Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

SƯU TẦM - Linh Mục và nguồn gốc trong Cựu Ước

Linh Mục và nguồn gốc trong Cựu Ước

Lm Matthew Nguyễn Khắc Hy, SS
Nhân dịp kỉ niệm 150 năm ngày chết của thánh Gioan Vianney, bổn mạng các linh mục, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã công bố Năm Linh Mục bắt đầu từ ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu 19-6-2009 đến 19-6-2010. Chúng tôi sẽ có một số những bài viết về nguồn gốc hình thành, lịch sử phát triển, nền tảng thần học, và những giáo huấn của giáo hội về chức năng Linh Mục trong suốt Năm Linh Mục này. Các bài viết do cha Matthew Nguyễn Khắc Hy S.S., giáo sư đại chủng viện và đại học St. Mary’s phụ trách.
Mở đầu
Trong tập sách nhỏ Được Kêu Gọi Hiệp Thông: Hiểu Về Giáo Hội Ngày Nay,[1] trong phần đầu của chương bốn, Hồng Y Ratzinger, nay là Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI, đã viết đến những khó khăn khi tìm hiểu về nguồn gốc của chức linh mục. Phần lớn các tài liệu thần học nói đến chức linh mục đều bắt đầu trong thời kì Tân ước, hay đúng hơn là bắt đầu với Chúa Giêsu Kitô.
Sở dĩ như vậy vì chức năng linh mục mà chúng ta đọc thấy trong những giáo huấn hiện đại, hay trong cách hiểu của chúng ta hiện nay, đều nói đến tính cách giáo chức (ecclesiastical office) của chức năng này. Trong lịch sử, những giáo huấn hay cách hiểu này không trùng hợp với chức năng Tư Tế mà Do Thái giáo hiểu trong Cựu Ước. Và tác giả sách Tân Ước cũng không dùng từ “hiereus” để chỉ giáo chức như ta hiểu ngày nay.
Tác giả thư gởi tín hữu Do Thái nhiều lần dùng từ “hiereus” là kết hợp sự hiểu biết giữa vai trò Tư Tế trong Cựu Ước với thần học cứu chuộc qua Cuộc Sống, Sự Chết và Sự Sống Lại của Đức Giêsu Kitô (mà thần học gọi tắt là Sự Kiện Vượt Qua – Paschal Event). Nghĩa là, tác giả thư này muốn nói đến Đức Giêsu Kitô là người thi hành chức năng của một Tư Tế được hiểu trong Cựu Ước: là việc Ngài dâng của lễ hi sinh lên Thiên Chúa để xin ơn tha tội.
Chỉ có điều là đến thời kì này, chính Đức Giêsu Kitô là vị Thượng Tế đã dâng của lễ là chính mình để đền tội cho loài người: “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.” (Dothái 9:14).[2]
Vì cách hiểu của tác giả Tân Ước khá xa lạ với những gì chúng ta đang hiểu về chức năng linh mục hiện tại, việc tìm hiểu và so sánh chức năng linh mục hiện tại với quá khứ cần được xác định rõ ràng.
Hơn nữa, để tìm lại nguồn gốc lịch sử chức linh mục, nhất là trong hai thế kỉ đầu của giáo hội, chúng ta gặp hai khó khăn chính: a) không có những tài liệu rõ ràng, chính xác và đáng tin cậy ghi lại sự hình thành chức vị này; và b) sự hình thành phẩm trật giáo hội Kitô giáo (hàng giám mục, phó tế và linh mục) diễn tiến theo hình thức đáp ứng những yêu cầu về tổ chức của giáo hội phát triển thời bấy giờ hơn là những gì đã có sẵn hay được ghi lại trong Bốn Tin Mừng.[3]
Trong những bài sắp tới, chúng ta sẽ tìm hiểu về nguồn gốc hình thành, nền tảng thần học, lịch sử phát triển và những giáo huấn của giáo hội về chức năng và con người linh mục của giáo hội Công giáo. Đồng thời chúng ta cũng so sánh chức năng này giữa giáo hội Công giáo (La Mã) và những giáo phái khác trên thế giới. Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu thêm sự khác nhau về căn tính linh mục mà tất cả các Kitô hữu đều lãnh nhận qua bí tích thanh tẩy (rửa tội), hay còn được gọi là “chức tư tế cộng đồng”, và chức linh mục của một số những người được chọn để lãnh nhận trong giáo hội (mà ta gọi là các linh mục/ các cha).
