiên Chúa? Chúng ta có đặt trọn niềm tin vào Ngài, phó thác cậy trông vào ân sủng của Ngài hay không? Hay chúng ta cậy dựa vào tài năng, uy thế, địa vị, đặc biệt là ỷ thế giàu có của cải, tiền bạc dư tràn mà đẩy lui Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình.
Nếu chúng ta cũng biết đặt niềm tin tưởng của mình vào Đức Giêsu, thì chắc chắn không ai trong chúng ta phải ra về tay không mà ngược lại tất cả xảy ra ngoài sự chờ mong của chúng ta.
          Tin Mừng mời gọi chúng ta nhìn lại niềm tin của mình. Hằng ngày chúng ta được đụng chạm Người qua việc đọc và lắng nghe lời Chúa, qua việc chúng ta tiếp nhận thánh thể. Nhưng thử hỏi những nghi thức này đã giúp chúng ta thật sự được biến đổi và được chữa lành chưa? Nếu chúng ta chưa được biến đổi và được chữa lành thì đó là niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa chưa có , hay chúng ta không có đức tin trong sạch, không có lòng kính mến. đủ . Khi ấy, chúng ta cũng vẫn được ơn Chúa chiếu giãi. Nhưng vì thiếu khát mong, nên ơn Chúa ít thấm nhập vào con người ta, vào tâm hồn ta và thánh hoá ta. Vì thế chúng ta cần kiểm điểm lại tâm tình và thái độ ta, để kịp thời sửa sai , hầu ơn Chúa luôn luôn toả ra không hạn chế, vẫn bao bọc chúng ta, không trừ ai.Vậy đừng có ai trong chúng ta khép lòng mình trước ơn Chúa.

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô! Xin cho con biết đặt trọn niềm tin tưởng, cậy trông nơi lòng thương xót của Chúa và cho con biết nỗ lực tìm kiếm, gặp gỡ Chúa trong từng giây phút của đời sống lữ thứ trần gian; nhờ đó, con được Chúa chữa lành mọi bệnh tật hồn, xác và được vui hưởng hạnh phúc Chúa ban cho.


Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Ðức Giêsu đi trên mặt nước ( Mt 14,22-33)

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.
Xin Mẹ giúp con biết tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời con.
Ðức Giêsu đi trên mặt nước
(22) Ðức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán đám đông. (23) Sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện. Chiều đến, Người vẫn ở đó một mình, (24) còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ nhiều dặm, bị sóng đánh vì ngược gió.(25) Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. (26) Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: "Ma đấy!", và sợ hãi la lên. (27) Ðức Giêsu liền bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!" (28) Ông Phêrô liền thưa với Người: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài". (29) Ðức Giêsu bảo ông: "Cứ đến!" Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Ðức Giêsu. (30) Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với!" (31) Ðức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?" (32) Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. (33) Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!"

Sau một ngày mệt nhọc phục vụ đám đông trong công việc ổn định dân chúng để Đức Giêsu chữa lành bệnh,  nghe Ngài diễn thuyết và cuối cùng là buổi tiệc linh đình . Đức Giêsu đã bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước , còn công việc giải tán đám đông để lại cho Ngài . Đức Giêsu đã nêu gương phục vụ tuyệt vời, thời buổi nào cũng vậy người lãnh đạo thường là ra về trước , còn chuyện giải tán và dọn dẹp là của cấp dưới , thế mà với Đức Giêsu môn đệ là người ra về trước và Ngài lo việc giải tán . Với Người luôn luôn là điều nghịch lý với cỏi trần gian này. Để dẫn dắt dân Ngài , Ngài chọn một tên kém tin và chối Chúa 3 lần, để chọn người ra đi loan báo tin mừng đầu tiên Người chọn cô gái điếm, để chọn các tông đồ Ngài chọn những người dân chài ít học và nhát đảm " Các ông hoảng hốt bảo nhau ma đấy!! " để chọn người giữ tiền cho nhóm tông đồ hoạt động Người lại chọn tên tham lam Giuda ??!! làm sao ta có thể lấy sự hiểu biết của con người để nhận biết mầu nhiệm nước Trời, mầu nhiệm của những nghịch lý. Là môn đệ của Ngài chắc chắn là phải chấp nhận nghịch lý, chấp nhận trong đức tin mà thôi. 
Xong mọi chuyện của ngày hôm đó, Người lên núi mà cầu nguyện. Lại là một gương sống, Ngài làm gương cho ta, là môn đệ của Người, ta giành thời gian cuối cùng trong ngày, cầu nguyện trong thanh vắng , tách rời thế giới hiện tại để mở rộng lòng đón nhận lời Chúa , ý Chúa muốn. 
Trong lúc còn tại thế, thầy hay nói với các môn đệ một câu rất thân thương " Thầy đây, đừng sợ!", và rồi trước khi về trời thầy lại bảo " Thầy sẽ ở cùng anh em mọi  ngày cho đến tận thế" . Các môn đệ của Người hãy luôn nhớ rằng Người luôn ở cùng chúng ta và Người luôn bảo rằng Thầy đây đừng sợ.
"Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài". Với tâm tình của Phêrô, ông là người nhiệt tình luôn muốn đến với Chúa nhanh chóng , ông muốn đi ngay đến với Người giữa biển mênh mông , cũng như khi vừa nghe Gioan bảo " thầy đó" là ông đã nhẩy vội xuống nước mà vào bờ với Thầy trước tiên. Dù là có còn nghi ngờ " nếu quả là thầy .." , nhưng Phêrô cũng đã đánh liều theo lệnh thầy truyền " cứ đến" . Đức tin của Phêrô bấy giờ thì có , ông đã tin và đã đi được trên mặt biển , nhưng vì thấy sóng to gió lớn , ông lại quên lời thầy êm ái " thầy đây , đừng sợ" . Muốn vững tin trong phong ba của cuộc đời, người môn đệ của thầy hãy nhớ mãi lời thầy " thầy đây , đừng sợ, thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" Có thể mỗi sáng thức dậy ta lặp lại câu nói này như chính Người nói với ta , nhờ đó ta có thể thắng vượt cuộc đời, một ngày trần gian nhiều sóng gió. Hãy tin chắc là như lời Thầy ở bên , đừng là "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?"  
thầy đây , đừng sợ, thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" 

Lạy Chúa Giêsu,

con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô,
nhưng nhiều khi con cảm thấy
sống đức tin giữa lòng cuộc đời
chẳng khác nào đi trên mặt nước.
Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.
Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.
Cả sự nặng nề của thân xác con cũng kéo ghì con xuống.
Ði trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng.
Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.
Xin cứu con khi con hầu chìm.
Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.
Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con,
để con trở nên nhẹ tênh
mà bước những bước dài hướng về Chúa. Amen.