Từ Ngữ
Khó khăn đầu tiên khi học hỏi về chức năng linh mục là vấn đề danh xưng hay từ vựng được dùng để chỉ chức năng này. Trong thần học của giáo hội, những bản dịch kinh thánh sớm nhất từ Hi Lạp sang Latin, các dịch giả dùng từ “sacerdos” (Latin) để dịch từ “hiereus” (Hi Lạp) trong Tân Ước. Cả hai từ này đếu có mang ý nghĩa “hiến tế - cúng dâng lễ vật” và nói đến vai trò của các Tư Tế liên quan đến Đền thờ và các nghi thức tế lễ. Những yếu tố này liên quan đến hình ảnh Tư Tế quen thuộc của Do Thái giáo trong Cựu Ước, hình ảnh của các Tư Tế trong dòng dõi Lêvi dâng lễ trong các đền thờ.
Cũng trong những thế kỉ đầu của giáo hội, danh từ “presbyteros” (Hi Lạp) hay “presbyter” (Latin) được dùng đồng nghĩa với “hiereus” trong giáo hội Công giáo để chỉ những người làm chức năng tư tế.
Thực ra, danh từ “presbyteros” nguyên nghĩa là “người già/ người lớn tuổi” (mà thỉnh thoảng trong thánh kinh Việt Nam dịch là “trưởng lão”). Những “presbyteroi (số nhiều)” này không là những Tư Tế. Trong lịch sử Do Thái giáo, “presbyteros” đóng vai trò cố vấn hay lãnh đạo một cộng đoàn hơn là làm công việc tế tự (i.e, dâng của lễ). Vì thế, những Kitô hữu tiên khởi gọi những vị lãnh đạo trong giáo hội của họ là “presbyteros” hay “espiskopos” (từ episkopos ngày nay dịch là giám mục; từ presbyteros ngày nay ta thường lịch là linh mục. Trong thời kì đầu của giáo hội, hai danh từ này được dùng đồng nghiã với nhau để chỉ một chức vụ hay con người). [4]
Trở lại tiếng Việt Nam, chúng ta dùng danh từ “linh mục” để dịch từ “sacerdos” hay “presbyter” (mà tiếng Anh dịch ra là Priest và tiếng Pháp Prêtre) thì hoàn toàn không lột tả được những yêu cầu về ý nghiã thần học của nó. Vì từ “sacerdos” hay “presbyter” mang ý nghĩa Tư Tế, còn từ “linh mục” mang ý nghiã “coi sóc các linh hồn”. Từ “linh mục gắn liền với chức năng mục vụ (dịch sát nghiã theo danh từ “pastor” là người chăn chiên, là mục tử.)[5]
Vì tiếng Việt Nam đã dùng từ “Linh Mục” quá phổ biến để nói đến các “Priests - hay Prêtres”, người viết cũng sẽ dùng danh từ này cho quen thuộc với độc giả, mặc dù danh từ này không lột tả được ý nghĩa thần học muốn nói. Phần lớn ý nghĩa thần học của chức năng linh mục trong những bài viết này được hiểu theo nghiã Tư Tế hơn là Mục Tử.
Nguồn Gốc Chức Năng Linh Mục Trong Cựu Ước
Hầu hết các bài viết về thần học tìm hiểu chức năng linh mục như giáo hội Công giáo hiểu ngày nay đều bắt đầu bằng việc trở lại trong Tân Ước, vì hai lí do: (1) nói đến chức linh mục trong Tân Ước, tác giả thư gởi tín hữu Do thái liên kết chức năng này với Chúa Giêsu Kitô là vị Thượng Tế (Heb 3:1) (hay có người gọi là Chúa Kitô Linh Mục Thượng Phẩm); (2) hình ảnh và chức năng linh mục mà tác giả thư gởi Do Thái nói đến rất khác với hình ảnh và chức năng Tư Tế của Do thái giáo trong Cựu Ước.
Tuy nhiên, chúng ta không thể hiểu chức năng linh mục bắt nguồn từ Chúa Giêsu Kitô Linh Mục trong Tân Ước, mà không thấy sự liên hệ của chức năng này trong Cựu Ước.
Trong Cựu Ước, chức năng Tư Tế có nhiều giai đoạn hình thành khác nhau nên được hiểu bằng nhiều cách khác nhau.
Trong thời kì sơ khai, chức Tư Tế không là một giai cấp riêng biệt. Thời kì các đấng tổ phụ, thường là những người cha trong gia đình, làm công việc của vị Tư Tế như dâng cúng lễ vật hi sinh (xem Abraham chuẩn bị hiến tế Isaac trong Gen 22:2; hay Jacob dâng tế lễ Gen 31:54).[6] Khi xã hội Israel phát triển và có tổ chức chặt chẽ, dân Israel bắt đầu thiết lập phẩm trật với một chức năng Tư Tế riêng, và có tính cách chuyên môn.
Lần đầu tiên kinh thánh nhắc đến chức năng chuyên môn và riêng biệt của Tư Tế Aaron trong Sách Xuất Hành “Phần ngươi, hãy tách Aharon, anh ngươi, và các con ông ra khỏi hàng ngũ con cái Ít-ra-en, để ông ở bên cạnh ngươi mà thi hành chức tư tế phục vụ Ta: Aharon và các con của Aharon là Na-đáp, A-vi-hu, E-la-da và I-tha-ma.” (Exo 28:1). Và luật lệ cũng qui định là chỉ có những người thuộc dòng dõi Aaron trong chi họ Levi mới được thực hiện những nghi lễ hiến tế trong Đền Thờ và trước Lều Tạm (Num 3:32; 25:11ff; 35:25, 38; Neh 12:10-12).
Câu hỏi được đặt ra là tại sao con cháu Aaron, chi họ Lêvi, được Thiên Chúa chọn? Có nhiều giải thích khác nhau, nhưng giải thích được nhiều người tán thành là vì chi họ Lêvi là những tôi tớ trung thành canh giữ Lều Tạm Chúa, và cũng là những người trung thành với Môisê khi nhiều người Israel bỏ Yahweh để thờ bò vàng (Exo 32:26-29). Lòng trung thành là nguyên nhân phần thưởng Chúa chọn.
Khi chức năng Tư Tế trở nên chuyên môn, bản thân các Tư Tế cũng đòi hỏi kiến thức và tài năng,[7] và một chi họ được Thiên Chúa chọn (họ Levi) để làm công việc này.[8]
Ý nghĩa thần học chức năng Tư Tế của chi họ Lêvi có nhiều liên quan đến việc tìm hiểu chức năng Tư Tế được nói đến trong Tân Ước.
Trong Cựu Ước, các chức năng Tiên tri, Quan Án và Vua không là “Ơn Gọi” hay “Đặc Sủng” (charism) như ta hiểu ngày nay. Họ là những người được Thiên Chúa ban cho những ân huệ và được Thiên Chúa gọi để làm các chức vụ này. Riêng với chức Tư Tế thì Thiên Chúa không chỉ chọn từng cá nhân mà chọn một dòng họ (chi họ) Levi. Vì thế Tư Tế phải là người sinh ra trong dòng họ Levi. Nếu hiểu theo nghĩa là Thiên Chúa chọn các Tư Tế thì phải hiểu là Ngài đã quan phòng cho họ được sinh ra trong dòng họ Levi. Có như thế ta mới hiểu được đoạn kinh thánh trong thư gởi tín hữu Do thái 5:1, 4 “Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội….. Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi.”
Cũng với quan niệm chức năng Tư Tế, trong Cựu Ước toàn dân Israel được gọi “là một vương quốc tư tế, một dân thánh.” (Exo 19:6). Vì thế, các vị Tư Tế, dù không được kêu gọi theo nghĩa “Ơn Kêu Gọi” ngày nay, các vị này cũng đòi hỏi phải sống thánh thiện, vì cả một dân tộc là thánh (Lev 19:2)
Hơn nữa, vì Thiên Chúa là Đấng Thánh (Lev 19:2), nên những nghi thức dâng lên Ngài đòi hỏi phải thánh. Nói chung, tất cả những gì liên quan đến nghi thức tế lễ cho Thiên Chúa đều phải được thánh hiến.
Quan trọng nhất là con người (các Tư Tế) phải là người của sự thánh thiện: Sách Lêvi nói: “Chúng sẽ được thánh hiến cho Thiên Chúa của chúng và không được xúc phạm đến danh Thiên Chúa của chúng, vì chúng là những người tiến dâng lên ĐỨC CHÚA các lễ hoả tế, là thức ăn dành cho Thiên Chúa của chúng; chúng phải sống thánh thiện…. Ngươi phải coi nó là thánh, vì nó là người tiến dâng thức ăn dành cho Thiên Chúa của ngươi: đối với ngươi, nó sẽ là thánh, vì Ta là Đấng Thánh, Ta, ĐỨC CHÚA, Đấng thánh hoá các ngươi.” (Levi 21:1-8). Họ buộc phải giữ mình thanh sạch trước khi dâng của lễ, như phải tắm rửa theo luật qui định, phải đeo dây hay mặc y phục như nghi thức đòi hỏi, họ phải kiêng khem việc vợ chồng trong thời gian thi hành chức vụ chủ lễ.
Công Việc của Các Tư Tế Trong Cựu Ước
Trong sách Đệ Nhị Luật, nói đến Ba chức năng căn bản của Tư Tế (Deut 33:8-10).
Thứ nhất là Kiếm Tìm Ý Chúa và Loan Báo cho dân biết. Trong cung thánh của Đền Thờ, các Tư Tế bốc thăm thẻ Urim và Thummin, đây là một hình thức tìm ý Chúa qua những lá thăm chọn lựa, muốn biết ý Chúa nói gì trong hoàn cảnh cụ thể (1 Sam 14:41-42). Với người dân Israel, họ vào cung thánh Đền Thờ là để “tìm kiếm ý Chúa” mà các Tư Tế là những dụng cụ Thiên Chúa dùng để mặc khải cho dân chúng.
Trong thời quân chủ, chức năng này mai một dần vì chức năng Tiên Tri chiếm dần vai trò bày tỏ ý định của Thiên Chúa cho dân hay cho nhà vua thay vì vị Tư Tế, nghĩa là những Ngôn Sứ này nói nhân danh Chúa. Đến thời kì gọi là Đền Thờ Thứ Hai (sau khi lưu đày ở Babaylon, khoảng 536 B.C) chức năng Tư Tế với tư cách “nói nhân danh Chúa” dần dần mất ảnh hưởng; và đến thể kỉ 2 B.C. thì gần như không còn nữa, nhường lại cho các Tiên Tri.[9]
Dù ngày nay chức năng Tư Tế trong Do thái giáo không còn là người truyền đạt ý định Thiên Chúa cho dân, nhưng ta cũng không quên là trong quá khứ, đây là một phần quan trọng cúa chức năng này. Và việc này ảnh hưởng đến cách thức Kitô hữu hiểu về chức năng Linh Muc sau này.
Thứ hai là chức năng Giảng Dạy được nhắc trong Đệ Nhị Luật 33:10 “Họ dạy những quyết định của Ngài cho nhà Giacóp, luật của Ngài cho Ítraen.” Luật của Thiên Chúa được các Tư Tế giảng dạy, truyền đạt cho dân (xem Jer 18:18). “Thật vậy, môi của tư tế chất chứa sự hiểu biết và người ta tìm điều Luật dạy nơi miệng nó.” (Mal 2:6).
Cũng nên biết rằng đối với đạo Do Thái, luật của Chúa là trọng tâm đời sống tín hữu. Luật được ghi khắc trong tâm khảm mọi người, là mẫu mực và luôn được nhắc đến trong mọi sinh hoạt cuộc sống. Có thế ta mới hiểu được tầm quan trọng của người dạy Luật cho dân chúng. Môisê nói: “Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh (em) hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh (em)…. Mệnh lệnh đó không ở trên trời…không ở bên kia biển… lời đó ở rất gần anh (em), ngay trong miệng, trong lòng anh (em), để anh (em) đem ra thực hành.” (Deut 30:11-14).
Và cũng vào cuối thời kì Đền Thờ Thứ Hai, chức năng Dạy này cũng mất dần, và chuyển sang cho một nhóm khác là Rabbi (nghĩa đen là Thầy Dạy). Chính Chúa Giêsu cũng được các môn đệ và người khác gọi là Rabbi - Thầy.
Điều đáng chú ý với giáo dân Do Thái bấy giờ là Tư Tế hay Rabbi, khi đã dạy thì không phân biệt đạo với đời, vì tôn giáo và xã hội được đồng hoá trong cùng một tổ chức. Vì thế Thầy Dạy được kính trọng như những người khai sáng tâm trí cho người khác cả đạo và đời.
Thứ ba là chức năng Dâng Cúng những lễ vật hi sinh và dâng hương lên Thiên Chúa. Trong Đệ Nhị Luật nói: “Họ dâng hương thơm để Ngài thưởng thức, và lễ toàn thiêu trên bàn thờ Ngài” (Deut 33:10).
Vì hai chức năng trước đã chuyển qua cho Tiên Tri và các Rabbi, nên chỉ còn chức năng này là chính yếu cho công việc của các Tư Tế. Nhiều người chỉ hiểu một chức năng này của Tư Tế trong Cựu Ước, nên khi học về chức năng Linh Mục trong Tân Ước, họ lầm tưởng Linh Mục cũng chỉ hiến dâng lễ vật mà thôi.
Tác giả thư gởi tín hữu Do Thái viết: “Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội” (Heb 5:1). Tư tưởng “làm đại diện cho loài người" nói lên những đối tác giữa Thiên Chúa và con người.
Trong ba chức năng đã nói ở trên (Tìm kiếm và truyền đạt ý Chúa - Giảng Dạy – Dâng Hiến Lễ Vật), hai chức năng đầu nói đến tương quan theo chiều dọc từ trên xuống, nghĩa là từ Thiên Chúa đến với con người, và chức năng thứ ba là từ con người đến với Thiên Chúa.
Mẫu số chung của cả chức năng là vị Tư Tế chính là người trung gian, là nhịp cầu bang giao giữa Thiên Chúa và con người. Đây cũng là tư tưởng để hiểu chức năng Tư Tế của Chúa Giêsu, và với một hình thức mở rộng, của chức năng linh mục trong giáo hội ngày nay.
Tóm lại, dù chức năng Tư Tế trong Cựu Ước có nhiều điểm xa lạ đối với chức năng linh mục trong giáo hội ngày nay, chúng ta không thể hiểu chức năng Tư Tế của Chúa Giêsu nếu không hiểu chức năng Tư Tế trong Cựu Ước thế nào, và dĩ nhiên ta không thể hiểu chức năng linh mục ngày nay nếu không hiểu chức năng Tư Tế Chúa Giêsu thế nào.
Chú thích:
[1] Nguyên tác là “Zur Gemeinschaft gerufen: Kirche heute verstehen” (Herder, Freiburg im Breisgau, 1991).
[2] Chúng ta sẽ tìm hiếu thêm về chức năng Tư Tế mà tác giả nói đến Chúa Giêsu Kitô trong thư gởi Do Thái trong một bài sau này. Xin đọc thêm thêm Heb 9:11-14; 9:28; 10:8-18.
[3] Trong Bốn Tin Mừng (Mt, Mk, Lk, Jn) không hề nhắc đến từ “hiereus -Tư Tế” (priest) hay chức năng Tư Tế (priesthood) của Chúa Giêsu hay của các tông đồ, nhưng trong Công Vụ Tông Đồ và nhất là thư của Phaolô và Phêrô nói đến chức năng giám mục (episkopos) và phó tế (diakonos) khá rõ ràng. Chức linh mục (như “sacerdos” mà ta hiểu ngày nay) thì tìm thấy trong tài liệu các thánh Giáo phụ chứ không thấy trong Tân Ước.
[4] Trong những thư của thánh Phaolô, Ngài dùng danh từ “espiscopos” và không bao giờ dùng từ “presbyteros” để nói đến vai trò lãnh đạo của những “trưởng lão”, hay những người đứng đầu cộng đoàn. Nhưng trong Công Vụ Tông Đồ, Luca dùng cả hai danh từ, nhưng từ “presbyteros” nhiều hơn “episkopos”. Trong những bài viết về lịch sử Linh Mục trong Tân Ước, tôi sẽ giải thích rõ hơn về mối tương quan của hai từ này.
[5] Người Công Giáo Trung Hoa gọi “Linh Mục” là 神父(神 có nghĩa là “thần” hay còn có nghĩa là “thiêng” như 精神的 hay灵性的. Còn từ 父 là “người cha.) Họ gọi linh mục là “người cha thiêng liêng”. Tiếng Việt cũng hiểu theo nghiã này: linh mục là người coi sóc thiêng liêng, hay coi sóc phần hồn. Từ “Linh Mục” được dịch nghiêng theo nghĩa của từ “Pastor (Latin)” có nghĩa là “vị mục tử” hơn là từ “sacerdos” có nghĩa là “một tư tế dâng hi lễ.” Một bên nặng về thần học nói đến chức năng cứu độ (Tư Tế), một bên nặng về quản trị mục vụ của cộng đoàn (Mục Tử chăn đoàn chiên).
[6] Ta có thể đọc thêm chuyện ông Micah trong sách Thủ Lãnh để biết ông đã đặt con trai ông là chức tư tế. Nhưng khi hay biết có một người dòng họ Lêvi ghé qua, ông đã trao trách vụ tế tự này cho người Lêvi đó (xem Thủ Lãnh 17:1-13). Hoặc chuyện Gideon (Thủ Lãnh 6:20-28) và tiên tri Elijah (I Các Vua 18:30-38) để biết rằng những người này dâng hiến lễ cho Chúa nhưng không là Tư Tế. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng phẩm trật Tư Tế phát triển mạnh vào cuối thời kì gọi là Đền Thờ Thứ Nhất (khoảng thế kỉ 7 B.C.). Nhiều người khác cho rằng có sự khác nhau giữa vai trò người dân dâng hiến lễ và Tư Tế dâng hiến lễ trong một thời gian khá dài (từ thế kỉ 11 đến thế kỉ 7 B.C.). Với những người này, họ tin là người dâng có thể chủ sự dâng lễ vật trên các Bàn Thờ ngoài Đền Thờ. Đến thời kì cải cách tôn giáo của vua Josiah xứ Judah (khoảng 622 B. C.), những nghi thức dâng lễ vật trên bàn thờ ngoài đền thờ bị cấm, và những hi lễ phải được dâng trong Đền Thờ Jerusalem. Lúc này thì vai trò chủ lễ trong Đền Thờ chỉ dành cho Tư Tế mà thôi.
[7] Từ chuyên môn đây không có nghiã thương mại, nhưng nói đến người được giao trách nhiệm dành nhiều thời gian và trí lực cho việc nhà chúa. Họ nghi thức hoá các cách thức tế tự, và đưa thành luật hay lệ những cử điệu, trang phục, của lễ v.v…
[8] Khi chi tộc Levi được chọn làm chi tộc chuyên giữ chức vụ Tư Tế, họ sống nhờ vào chức năng chuyên môn Tư Tế của mình, nhờ vào tiền của dâng cúng của tín hữu, và không có tên trong danh sách chia Đất Hứa của dân Israel, vì không phải đất nhưng Chúa là gia nghiệp của họ. Sách Dân Số ghi: “ĐỨC CHÚA phán với ông A-ha-ron: "Đất chia cho chúng, ngươi sẽ không có phần; ngươi không có gia nghiệp ở giữa chúng, và chính Ta là gia nghiệp của ngươi giữa con cái Ít-ra-en. Đây Ta ban cho con cái Lê-vi làm gia nghiệp tất cả thuế thập phân dân Ít-ra-en nộp, vì họ có công phục dịch Lều Hội Ngộ.” (Num 18:20-21).
[9] Vì thế chúng ta đọc thấy trong sách Ezra 2:63 và trong Nơkhemmia 7:65 ám chỉ: “Quan tổng đốc cấm họ không được ăn của thánh cho đến khi có một tư tế đứng lên xem thẻ xăm u-rim và tum-mim.”
Lm Matthew Nguyễn Khắc Hy, SS
URL: http://danchuausa.net/than-hoc-thanh-kinh/linh-muc-va-nguon-goc-trong-cuu-uoc/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét