Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

GIUDA PHẢN THẦY ( Mt 26, 14-25 )

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen 


Giu-đa nộp Ðức Giêsu
(14) Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giuđa Ítcariốt, đi gặp các thượng tế (15) mà nói: "Quý vị muốn cho tôi bao nhiêu? Tôi đây sẽ nộp ông ấy cho quý vị". Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. (16) Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Ðức Giêsu.
Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua
(17) Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Ðức Giêsu: "Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?" (18) Người bảo: "Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: "Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy". (19) Các môn đệ làm y như Ðức Giêsu đã truyền, và dọn lễ Vượt Qua.
Ðức Giêsu tiên báo Giuđa sẽ nộp Thầy
(20) Chiều đến, Ðức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. (21) Ðang bữa ăn, Người nói: Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy". (22) Các môn đệ buồn rầu quá sức, bắt đầu lần lượt hỏi Người: "thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?" (23) Người đáp: "Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. (24) Ðã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người: thà người đó đừng sinh ra thì hơn!" (25) Giuđa, kẻ nộp Người cũng hỏi: "Rápbi, chẳng lẽ con sao?" Người trả lời: "Chính anh đó!".

Vào những ngày này Giêrusalem sôi sục bầu khí thù hận, các nhà lãnh đạo Do Thái đang tìm giết Chúa Giêsu. Trong bối cảnh đó, Chúa vẫn chuẩn bị thật chu đáo một căn phòng vừa kín đáo, vừa ấm cúng, phù hợp cho cuộc gặp gỡ quan trọng không chỉ để ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ lần cuối, mà chính là để bộc lộ trọn tình yêu của Ngài cho những người Ngài yêu mến
Ngày cuối cùng bên cạnh các môn đệ, có rất nhiều những tình cảm vui buồn lẫn lộn, có rất nhiều những phân vân lo lắng, có rất nhiều những ưu tư hoạch định… Nói chung là những thao thức của Chúa Giêsu. Nhưng thao thức làm cho Chúa đau xé con tim nhân tính của Ngài chính là: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy” Câu nói này làm cho “các môn đệ buồn rầu quá sức”. Các môn đệ không thể ngờ một người cùng chia sẻ buồn vui với Thầy, với anh em trong suốt 3 năm trời lại có thể nộp Thầy như vậy. 
Giuđa đã đi đến việc phản bội Chúa, có lẽ vì ông ta đã để cho sự quan tâm về lợi lộc vật chất dần dần chiếm hết chỗ trong tâm hồn và đã để cho sự hăng say theo Chúa lúc ban đầu bị phai lạt đi. Chúa Giêsu không còn là Thầy, là Chúa và là tất cả của cuộc đời ông nữa, nhưng là một món hàng mà Giuđa đem bán cho những kẻ muốn giết Ngài với giá tiền ba mươi đồng, mức giá trị của một người nô lệ đáng khinh. 
Chúa không bỏ qua những dịp may để giúp Giuđa hồi tâm. Trước hết là bữa tiệc vượt qua giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Tinh thần hiệp thông của bữa tiệc không thức tỉnh Giuđa nổi. Rồi những lời của Chúa: "Một người trong các con sẽ nộp Thầy", và Giuđa chắc chắn được nghe rõ nhưng không làm cho Giuđa giật mình tỉnh ngộ. Giuđa xem như đã mất đi niềm tin vào Chúa có lẻ vì Giuđa đã theo Chúa vì nghĩ Đức Giêsu sẽ cứu dân Do Thái khỏi ách đô hộ của Roma và lên làm vua trị vì, nhưng đến nay mọi chuyện đã khác, Đức Giêsu đã bị thượng tế hội đồng kỳ mục, cả dân Pharisêu, tìm giết chết. Giuđa không còn muốn trở lui, không còn muốn rút lại âm mưu nộp Chúa . Rồi sự buồn phiền của các môn đệ khác trong bữa tiệc cũng không có tác dụng gì trên ý định của Giuđa muốn nộp Chúa Giêsu.
Trong bữa tiệc vượt qua giữa Chúa Giêsu và các môn đệ Chúa vẫn trọng thể diện của Giuđa, vẫn cùng đồng bàn với ông, không nói thẳng thừng, không vạch mặt nêu tên Giuđa cho mọi người biết, nhưng âm thầm nhắc nhỡ để thức tỉnh lương tâm Giuđa. Và lời cảnh tỉnh mạnh mẽ nhất là khi Chúa Giêsu tuyên bố: " Ðã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người, thà rằng người đó đừng sinh ra thì hơn".  Lời cảnh tỉnh mạnh mẽ của Chúa nhằm làm nổi bật sự khốn cùng của người phản bội Chúa, một sự khốn cùng mà người phản bội tự ý đi vào để Giuđa kịp thời suy nghĩ mà quay đầu trở lại. Nhưng , để đáp lại lời nhắc nhở của Chúa, Giuđa tản lờ "Thưa Thầy, có phải con chăng?" Đây là dấu chỉ của sự Giuđa đã làm nô lệ cho ma quỹ , sống giả tạo là điều ma quỷ luôn muốn con người làm điều đó, vì đó là điều làm cho con người xa cách Chúa để làm nô lệ cho ma quỷ .
Vì biết Giuđa phải đi đến chỗ hẹn với thượng tế để dẫn họ đến bắt Người, Chúa Giêsu cũng đã tránh cho Giuđa những cái nhìn thiếu thiện chí của các môn đệ khác khi ông bỏ bàn tiệc ra đi, : “Anh làm gì thì làm mau đi!”. Lại một lần nữa Người đã che dấu việc của Giuđa làm vì trọng thể diện của Giuđa và cho Giuđa cơ hội trở lại , nhưng đây cũng lại là một lời mời gọi vô vọng 
 Trong mỗi con người luôn luôn có 2 phần , một phần thánh thiện của Thiên Chúa ban cho và một phần ma quỹ đã đi vào con người theo tội tổ tông. Tùy theo bậc sống, hoàng cảnh mỗi người có thể phần thánh thiện trội hơn, có thể phần ma quỹ trội hơn. Chúa luôn mời gọi chúng ta chế ngự phần của ma quỹ, và luôn động viên ta biết trỗi dậy ngay khi thua trận với nó. Cuộc sống vốn dĩ là một cuộc chiến đấu không ngừng giữa 2 thế lực này cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời. (Tục ngữ Việt Nam có câu 90 chưa gọi là lành). Một chiến binh có thể thua nhiều trận lớn nhỏ, nhưng ngày chung cuộc sẽ phải thắng để lúc ấy không là nô lệ của quỷ và mãi mãi, ngược lại trầm luân đời đời. 
Trong  hoàn cảnh sống tốt , môi trường , giáo dục của gia đình , ảnh hưởng tâm lý mẹ cha... , có thể một người có lòng thương cảm, tự nhiên thấy người nghèo là muốn giúp đỡ, và giúp đỡ là chuyện quá dễ đối với họ. Nhưng lại có một người vì hoàng cảnh nào đó dông rủi họ khiến họ trở nên một người thích soi mói và đã kích người khác, hôm nay biết được chuyện xấu của người , đó là dịp để họ tấn công, nhưng họ đã cố gắng giữ im lặng… Như vậy giữa việc bố thí và việc im lặng này, việc nào dễ hơn?
Vì thế giá trị của con người không chỉ ở chỗ đã làm bao nhiêu việc đạo đức tốt lành, nhưng là còn ở chỗ họ đã nhận ra được bao nhiêu sự sai trái của mình và đã sửa đổi được bao nhiêu? 
Và điều quan trọng hơn cả là phải vững tin vào tình yêu của Chúa, vững tin đến cùng,  không bao giờ tự cho mình là đồ bỏ đi . Vì bao giờ mình cũng có giá trị , một cái giá trị rất cao trong tình yêu của người mẹ, dù là đứa con tội lỗi đến đâu thì cũng là con mẹ, mẹ thường hay thương những đứa con tội lỗi hơn và lo cho chúng nhiều hơn. Chúa cũng vậy, dù chúng ta có tội lỗi đến đâu vẫn là con Chúa và Chúa rất mong chúng ta được ăn năn sám hối và được sống ; đừng bao giờ mất lòng tin vào tình yêu của Chúa mà tự hủy mình. Chúa đã lấy cái chết của Chúa ra mà khuyên dạy cho chúng ta điều này. 
Tự hủy mình trong cái chết như Giuđa, tự hủy mình trong nỗi chán chường của thất tình lục dục mà chìm đắm trong men rượu say mèm, trong làn khói trắng lơ mơ, tự hủy mình trong những thú vui trụy lạc, tự hủy mình trong những trận ẩu đả đẫm máu, trong những cơn giận dữ điên cuồng, trong những cuộc đua thí mạng. Tự hủy mình bằng những ngày dài vô bổ , "hết ngày dài lại đêm thâu, hết ngày dài lại đêm thâu, chúng ta đi trên thế giới phẳng với những chuyện vui không đáng cười, với những chuyện cười ra nước mắt với á đù, chui my go vap.. , với những Lệ rơi , bà Tưng ... hết ngày dài lại đêm thâu chúng ta đi trên thế giới phẳng" Hãy nghĩ đến nỗi khổ của Cha mà trở về với Cha. Người đã lấy cái chết của mình ra mà dạy cho chúng ta điều này. 
Trên cây thập giá, Người cúi nhìn chúng ta buồn rười rượi và nói "Cha yêu con , con có biết không, con đang đóng đinh Cha bằng những việc làm tự hủy đời mình đó , con yêu ơi "- Đây có phải là lời mời gọi chúng ta sám hối một cách vô vọng như đối với Giuđa ?


Lạy Chúa, Xin cho con nhận biết ý Chúa nhắc nhở con qua những ý kiến của tha nhân và những biến cố xảy ra trong đời con , để con biết sửa mình theo Chúa. Xin cho con biết nghĩ đến tình yêu của Chúa  để con cố đứng lên sau những lần vấp ngã . Xin cho con biết noi gương thánh Phaolô tông đồ quay về với Chúa và dùng hết cuộc đời còn lại dâng lên Chúa.- Amen.

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Ðức Giêsu được xức dầu thơm tại Bê-ta-ni-a( Mt 26, 1-13)

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen 

          Âm mưu hại Ðức Giêsu
(1) Khi Ðức Giêsu giảng dạy tất cả những điều ấy xong, Người bảo các môn đệ của Người rằng: (2) "Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sẽ bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá".
(3) Lúc ấy, các thượng tế và kỳ mục trong dân nhóm họp tại dinh của vị thượng tế tên là Caipha, (4) và cùng nhau quyết định dùng mưu bắt Ðức Giêsu và giết đi. (5) Nhưng họ lại nói: "Không nên làm vào chính ngày lễ, kẻo gây náo động trong dân".  
Ðức Giêsu được xức dầu thơm tại Bê-ta-ni-a 
(6) Ðức Giêsu đang ở làng Bêtania tại nhà ông Simon Cùi, (7) thì có một người phụ nữ đến gần Người, mang theo một bình bạch ngọc, đựng một thứ dầu thơm đắt giá. Cô đổ dầu thơm trên đầu Người, lúc Người đang dùng bữa. (8) Thấy vậy, các môn đệ lấy làm bực tức nói: "Sao lại phí của như thế? (9) Dầu đó có thể bán được nhiều tiền mà cho người nghèo". (10) Biết thế, Ðức Giêsu bảo các ông: "Sao lại muốn gây chuyện với người phụ nữ này? Quả thật, cô ấy vừa làm cho Thầy một việc nghĩa. (11) Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em; còn Thầy, thì không phải lúc nào anh em cũng có đâu! (12) Cô ấy đổ dầu thơm trên mình Thầy để mai táng Thầy đấy. (13) Thầy bảo thật anh em: khắp thế gian, Tin Mừng này được loan báo ở đâu, người ta cũng kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô". 
Giờ đã đến, mâu thuẫn đối chọi đã lên đến đỉnh điểm, các thượng tế và kỳ mục trong dân nhóm họp tại dinh của vị thượng tế tên là Caipha, và cùng nhau quyết định dùng mưu bắt Ðức Giêsu và giết đi . Đây là những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu trên thế gian này, những ngày cuối cùng bên cạnh những người Ngài thương mến. Vì vậy tình cảm của Ngài rất dạt dào. Nhưng chúng ta không thấy nó dâng trào, mà chỉ thấy nó thầm lặng trong thương mến. Chúng ta thấy một sự thinh lặng nội tâm để nhường chỗ cho tình yêu lên tiếng, nhưng không phải ồn ào, mà chỉ là những lời thì thầm của con tim. Một sự thinh lặng thẩm sâu bao trùm tất cả, cả Đức Giêsu, người tôi trung của Thiên Chúa “Người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường” . Cả cô Maria, cô Không vồn vã, không nức nở nghẹn ngào, ... mà chỉ muốn dành cho người mình yêu những gì tốt lành nhất , cô âm thầm quỳ dưới chân Chúa, Cô đổ dầu thơm trên đầu Người, loại dầu thơm đắc tiền. Cô chấp nhận sự phí phạm này, vì tình yêu của cô đối với Thầy, hay đúng hơn, vì tình yêu quá lớn của Thầy đối với gia đình cô. Cô xức dầu mà không so đo tính toán. Lượng dầu quý giá được đổ ra chẳng là gì so với ân nghĩa của Thầy. 
Ngược lại tâm tình quảng đại của cô Maria, là thái độ cau có bực dọc của Giuđa. Bởi vì anh không cảm nhận được thế nào là tình yêu. Anh nhìn mọi chuyện dưới lăng kính thực dụng. Anh ở bên cạnh Thầy nhưng lòng anh xa vời vợi với những suy nghĩ của Thầy. Anh không chấp nhận thái độ của Maria vì anh tiếc của, “một cân dầu thơm hảo hạng” này nhiều tiền lắm, làm vậy là phí."Sao lại phí của như thế? Dầu đó có thể bán được nhiều tiền mà cho người nghèo" Anh nói thế, phải chăng vì anh có lòng yêu người nghèo hay vì anh thờ ơ không cảm nhận được tình yêu của Thầy, thế nào là giây phút biệt ly sắp xảy đến ? Anh không hiểu việc làm của cô mang ý nghĩa an táng cho người chết , bởi không ai lại đổ dầu lên người còn đang sống. Cô cảm nhận được giây phút biệt ly với Thầy đã đến rất gần rồi, có thể đây là những ngày sau cùng của Thầy trong thế gian này, cô sợ mai ngày cô không được chính tay mình đổ dầu mai táng Thầy.
Đức Giêsu xác nhận cảm nhận của cô và nhắc nhở Giuđa, Phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân đều là hai việc tốt. Tuy nhiên Chúa dạy ta Phải biết cân nhắc khi nào thì ưu tiên cho việc nào và đừng viện cớ phục vụ tha nhân mà bỏ bổn phận phục vụ Chúa. Vì người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em; còn Thầy, thì không phải lúc nào anh em cũng có đâu!. 
Đức Giêsu rất hài lòng về cô, đã có lần Người khen cô khi cô bỏ hết mọi việc để ngồi bên chân Người và lắng nghe lời Người. Nay thì cô có tâm tình quảng đại dâng hiến không tính toán số lượng dầu quý ( hơn 1 năm lương của người công nhân lúc bấy giờ) mà đổ cả lên người Đức Giêsu, Người ví việc đó như là cô đã an táng Người trước khi Người lãnh án chết treo thập tự. 
Người nói , Tin Mừng được loan báo ở đâu, người ta cũng kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô. 
Biết bao lần chúng ta qúa thờ ơ trước sự hiện diện của Chúa. Chúng ta quá mãi lo tìm kiếm tiền tài cùng thú vui và danh vọng mà quên đi giá trị đời người là gặp Chúa và sống kết hiệp với Chúa, như cô Maria không chỉ cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa, mà còn cảm nhận được vui buồn theo từng bước thăng trầm của Người.
Biết bao lần chúng ta lạm dụng và nhân danh tất cả, kể cả lòng nhân ái và ngay cả vinh danh Chúa để thu lợi, củng cố địa vị cho mình. Chúng ta so đo, lên án những người nhiệt tình trong truyền giáo, in ấn sách chuyện tâm linh cho dân ngoại, xây nhà thờ .. nên không còn tiền làm chuyện bác ái, chúng ta quên rằng chúng ta cũng còn có bổn phận làm bác ái tâm linh, nghèo tình yêu Chúa, nghèo lời Chúa là cái nghèo hơn tất cả, rất đáng được quan tâm. Họ không nghèo tiền, nhưng nghèo những thứ tiền không mua được, những thứ này xem ra còn quan trọng hơn . 
Tiền mua được ngôi nhà nhưng không mua được một tổ ấm
Tiền mua được đồng hồ nhưng không mua được thời gian
Tiền mua được chiếc giường nhưng không mua được giấc ngủ
Tiền mua được sách nhưng không mua được kiến thức
Tiền mua được thuốc nhưng không mua được sức khỏe
Tiền mua được địa vị nhưng không mua được sự nể trọng
Tiền mua được máu nhưng không mua được cuộc sống
Tiền mua được thể xác nhưng không mua được tình yêu 
Nhưng không có gì Thiên Chúa làm không được. Chúa đã  phán "Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi." Vì thế đem Chúa đến với họ là vấn đề quang trọng không kém việc cho kẻ đói ăn. Mỗi người theo khả năng Chúa ban, theo tiếng gọi của Chúa mà làm tròn bổn phận trong bậc sống của mình.

Lạy Chúa, xin cho con đừng ồn ào, náo động, mà tĩnh lặng trong sâu thẳm cõi lòng để dâng cho Chúa tất cả tình yêu của con. Chính tình yêu sâu lắng, trầm lặng đó sẽ hướng dẫn đời sống đạo của con, để con biết phải làm gì cho vừa lòng Chúa và vừa sức với con. Điều quan trọng là dành cho Chúa tất cả tình yêu và khả năng của con.




Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

SƯU TẦM - CHUYỆN AI CŨNG BIẾT .......

Hiện nay, người ta thấy có rất nhiều thanh niên thiếu nữ tây phương chán cuộc sống trống rỗng, thiếu lý tưởng trong xã hội dư dật, đã tình nguyện sang các nước thuộc thế giới thứ ba để phục vụ.

Một thanh niên nọ đã xin đến Ấn Ðộ để phục vụ người nghèo. Ra đi hồ hởi bao nhiêu, giờ này chạm với thực tế, anh cảm thấy thất vọng bấy nhiêu. Tất cả đều xa lạ và tất cả đều làm anh chán nản: từ khí hậu cho đến thức ăn, điều kiện sống và nhất là những khuôn mặt xem ra rất bí hiểm đối với anh. Nhưng điều làm cho anh mất hết kiên nhẫn lại là một điều không đáng bận tâm mấy...

Người ta dành cho anh một căn phòng không sạch sẽ và dĩ nhiên cũng không nhiều tiện nghi lắm. Anh dọn dẹp và sắp xếp căn phòng lại cho tươm tất. Duy có một chướng ngại mà anh không thể vượt qua để có thể sống bình thản: đó là sự hiện diện của một chú thằn lằn. Anh tìm đủ mọi cách để xua đuổi nó ra khỏi căn phòng, nhưng vô ích: đâu lại vào đó, anh đuổi nơi này, nó chạy vào nơi khác. Cuối cùng con vật chui được vào trong tủ đựng thức ăn và ngự trị hẳn trong đó. Không còn biết làm cách nào khác hơn để tẩy chay con vật, anh đành phải nghĩ đến chuyện làm quen với nó.

Dần dần, con thú đã trở thành một người bạn của anh. Mỗi khi đi đâu về, việc đầu tiên của anh là tìm cho được chú thằn lằn. Khi con vật đã trở thành thân thiết với anh, anh đặt cho nó một cái tên và trò chuyện với nó. Từ một con vật dơ bẩn xấu xa, giờ này anh nhìn thấy nơi nó rất nhiều đức tính trong đó quan trọng hơn cả đó là tài săn muỗi của nó.

Sự hiện diện của chú thằn lằn đã giúp cho anh khám phá được một chân lý trong cuộc sống: những khó khăn không đến từ môi trường chung quanh, mà chính từ bản thân anh.

Chúng ta vẫn thường lặp lại câu thơ của Nguyễn Du: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", như để nói rằng lắm khi chúng ta mặc cho ngoại cảnh chính tâm trạng của chúng ta. Khi chúng ta vui, chúng ta như thấy cảnh vật xung quanh chúng ta cũng vui lây. Khi chúng ta buồn, cảnh có đẹp đến đâu, chúng ta vẫn thấy u ám. Lắm khi những vấn đề khó khăn không đến với chúng ta từ ngoại cảnh, từ những người khác, mà chính từ chúng ta. Gương mặt cau có của chúng ta thường được chúng ta nhìn thấy nơi tất cả mọi người xung quanh. Trái lại, khi chúng ta vui, chúng ta như cảm thấy mọi người đều vui vẻ với chúng ta. Quả thật, chúng ta đong đấu nào, thì người sẽ đong lại đấu ấy cho chúng ta.

Câu chúc đầu tiên của Ðức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra cho các môn đệ của Ngài là: :bình an cho các con". Có sự bình an đích thực trong tâm hồn, chúng ta mới thắng được sợ hãi, mới vượt qua được những khó khăn trong tâm hồn. Có sự bình an đích thực trong tâm hồn, chúng ta mới dễ dàng tha thứ và chấp nhận chính bản thân để rồi từ đó mới có thể tha thứ và chấp nhận tha nhân cũng như mọi nghịch cảnh.  Mang lấy bộ mặt cau có và buồn chán, đi đâu, ở đâu, chúng ta cũng chỉ thấy bất mãn, thất vọng và khó chịu. Hãy mang lấy màu xanh của hy vọng, đôi mắt chúng ta mới dễ dàng nhìn đời, nhìn người một cách lạc quan và cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.

Lạy Chúa , xin cho con biết nhận ra thánh ý Chúa trong mọi sự việc đến với con dù là thuận lợi hay khó khắn , vì như thế con sẽ được sống vui và bình tâm vì con tin rằng mọi sự Chúa muốn đều tốt lành và Người thống lĩnh mọi sự trên trời dưới đất.- Chúa là niềm hy vọng của đời con.-Amen.

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Bài giảng về cánh chung( Mt 24,1 -51; 25,1-46))

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen 

Đền Thờ Giêrusalem do vua Hêrôđê xây dựng rất đẹp. Người ta thường nói: “Nếu bạn chưa thấy Đền Thờ Giêrusalem, bạn chưa thấy được thứ tuyệt vời nhất trên thế giới”. Các môn đệ của Người lại gần chỉ cho Người xem công trình kiến trúc Ðền Thờ. Nhưng Người nói với các môn đệ " Anh em nhìn thấy tất cả những cái đó, phải không Thầy bảo thật anh em: tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ" Lời Đức Giêsu khẳng định khiến các môn đệ phải hỏi: Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ những sự việc ấy sẽ xảy ra. và điềm gì báo trước cuộc quang lâm của Thầy và báo trước tận thế". 
Trong ngôn ngữ bình dân, người công giáo thường nói đến ngày tận thế. Nhưng thật ra là nói ngày tận thế thì không chính xác, vì không ai biết sau đó thế giới sẽ như thế nào. Chẳng lẽ công trình tạo dựng của Thiên Chúa lại tan thành mây khói tất cả? Nói là cánh chung thì chính xác hơn. Cánh chung không bao hàm ý nghĩa chấm hết mà là kết thúc hay hoàn thành của công trình tạo dựng và cứu độ con người và thế giới vũ trụ vạn vật. Khi đó “mọi người công chính từ Ađam, từ Aben người công chính, cho đến người được tuyển chọn cuối cùng, sẽ được qui tụ trong Hội thánh hoàn vũ bên cạnh Chúa Cha."
Nhưng cũng như người đàn bà sinh con, mong chờ cái hạnh phúc tuyệt vời được làm mẹ , với niềm vui mong chờ đó , người đàn bà có đủ sức chịu đựng mang thai nặng nhọc 9 tháng 10 ngày ăn không ngon ngủ không yên, bệnh không uống thuốc được, và nổi đau đớn tột cùng khi hạ sinh. Từ nay đến đó trong thời kỳ thai nghén, ‘Hội thánh vẫn tiến bước trên đường hành hương, bị thế gian bách hại, phải trải qua nhiều thử thách lớn lao và được Thiên Chúa an ủi’. Nơi trần thế Hội thánh biết mình đang ở chốn lưu đầy, xa cách Chúa và khao khát giờ mà Hội thánh được kết hiệp cùng Vua của mình trong vinh quang.
Những hiện tượng xẩy ra trước thời cánh chung: sự lường gạt, mạo nhận, sự chia rẽ thù nghịch và chống lại nhau giữa các dân tộc, tình trạng đói kém và thiên tai ở nhiều nơi. Tiếp đến cảnh  những môn đệ của Chúa bị bách hại đến khốn quẫn.Những cuộc bách hại này không chỉ đến từ người ngoài, mà còn đến từ bà con thân thuộc nữa. Họ không chỉ bị bắt hay bị bỏ tù, mà con bị giết chết. Nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người. Sự tàn phá bất thần của Giêrusalem, Tội ác gia tăng, lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhiều người vấp ngã. Nhưng những ai bền chí đến cùng sẽ được cứu thoát.
Song, dù có bị bách hại thế nào, tin mừng về Thiên Quốc cũng sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho tất cả các dân ngoại được biết Và bấy giờ sẽ là tận cùng - Ngày quang lâm của Con Người, sự xuất hiện lần thứ hai của Chúa Giêsu Kitô vào thời sau hết. Cuộc xuất hiện ấy xẩy đến nhanh như tia chớp và đầy bất ngờ. Khi thấy các điềm báo trên thì biết là Người đã đến gần…Nhưng về ngày và giờ thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không, chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi. Vậy chúng ta phải sẵn sàng để tiếp nhận cuộc Quang Lâm của Con Người.
Chúng ta phải làm gì trong thời gian này ? 
Chúng ta hãy canh thức, sẵn sàng, luôn ý thức làm tròn bổn phận làm người con của Chúa, làm tròn bổn phận trong bậc sống của mình làm đầy tớ trung tín của Người trong từng giây phút hiện tại. Bổn phận của người đầy tớ trung tín không những là bảo vệ tài sản của chủ tốt mà còn phải nhân hậu và biết sinh lợi cho chủ như trong dụ ngôn người đầy tớ trung tín và dụ ngôn những yến bạc " Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi", ai có lòng tín trung và biết lo sinh lợi cho nước trời thì sẽ được ban cho thêm những thứ cần thiết trong thế gian, cho thêm niềm vui sống trong gian nan và sức mạnh vượt qua thử thách, còn ai không tín trung và không lo sinh lợi cho nước trời thì ngay c bình an Chúa ban sẽ bị mất trong gian nan thủ thách.
Biết sống trung tín, tỉnh thức, kiên nhẫn chịu thử thách là biết sống khôn ngoan để được hưởng niềm vui Nước Trời như 5 cô trinh nữ khôn ngoan . Đừng lần lựa trong bổn phận vì ngày cánh chung sẽ ập đến bất ngờ.  
Ngày cánh chung- Ngày Chúa phán xét mọi người. 
Ngày Chúa đến lần thứ 2, ngày cánh chung, mọi dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người tách biệt những kẻ được chúc phúc và quân bị nguyền rủa.
Con Người đã xuống thế làm người, mang thân phận của một kẻ nghèo hèn cơ cực từ khi mới sinh ra đến ngày lìa đời với bản án tử ô nhục, đau thương, bị đánh đòn và sĩ nhục, trần truồng trên cây thập giá, bị bỏ rơi (12 môn đệ, một người bán Chúa, mười người chạy trốn bỏ mặc thầy). Người về trời , Người nói "thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế " Vậy có phải chăng Người chi ở với các đệ tử Người như lời hứa này?  Người còn ở trong những con người khốn cùng vì Người rất yêu thương họ, không phải tình thương của kẻ cả đứng trên cao nhìn xuống người thấp hèn mà thương hại, nhưng Người thương yêu đồng cảm thâm sâu với họ, Người đã từng mang thân phận khốn cùng, bị bỏ rơi như họ, Người muốn bây giờ cho đến ngày cánh chung Người vẫn mang thân phận của người mình yêu, Vì thế Người phán :" mỗi lần các ngươi làm gì cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" . Ai có lòng nhân với những người anh em bé nhỏ nhất này sẽ được Cha ta chúc phúc và được thừa hưởng Vương Quốc Người đã dọn sẵn cho. Nếu không vậy họ là quân bị nguyền rủa,. 
Quân bị nguyền rủa, họ sẽ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp; còn những người công chính, để hưởng sự sống muôn đời .

Lạy Chúa, xin cho con nhìn được hình ảnh của Chúa nơi mọi người anh em con, vì trên trần gian này không ai không khổ; khổ vì tội lỗi, khổ vì tù bị đày (bị tính xác thịt cầm tù); nghèo tiền, nghèo tình, nghèo lòng nhân, nghèo đức tin, nghèo đức khiêm nhường, nghèo thiếu bổn phận ... và xin cho những người anh em con nhìn thấy được hình ảnh của Chúa trong con, con cũng là kẻ tội lỗi , nghèo hèn, là người yêu của Chúa , và con cũng mong rằng trong con còn có mình ảnh khác của Chúa , đó là chân thật, hiền hậu và khiêm nhường vì Chúa là người yêu của con - Amen .




 

 

Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Suy niệm lời Chúa về Pharisêu giả hình ( Mt 23, 1 - 39)

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen

Những lời trách cứ của Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay, cũng là lời nhắn nhủ mỗi người chúng ta. Chúng ta đừng có ảo tưởng mình đã sống tốt hơn những người Pharisêu ngày xưa. Chúng ta thử xét xem 7 lời trách của Đức Giêsu khi xưa, ngày nay chúng ta có tránh khỏi được lời trách nào không .

1- Khốn cho các người, ...  Các người khóa cửa Nước Trời... .các người cũng không để họ vào.
Chúng ta có đóng cửa nước trời không? Có nhiều lúc chúng ta là những kẻ giả hình , gương mù , khóa cửa nước trời còn hơn họ, đời sống và lời nói của  chúng ta nhiều lúc không ăn khớp với nhau. Biết bao lần chúng ta nói điều tốt đẹp, chẳng hạn ta khuyên người khác phải biết tha thứ, phải biết bao dung, nhưng trong trường hợp của ta, ta còn nóng nảy, hẹp hòi và trả đũa...
2 - Khốn cho các người, Các người nuốt hết tài sản của các bà góa:
Chúng ta có nuốt tài sản của đàn bà góa ? thu bổng lễ của người nghèo khổ để đọc kinh dâng lễ không ? có hay không khi chúng ta quy định bổng lễ 200.000 cho một lần, những người không làm ra tiền , nghèo khổ cần xin lễ thì sao? chúng ta bảo là cứ xin không sao, nhưng thử nghĩ có lần nào trong năm chúng ta nhận lời xin lễ không tiền không, ai cũng ngại xin lễ mà không tiền thế là họ không xin  lễ, nếu chúng ta nói tham dự thánh lễ và cầu xin trong tâm Chúa cũng nhận thì ra tục xin lễ để làm gì. Nếu như có một thùng tiền xin lễ, ai có bao nhiêu thì cứ bỏ vào đó không thì thôi, linh mục chỉ đọc lời cầu xin theo ý người xin là được, như thế có hay hơn không. Thiết nghĩ không ai dám không bỏ tiền tương xứng vào thùng khi họ có tiền, còn người không tiền họ cũng xin lễ được không phải ngại ngùng.
3- "Khốn cho các người,......Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; .
Chúng ta có làm hại truyền giáo không khi chúng ta đi tìm người tân tòng, bắt khảo thuộc kinh mới cho rửa tội. Đức Thánh Cha có nói hãy mở rộng cửa nhà thờ, cửa nhà thờ không phải là nơi tra khảo lề luật . Khi xưa các thánh tông đồ đi truyền giáo, chỉ cần người nghe đón nhận lời là được . "Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo." Hiện tại, bên Tin Lành vẫn thế, họ dễ dàng làm phép Beptem, nhưng họ có kế hoạch bồi dưỡng đức tin cho người tân tòng, đi đến từng nhà giảng giáo lý cho tân tòng. Sao chúng ta thì phải đi đến nhà thờ học từ 3 đến 6 tháng mới được rửa tội, mà không phải nhà thờ lúc nào cũng có lớp,1 năm mới có một lớp . Muốn học lúc nào cũng được thì phải đi đến nhà thờ lớn ở xa nhà . 
4- "Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng!
Chúng ta có dẫn đường mù quáng không? Có nhiều lúc chúng ta cũng không hiểu điều gì làm cho chúng ta nên thánh , giữ gìn lề luật với những bài kinh lê thê hàng mấy chục chữ lạy, một Mẹ maria với rất nhiều tên gọi hay là tin yêu và chấp nhận thánh ý Chúa dù ở hoàn cảnh nào, thuận lợi hay khó khăn. Chúng ta có dẫn đường mù quáng không khi có nhà thờ lập cả một phòng thờ lạy thánh (ban phép lành sinh sản) với nhan khói nghi ngút. Có nơi (Phòng sinh hoạt thiếu nhi thánh thể) trên tường treo hình Đức Giáo Hoàng ngang hàng với hình Chúa Giêsu. Chúng ta có dẫn đường mù quáng không khi có những bài kinh tôn sùng Đức Mẹ quá đáng, ngang hàng với Chúa. "Hỡi ôi! Bà là Chúa bầu chúng con" ? với muôn vàn tước hiệu.
5- "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! ...bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, lòng nhân và thành tín.......Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.
Chúng ta thường cảm thấy không đọc kinh sáng tối, không làm dấu trước khi ăn, không kiêng thịt ngày thứ sáu…là phạm tội…thế nhưng, chúng ta lại không thấy áy náy chút gì khi quên đi việc quan tâm đến lòng nhân và đức công bình với Tin mừng của Chúa. Chúng ta giữ luật để khỏi phạm tội chứ ít khi hiểu rằng giữ luật là một sự tín trung với Chúa. Ăn chay nghĩa là “một bữa no hai bữa đói” và có thể “mất chay” nếu lỡ ăn bất cứ điều gì ngoài ba bữa chính, chứ không phải ăn chay là một hành vi nói lên lòng khao khát Chúa; họ đi lễ như là một trách nhiệm phải chu toàn chứ không phải để sống tinh thần hiệp thông với cộng đoàn để tạ ơn Chúa, để kín múc nguồn mạch sức sống cho cuộc sống thường ngày, …nhiều người rất sốt sắng trong việc nhà đạo, nhưng lại không sống một chút giá trị lòng thương yêu, sự cảm thông tha thứ và tôn trọng đối với những người bé mọn.
6-  "Khốn cho các người,..... Các người rửa sạch bên ngoài.... bên trong thì đầy những chuyện trộm cắp và vô độ..."
Có nhiều lúc chúng ta cũng xem trọng bề ngoài , đánh mất nội tâm . Chúng ta thường tổ chức rầm rộ những buổi rước kiệu phô trương rình rang với những bộ quần áo sạch thơm, hoa đơm đầy đầu... nhưng chúng ta không chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa , Mẹ vào lòng; chúng ta tranh luận và bàn cải sôi nổi với nhau về giáo lý, về cách tổ chức, nhưng lại không bao giờ có được một chọn lựa của đức tin cho bài toán cuộc đời mình. Đối với Thiên Chúa, Ngài muốn từng người chúng ta đến với Ngài bằng cả tấm lòng, và trọn vẹn con người của chúng ta, chứ không chỉ là những nghi thức rầm rộ ở bên ngoài. 
7-  "Khốn cho các người, hỡi ! Các người giống như mồ mả tô vôi, ..Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác.. Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!
Chúng ta giữ đạo hình thức, bên ngoài tiếp nhận Chúa, công chính trước mặt thiên hạ; nhưng bên trong chúng ta đang đóng đinh Ngài do chúng ta không quan tâm đến tội lỗi của chúng ta, tội thêm tội chồng chất hằng ngày.

Lạy Chúa , xin cho chúng con luôn biết yêu mến phụng thờ Chúa với một tình yêu chân thật, thi hành lời Chúa với lòng yêu mến, để cuộc đời chúng con được thăng tiến mỗi ngày và Tin mừng cứu độ sẽ sáng tỏ trong chúng con và những người xung quanh  . Amen.




Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình ( Mt 23, 1 - 39)

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen

Các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình
(1) Bấy giờ Ðức Giêsu nói với đám đông và các môn đệ Người rằng: (2) "Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. (3) Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. (4) Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. (5) Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. (6) Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, (7) ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "rápbi".
(8) "Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "rápbi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. (9) Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. (10) Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Ðức Kitô. (11) Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. (12) Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
Ðức Giêsu khiển trách các kinh sư và người Pha-ri-sêu
(13) "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào.
[(14) Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn].
(15) "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các người.
(16) "Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người bảo: "Ai chỉ Ðền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Ðền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc". (17) Ðồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Ðền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn? (18) Các người còn nói: "Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề thì bị ràng buộc". (19) Ðồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn? (20) Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề. (21) Và ai chỉ Ðền Thờ mà thề, là chỉ Ðền Thờ và Ðấng ngự ở đó mà thề. (22) Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.
(23) "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, lòng nhân và thành tín. Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia. (24) Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.
(25) "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện trộm cắp và vô độ. (26) Hỡi người Pharisêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.
(27) "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. (28) Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!
(29) "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính. (30) Các người nói: "Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ". (31) Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. (32) Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!
Tội ác và hình phạt
(33) "Ðồ mảng xà, nòi rắn độc kia! Các người trốn đâu cho khỏi hình phạt hỏa ngục? (34) Vì thế, này tôi sai ngôn sứ, hiền nhân và kinh sư đến cùng các người: các người sẽ giết và đóng đinh người này vào thập giá, đánh đòn người kia trong hội đường và lùng bắt họ từ thành này đến thành khác. (35) Như vậy, máu của tất cả những người công chính đã đổ xuống đất, thì cũng đổ xuống đầu các người từ máu ông Aben, người công chính, đến máu ông Dacaria, con ông Bêrêkia, mà các người đã giết giữa đền thánh và bàn thờ. (36) Tôi bảo thật các người: tất cả những tội ấy sẽ đổ xuống đầu thế hệ này.
Ðức Giêsu thương tiếc thành Giê-ru-sa-lem 
(37) "Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Ðã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. (38) Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang mặc cho các ngươi. (39) Thật vậy, Ta nói cho các ngươi hay, từ nay các ngươi sẽ không thấy Ta nữa, cho đến khi các ngươi nói: Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa!"
NƯỚC DO THÁI THỜI CHÚA GIÊSU:
* Giai cấp xã hội :
a. Giới tư tế :
- Thượng tế : Đứng đầu giới tư tế là vị thương tế. Vị này đứng đầu Thượng Hội Đồng và được coi như thủ lãnh của dân. Chỉ mình vị thượng tế mới được vào Nơi Cực Thánh mỗi năm một lần để dâng lễ xá tội cho dân
- Các tư tế : chia thành 24 nhóm thay phiên nhau phục vụ trong đền thờ
- Các thầy Lê-vi: có nhiệm vụ đàn hát, giữ cửa, bảo quản và bảo vệ đền thờ. b. Giới kỳ mục : Gồm các phú ông và bậc niên trưởng.
c. Giới kinh sư: Còn gọi là ký lục , luật sĩ hay các thầy thông Luật. Đó là những nhà chuyên môn về Kinh Thánh (Lề Luật), phần đông là giáo dân thuộc nhóm Pha-ri-sêu, một số ít trong nhóm kinh sư là tư tế . Họ có uy tín và ảnh hưởng lớn trong dân
Các kinh sư cùng với thượng tế và kỳ mục là ba thành phần trong Thượng hội đồng Do thái tại Giê-ra-sa-lem. Đứng đầu Thượng Hội Đồng này là vị thượng tế .
* Các nhóm tôn giáo:
a. Nhóm Xa-đốc : Gồm phần ln các tư tế ở Giê-ru-sa-lem và một số kỳ mục. Đây là nhóm bảo thủ. Họ quý trọng đặc biệt Ngũ Thư hơn các sách thánh khác. không tin có sự sống đời sau
b. Nhóm Pha-ri-sêu : Hay còn được gọi là Biệt phái, có vào thời Ma-ca-bê. Nhóm này gồm phần đông là những giáo dân đạo đức, một ít tư tế vùng quê và một số thầy Lê-vi. Vào thời Chúa Giê-su, các Pha-ri-sêu rất được kính trọng. Họ chuyên cần suy niệm Kinh Thánh và tuân giữ tỉ mỉ mọi luật lệ.
Người Pharisêu rất quý trọng Kinh thánh và tục truyền. Sống theo luật lệ, họ thề trung thành với Thiên Chúa của Moise. Họ nhận có Thiên Chúa quan phòng, họ tin có Thiên thần, tin linh hồn bất tử, xác kẻ lành sẽ sống lại. Đáng tiếc, nhiều khi họ coi Tục truyền hơn Kinh thánh.
* Các nhóm xã hội :
a. Nhóm Eùt-xê-nô : Nhóm này được tổ chức hết sức chặt chẽ và có tôn ti trật tự. Họ sống nghèo khó, độc thân, và vâng phục những người lãnh đạo
b. Nhóm Sa-ma-ri : Là những người gốc Do Thái ở Sa-ma-ri. Họ bị pha trộn nhiều với dân ngoại, kể cả về mặt tôn giáo.
c. Nhóm Hê-rô-đê : Đây không phải là nhóm tôn giáo mà chỉ là những người ủng hộ Vua Hê-rô-đê và do đó, ủng hộ nhà cầm quyền Rô-ma. Nhóm Pha-ri-sêu liên kết với họ để chống Chúa Giêsu.

Các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình
Đức Giêsu nhận định các kinh sư và Pharasiêu giả hình, nói mà không làm, làm ra lắm luật bắt người dân phải giữ luật còn mình thì không, chỉ mang cho đầy người tua áo thật dài, hộp kinh thật to thể hiện sự tuân thủ luật lệ và thông thái của mình, ăn trên ngồi trước , được trọng vọng .
Ðức Giêsu khiển trách các kinh sư và người Pha-ri-sêu
1- Khốn cho các người, ...  Các người khóa cửa Nước Trời... .các người cũng không để họ vào. 
Đây là lời khiển trách thứ nhất của Đức Giêsu :
-  Các kinh sư và Pharasiêu họ không vào nước trời được vì lối sống giả dối, làm gương mù cho người khác mất lòng tin và vì thế họ cũng đã làm cho người ta không vào giáo hội, vào nước trời.
-  Nhiều người Do Thái muốn gia nhập Giáo Hội nhưng bị các Kinh sư và Pharisêu ngăn cấm. Giới Kinh sư và Nhóm Pharisêu đầy quyền lực, họ không muốn đồng bào của mình tin vào một ông Giêsu bị đóng đinh, nên họ đã nghiêm cấm bằng cách đưa ra một hình phạt: Ai đi theo ông Giêsu này, tức gia nhập Giáo hội sơ khai sẽ bị trục xuất ra khỏi Hội đường. Chính vì điều này làm cho người Do Thái sợ hãi, do dự và không muốn gia nhập Giáo hội sơ khai. Như vậy, các kinh sư và Pharisêu đã ngăn cấm người ta gia nhập vào Giáo hội sơ khai, tức ngăn cấm người ta vào Nước Trời.
2 - Khốn cho các người, Các người nuốt hết tài sản của các bà góa:
Đây là lời khiển trách thứ hai của Đức Giêsu : Các bà góa là những người nghèo, cô thân cô thế trong xã hội Do Thái thời Đức Giêsu. Họ thường là những thành phần bị bỏ rơi, không ai chú ý đến. Đáng lý ra thành phần này phải được miễn tất cả các thứ thuế, miễn dịch vụ công,...Thế mà những kinh sư và Pharisêu, là những người ngồi trên Tòa Môsê để giảng dạy dân chúng lại không thương tình, không cho họ được hưởng những trợ cấp về an sinh xã hội, họ phải có nghĩa vụ như bao người khác. Như vậy, những kinh sư và Pharisêu đã thực hiện việc mà Đức Giêsu nói: Đọc kinh cho dài để nuốt tài sản của các bà goá, bởi thế, các ngươi sẽ chịu phán xét nặng hơn. Họ đang sống với một thái độ giả hình.
3- "Khốn cho các người,......Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; .
Đây là lời khiển trách thứ ba của Đức Giêsu  Giới Kinh sư và Nhóm Pharisêu đã làm hại việc truyền giáo: Những người Do Thái đặc biệt là nhóm kinh sư và Pharisêu, rất nhiệt thành truyền giáo. Nhưng họ không đưa người tân tòng đến với Thiên Chúa mà lại đưa vào não trạng hẹp hòi và lối sống hình thức của họ. Người tân tòng nhìn vào lối sống của những người lãnh đạo để noi gương bắt chước, bắt chước gương lành, gương tốt thì khó, còn bắt chước gương xấu rất dễ, những người tân tòng có khi còn giả dối hơn các ông nhiều. Chẳng thà cứ để người ngoại giáo sống như cũ lại hay hơn, vì họ sống ngay thẳng theo lương tâm của mình, còn hơn vào đạo để sống giả hình. Chính vì thế Đức Giêsu mới nói: “khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các người.".
4- "Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng! 
Đây là lời khiển trách thứ tư của Đức Giêsu về vấn đề thề thốt, Giới Kinh sư và Nhóm Pharisêu , họ tự cho mình là "kẻ hướng dẫn những người mù". Nhưng đã không phân biệt được điều nào cao trọng hơn điều nào , cái gì làm cho nên thánh, cái gì được nên thánh, họ làm trắng hóa đen, đúng hóa sai. Chúa Giêsu nói chính họ cũng mù không kém  Những kẻ ấy hướng dẫn bám lấy những lời thề. Đức Giêsu bảo " không được thề " Vì ai chỉ Ðền Thờ mà thề, là chỉ Ðền Thờ và Ðấng ngự ở đó mà thề. Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề..
5- "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! .........Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.
Đây là lời khiển trách thứ năm của Đức Giêsu, Giới Kinh sư và Nhóm Pharisêu quá tập trung vào điều phụ thuộc mà bỏ quên điều cốt yếu. " Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, lòng nhân và thành tín." Giới Kinh sư và Nhóm Pharisêu đã dạy cho người khác như vậy , nên Chúa đã khiển trách "Quân dẫn đường mù quáng!"
6-  "Khốn cho các người,..... Các người rửa sạch bên ngoài.... bên trong thì đầy những chuyện trộm cắp và vô độ..."
Đây là lời khiển trách thứ sáu của Đức Giêsu, Giới Kinh sư và Nhóm Pharisêu quá coi trọng cái bên ngoài mà coi thường cái bên trong, sự nhơ uế bên trong tâm hồn. Chúa dạy hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã , hãy lo canh tân tâm hồn nên sạch trong,  hãy lo việc nước trời trước , mọi sự khác Chúa sẽ cho thêm. " để bên ngoài cũng được sạch"
7-  "Khốn cho các người, hỡi ! Các người giống như mồ mả tô vôi, .... Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!
Đây là lời khiển trách thứ bảy của Đức Giêsu, các kinh sư và người Pharisêu giả hình gian ác , họ như mồ mã tô vôi cho đẹp , bên trong chỉ là xương người chết và thịt thối vữa , chỉ có vẻ bề ngoài đẹp, công chính , nhưng bên trong là gian ác, tà tâm. Tội của dân Israel như thế cũng là tội khước từ vâng lời Giavê Thiên Chúa, khước từ tin tưởng nơi Thiên Chúa và phó thác cho Người. Bên ngoài xây mồ mả cho ngôn xứ , người công chính và loan báo không thỏa hiệp với những người đã giết họ, nhưng bên trong đang toan tính giết Đức Giêsu, Chúa nói " các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi " rồi thì " tất cả những tội ấy sẽ đổ xuống đầu thế hệ này." 
Ðức Giêsu thương tiếc thành Giê-ru-sa-lem
Tất cả những tội ấy sẽ đổ xuống đầu thế hệ này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang mặc cho các ngươi cho đến khi các ngươi nói: Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa!
Tất cả những tội ấy đã đổ xuống đầu thế hệ này cho dân Israen, vào năm 70, Giêrusalem bị phá huỷ hoàn toàn bởi người La Mã. Sự sụp đổ nầy, và sự sụp đổ tới sau của Masada, đã làm tiêu tan Israrel trong vai trò một quốc gia, Hầu hết Kitô hữu đều đã trốn khỏi thành Giê-ru-sa-lem trước giờ sau cùng của nó, Họ phân tán khắp nơi trên thế giới từ Tây Âu đến Nam Âu, Đông Âu và thậm chí là cả Bắc Mỹ. Đó là thánh ý Chúa , Chúa tạo điều kiện cho một Hội thánh non trẻ phát xuất từ gốc rễ Do Thái, biến thành một thực thể có tính toàn cầu tách ra khỏi Israel và được có lai lịch riêng của nó giữa vòng các dân ngoại, mang lấy một sứ điệp cho cả thế gian. Nhưng dù đi đến đâu người Do Thái vẫn duy trì nền văn hóa và bản sắc riêng của họ, đặc biệt là khát vọng phục quốc cháy bỏng vì một tương lai trở về thánh địa Jerusalem với niềm tin Thiên Chúa sẽ giúp cho dân Người dù dân Do Thái đã nhiều lần bất trung với Thiên Chúa, họ vững tin vào tìn yêu của Người, Người sẽ tha thứ và đón đứa con hoang đàng trở về đất thánh.
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, một làn sóng ồ ạt những người Do Thái sống sót sau cuộc diệt chủng của Phát xít Đức quay trở về Palestine dưới sự hậu thuẫn của Mỹ. Họ dùng tiền mua lại đất của người Palestine bản địa nhằm thành lập nhà nước Israel. Điều này bắt đầu làm các nước Ả Rập lo sợ. Ngày 14/5/1948 tại Tel Aviv, nhà nước Israel sau gần 1900 năm lại được thành lập. Ngay ngày hôm sau, các quốc gia Ả Rập bao gồm Ai Cập, Syria, Jordan, Iraq và Lebanon đồng loạt tấn công Israel nhằm bảo vệ người anh em Hồi Giáo Palestine. 
Theo văn phòng trung ương thống kê Israel, tới cuối năm 2004, 76,2% người Israel là người theo Do Thái giáo, 16,1% là Hồi giáo, 2,1% Kitô giáo, 1,6% Druze (tôn giáo khởi nguồn từ Abraham, xác quyết niềm tin của mình vào Thiên Chúa.) và số còn lại 3,9% (gồm cả những người nhập cư từ Nga và một số người Do Thái) được xem là không tôn giáo.

Giêrusalem
 



Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

SƯU TẦM - Linh Mục và nguồn gốc trong Cựu Ước

Linh Mục và nguồn gốc trong Cựu Ước

Lm Matthew Nguyễn Khắc Hy, SS
Nhân dịp kỉ niệm 150 năm ngày chết của thánh Gioan Vianney, bổn mạng các linh mục, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã công bố Năm Linh Mục bắt đầu từ ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu 19-6-2009 đến 19-6-2010. Chúng tôi sẽ có một số những bài viết về nguồn gốc hình thành, lịch sử phát triển, nền tảng thần học, và những giáo huấn của giáo hội về chức năng Linh Mục trong suốt Năm Linh Mục này. Các bài viết do cha Matthew Nguyễn Khắc Hy S.S., giáo sư đại chủng viện và đại học St. Mary’s phụ trách.
Mở đầu
Trong tập sách nhỏ Được Kêu Gọi Hiệp Thông: Hiểu Về Giáo Hội Ngày Nay,[1] trong phần đầu của chương bốn, Hồng Y Ratzinger, nay là Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI, đã viết đến những khó khăn khi tìm hiểu về nguồn gốc của chức linh mục. Phần lớn các tài liệu thần học nói đến chức linh mục đều bắt đầu trong thời kì Tân ước, hay đúng hơn là bắt đầu với Chúa Giêsu Kitô.
Sở dĩ như vậy vì chức năng linh mục mà chúng ta đọc thấy trong những giáo huấn hiện đại, hay trong cách hiểu của chúng ta hiện nay, đều nói đến tính cách giáo chức (ecclesiastical office) của chức năng này. Trong lịch sử, những giáo huấn hay cách hiểu này không trùng hợp với chức năng Tư Tế mà Do Thái giáo hiểu trong Cựu Ước. Và tác giả sách Tân Ước cũng không dùng từ “hiereus” để chỉ giáo chức như ta hiểu ngày nay.
Tác giả thư gởi tín hữu Do Thái nhiều lần dùng từ “hiereus” là kết hợp sự hiểu biết giữa vai trò Tư Tế trong Cựu Ước với thần học cứu chuộc qua Cuộc Sống, Sự Chết và Sự Sống Lại của Đức Giêsu Kitô (mà thần học gọi tắt là Sự Kiện Vượt Qua – Paschal Event). Nghĩa là, tác giả thư này muốn nói đến Đức Giêsu Kitô là người thi hành chức năng của một Tư Tế được hiểu trong Cựu Ước: là việc Ngài dâng của lễ hi sinh lên Thiên Chúa để xin ơn tha tội.
Chỉ có điều là đến thời kì này, chính Đức Giêsu Kitô là vị Thượng Tế đã dâng của lễ là chính mình để đền tội cho loài người: “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.” (Dothái 9:14).[2]
Vì cách hiểu của tác giả Tân Ước khá xa lạ với những gì chúng ta đang hiểu về chức năng linh mục hiện tại, việc tìm hiểu và so sánh chức năng linh mục hiện tại với quá khứ cần được xác định rõ ràng.
Hơn nữa, để tìm lại nguồn gốc lịch sử chức linh mục, nhất là trong hai thế kỉ đầu của giáo hội, chúng ta gặp hai khó khăn chính: a) không có những tài liệu rõ ràng, chính xác và đáng tin cậy ghi lại sự hình thành chức vị này; và b) sự hình thành phẩm trật giáo hội Kitô giáo (hàng giám mục, phó tế và linh mục) diễn tiến theo hình thức đáp ứng những yêu cầu về tổ chức của giáo hội phát triển thời bấy giờ hơn là những gì đã có sẵn hay được ghi lại trong Bốn Tin Mừng.[3]
Trong những bài sắp tới, chúng ta sẽ tìm hiểu về nguồn gốc hình thành, nền tảng thần học, lịch sử phát triển và những giáo huấn của giáo hội về chức năng và con người linh mục của giáo hội Công giáo. Đồng thời chúng ta cũng so sánh chức năng này giữa giáo hội Công giáo (La Mã) và những giáo phái khác trên thế giới. Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu thêm sự khác nhau về căn tính linh mục mà tất cả các Kitô hữu đều lãnh nhận qua bí tích thanh tẩy (rửa tội), hay còn được gọi là “chức tư tế cộng đồng”, và chức linh mục của một số những người được chọn để lãnh nhận trong giáo hội (mà ta gọi là các linh mục/ các cha).
Từ Ngữ
Khó khăn đầu tiên khi học hỏi về chức năng linh mục là vấn đề danh xưng hay từ vựng được dùng để chỉ chức năng này. Trong thần học của giáo hội, những bản dịch kinh thánh sớm nhất từ Hi Lạp sang Latin, các dịch giả dùng từ “sacerdos” (Latin) để dịch từ “hiereus” (Hi Lạp) trong Tân Ước. Cả hai từ này đếu có mang ý nghĩa “hiến tế - cúng dâng lễ vật” và nói đến vai trò của các Tư Tế liên quan đến Đền thờ và các nghi thức tế lễ. Những yếu tố này liên quan đến hình ảnh Tư Tế quen thuộc của Do Thái giáo trong Cựu Ước, hình ảnh của các Tư Tế trong dòng dõi Lêvi dâng lễ trong các đền thờ.
Cũng trong những thế kỉ đầu của giáo hội, danh từ “presbyteros” (Hi Lạp) hay “presbyter” (Latin) được dùng đồng nghĩa với “hiereus” trong giáo hội Công giáo để chỉ những người làm chức năng tư tế.
Thực ra, danh từ “presbyteros” nguyên nghĩa là “người già/ người lớn tuổi” (mà thỉnh thoảng trong thánh kinh Việt Nam dịch là “trưởng lão”). Những “presbyteroi (số nhiều)” này không là những Tư Tế. Trong lịch sử Do Thái giáo, “presbyteros” đóng vai trò cố vấn hay lãnh đạo một cộng đoàn hơn là làm công việc tế tự (i.e, dâng của lễ). Vì thế, những Kitô hữu tiên khởi gọi những vị lãnh đạo trong giáo hội của họ là “presbyteros” hay “espiskopos” (từ episkopos ngày nay dịch là giám mục; từ presbyteros ngày nay ta thường lịch là linh mục. Trong thời kì đầu của giáo hội, hai danh từ này được dùng đồng nghiã với nhau để chỉ một chức vụ hay con người). [4]
Trở lại tiếng Việt Nam, chúng ta dùng danh từ “linh mục” để dịch từ “sacerdos” hay “presbyter” (mà tiếng Anh dịch ra là Priest và tiếng Pháp Prêtre) thì hoàn toàn không lột tả được những yêu cầu về ý nghiã thần học của nó. Vì từ “sacerdos” hay “presbyter” mang ý nghĩa Tư Tế, còn từ “linh mục” mang ý nghiã “coi sóc các linh hồn”. Từ “linh mục gắn liền với chức năng mục vụ (dịch sát nghiã theo danh từ “pastor” là người chăn chiên, là mục tử.)[5]
Vì tiếng Việt Nam đã dùng từ “Linh Mục” quá phổ biến để nói đến các “Priests - hay Prêtres”, người viết cũng sẽ dùng danh từ này cho quen thuộc với độc giả, mặc dù danh từ này không lột tả được ý nghĩa thần học muốn nói. Phần lớn ý nghĩa thần học của chức năng linh mục trong những bài viết này được hiểu theo nghiã Tư Tế hơn là Mục Tử.
Nguồn Gốc Chức Năng Linh Mục Trong Cựu Ước
Hầu hết các bài viết về thần học tìm hiểu chức năng linh mục như giáo hội Công giáo hiểu ngày nay đều bắt đầu bằng việc trở lại trong Tân Ước, vì hai lí do: (1) nói đến chức linh mục trong Tân Ước, tác giả thư gởi tín hữu Do thái liên kết chức năng này với Chúa Giêsu Kitô là vị Thượng Tế (Heb 3:1) (hay có người gọi là Chúa Kitô Linh Mục Thượng Phẩm); (2) hình ảnh và chức năng linh mục mà tác giả thư gởi Do Thái nói đến rất khác với hình ảnh và chức năng Tư Tế của Do thái giáo trong Cựu Ước.
Tuy nhiên, chúng ta không thể hiểu chức năng linh mục bắt nguồn từ Chúa Giêsu Kitô Linh Mục trong Tân Ước, mà không thấy sự liên hệ của chức năng này trong Cựu Ước.
Trong Cựu Ước, chức năng Tư Tế có nhiều giai đoạn hình thành khác nhau nên được hiểu bằng nhiều cách khác nhau.
Trong thời kì sơ khai, chức Tư Tế không là một giai cấp riêng biệt. Thời kì các đấng tổ phụ, thường là những người cha trong gia đình, làm công việc của vị Tư Tế như dâng cúng lễ vật hi sinh (xem Abraham chuẩn bị hiến tế Isaac trong Gen 22:2; hay Jacob dâng tế lễ Gen 31:54).[6] Khi xã hội Israel phát triển và có tổ chức chặt chẽ, dân Israel bắt đầu thiết lập phẩm trật với một chức năng Tư Tế riêng, và có tính cách chuyên môn.
Lần đầu tiên kinh thánh nhắc đến chức năng chuyên môn và riêng biệt của Tư Tế Aaron trong Sách Xuất Hành “Phần ngươi, hãy tách Aharon, anh ngươi, và các con ông ra khỏi hàng ngũ con cái Ít-ra-en, để ông ở bên cạnh ngươi mà thi hành chức tư tế phục vụ Ta: Aharon và các con của Aharon là Na-đáp, A-vi-hu, E-la-da và I-tha-ma.” (Exo 28:1). Và luật lệ cũng qui định là chỉ có những người thuộc dòng dõi Aaron trong chi họ Levi mới được thực hiện những nghi lễ hiến tế trong Đền Thờ và trước Lều Tạm (Num 3:32; 25:11ff; 35:25, 38; Neh 12:10-12).
Câu hỏi được đặt ra là tại sao con cháu Aaron, chi họ Lêvi, được Thiên Chúa chọn? Có nhiều giải thích khác nhau, nhưng giải thích được nhiều người tán thành là vì chi họ Lêvi là những tôi tớ trung thành canh giữ Lều Tạm Chúa, và cũng là những người trung thành với Môisê khi nhiều người Israel bỏ Yahweh để thờ bò vàng (Exo 32:26-29). Lòng trung thành là nguyên nhân phần thưởng Chúa chọn.
Khi chức năng Tư Tế trở nên chuyên môn, bản thân các Tư Tế cũng đòi hỏi kiến thức và tài năng,[7] và một chi họ được Thiên Chúa chọn (họ Levi) để làm công việc này.[8]
Ý nghĩa thần học chức năng Tư Tế của chi họ Lêvi có nhiều liên quan đến việc tìm hiểu chức năng Tư Tế được nói đến trong Tân Ước.
Trong Cựu Ước, các chức năng Tiên tri, Quan Án và Vua không là “Ơn Gọi” hay “Đặc Sủng” (charism) như ta hiểu ngày nay. Họ là những người được Thiên Chúa ban cho những ân huệ và được Thiên Chúa gọi để làm các chức vụ này. Riêng với chức Tư Tế thì Thiên Chúa không chỉ chọn từng cá nhân mà chọn một dòng họ (chi họ) Levi. Vì thế Tư Tế phải là người sinh ra trong dòng họ Levi. Nếu hiểu theo nghĩa là Thiên Chúa chọn các Tư Tế thì phải hiểu là Ngài đã quan phòng cho họ được sinh ra trong dòng họ Levi. Có như thế ta mới hiểu được đoạn kinh thánh trong thư gởi tín hữu Do thái 5:1, 4 “Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội….. Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi.”
Cũng với quan niệm chức năng Tư Tế, trong Cựu Ước toàn dân Israel được gọi “là một vương quốc tư tế, một dân thánh.” (Exo 19:6). Vì thế, các vị Tư Tế, dù không được kêu gọi theo nghĩa “Ơn Kêu Gọi” ngày nay, các vị này cũng đòi hỏi phải sống thánh thiện, vì cả một dân tộc là thánh (Lev 19:2)
Hơn nữa, vì Thiên Chúa là Đấng Thánh (Lev 19:2), nên những nghi thức dâng lên Ngài đòi hỏi phải thánh. Nói chung, tất cả những gì liên quan đến nghi thức tế lễ cho Thiên Chúa đều phải được thánh hiến.
Quan trọng nhất là con người (các Tư Tế) phải là người của sự thánh thiện: Sách Lêvi nói: “Chúng sẽ được thánh hiến cho Thiên Chúa của chúng và không được xúc phạm đến danh Thiên Chúa của chúng, vì chúng là những người tiến dâng lên ĐỨC CHÚA các lễ hoả tế, là thức ăn dành cho Thiên Chúa của chúng; chúng phải sống thánh thiện…. Ngươi phải coi nó là thánh, vì nó là người tiến dâng thức ăn dành cho Thiên Chúa của ngươi: đối với ngươi, nó sẽ là thánh, vì Ta là Đấng Thánh, Ta, ĐỨC CHÚA, Đấng thánh hoá các ngươi.” (Levi 21:1-8). Họ buộc phải giữ mình thanh sạch trước khi dâng của lễ, như phải tắm rửa theo luật qui định, phải đeo dây hay mặc y phục như nghi thức đòi hỏi, họ phải kiêng khem việc vợ chồng trong thời gian thi hành chức vụ chủ lễ.
Công Việc của Các Tư Tế Trong Cựu Ước
Trong sách Đệ Nhị Luật, nói đến Ba chức năng căn bản của Tư Tế (Deut 33:8-10).
Thứ nhất là Kiếm Tìm Ý Chúa và Loan Báo cho dân biết. Trong cung thánh của Đền Thờ, các Tư Tế bốc thăm thẻ Urim và Thummin, đây là một hình thức tìm ý Chúa qua những lá thăm chọn lựa, muốn biết ý Chúa nói gì trong hoàn cảnh cụ thể (1 Sam 14:41-42). Với người dân Israel, họ vào cung thánh Đền Thờ là để “tìm kiếm ý Chúa” mà các Tư Tế là những dụng cụ Thiên Chúa dùng để mặc khải cho dân chúng.
Trong thời quân chủ, chức năng này mai một dần vì chức năng Tiên Tri chiếm dần vai trò bày tỏ ý định của Thiên Chúa cho dân hay cho nhà vua thay vì vị Tư Tế, nghĩa là những Ngôn Sứ này nói nhân danh Chúa. Đến thời kì gọi là Đền Thờ Thứ Hai (sau khi lưu đày ở Babaylon, khoảng 536 B.C) chức năng Tư Tế với tư cách “nói nhân danh Chúa” dần dần mất ảnh hưởng; và đến thể kỉ 2 B.C. thì gần như không còn nữa, nhường lại cho các Tiên Tri.[9]
Dù ngày nay chức năng Tư Tế trong Do thái giáo không còn là người truyền đạt ý định Thiên Chúa cho dân, nhưng ta cũng không quên là trong quá khứ, đây là một phần quan trọng cúa chức năng này. Và việc này ảnh hưởng đến cách thức Kitô hữu hiểu về chức năng Linh Muc sau này.
Thứ hai là chức năng Giảng Dạy được nhắc trong Đệ Nhị Luật 33:10 “Họ dạy những quyết định của Ngài cho nhà Giacóp, luật của Ngài cho Ítraen.” Luật của Thiên Chúa được các Tư Tế giảng dạy, truyền đạt cho dân (xem Jer 18:18). “Thật vậy, môi của tư tế chất chứa sự hiểu biết và người ta tìm điều Luật dạy nơi miệng nó.” (Mal 2:6).
Cũng nên biết rằng đối với đạo Do Thái, luật của Chúa là trọng tâm đời sống tín hữu. Luật được ghi khắc trong tâm khảm mọi người, là mẫu mực và luôn được nhắc đến trong mọi sinh hoạt cuộc sống. Có thế ta mới hiểu được tầm quan trọng của người dạy Luật cho dân chúng. Môisê nói: “Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh (em) hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh (em)…. Mệnh lệnh đó không ở trên trời…không ở bên kia biển… lời đó ở rất gần anh (em), ngay trong miệng, trong lòng anh (em), để anh (em) đem ra thực hành.” (Deut 30:11-14).
Và cũng vào cuối thời kì Đền Thờ Thứ Hai, chức năng Dạy này cũng mất dần, và chuyển sang cho một nhóm khác là Rabbi (nghĩa đen là Thầy Dạy). Chính Chúa Giêsu cũng được các môn đệ và người khác gọi là Rabbi - Thầy.
Điều đáng chú ý với giáo dân Do Thái bấy giờ là Tư Tế hay Rabbi, khi đã dạy thì không phân biệt đạo với đời, vì tôn giáo và xã hội được đồng hoá trong cùng một tổ chức. Vì thế Thầy Dạy được kính trọng như những người khai sáng tâm trí cho người khác cả đạo và đời.
Thứ ba là chức năng Dâng Cúng những lễ vật hi sinh và dâng hương lên Thiên Chúa. Trong Đệ Nhị Luật nói: “Họ dâng hương thơm để Ngài thưởng thức, và lễ toàn thiêu trên bàn thờ Ngài” (Deut 33:10).
Vì hai chức năng trước đã chuyển qua cho Tiên Tri và các Rabbi, nên chỉ còn chức năng này là chính yếu cho công việc của các Tư Tế. Nhiều người chỉ hiểu một chức năng này của Tư Tế trong Cựu Ước, nên khi học về chức năng Linh Mục trong Tân Ước, họ lầm tưởng Linh Mục cũng chỉ hiến dâng lễ vật mà thôi.
Tác giả thư gởi tín hữu Do Thái viết: “Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội” (Heb 5:1). Tư tưởng “làm đại diện cho loài người" nói lên những đối tác giữa Thiên Chúa và con người.
Trong ba chức năng đã nói ở trên (Tìm kiếm và truyền đạt ý Chúa - Giảng Dạy – Dâng Hiến Lễ Vật), hai chức năng đầu nói đến tương quan theo chiều dọc từ trên xuống, nghĩa là từ Thiên Chúa đến với con người, và chức năng thứ ba là từ con người đến với Thiên Chúa.
Mẫu số chung của cả chức năng là vị Tư Tế chính là người trung gian, là nhịp cầu bang giao giữa Thiên Chúa và con người. Đây cũng là tư tưởng để hiểu chức năng Tư Tế của Chúa Giêsu, và với một hình thức mở rộng, của chức năng linh mục trong giáo hội ngày nay.
Tóm lại, dù chức năng Tư Tế trong Cựu Ước có nhiều điểm xa lạ đối với chức năng linh mục trong giáo hội ngày nay, chúng ta không thể hiểu chức năng Tư Tế của Chúa Giêsu nếu không hiểu chức năng Tư Tế trong Cựu Ước thế nào, và dĩ nhiên ta không thể hiểu chức năng linh mục ngày nay nếu không hiểu chức năng Tư Tế Chúa Giêsu thế nào.
Chú thích:
[1] Nguyên tác là “Zur Gemeinschaft gerufen: Kirche heute verstehen” (Herder, Freiburg im Breisgau, 1991).
[2] Chúng ta sẽ tìm hiếu thêm về chức năng Tư Tế mà tác giả nói đến Chúa Giêsu Kitô trong thư gởi Do Thái trong một bài sau này. Xin đọc thêm thêm Heb 9:11-14; 9:28; 10:8-18.
[3] Trong Bốn Tin Mừng (Mt, Mk, Lk, Jn) không hề nhắc đến từ “hiereus -Tư Tế” (priest) hay chức năng Tư Tế (priesthood) của Chúa Giêsu hay của các tông đồ, nhưng trong Công Vụ Tông Đồ và nhất là thư của Phaolô và Phêrô nói đến chức năng giám mục (episkopos) và phó tế (diakonos) khá rõ ràng. Chức linh mục (như “sacerdos” mà ta hiểu ngày nay) thì tìm thấy trong tài liệu các thánh Giáo phụ chứ không thấy trong Tân Ước.
[4] Trong những thư của thánh Phaolô, Ngài dùng danh từ “espiscopos” và không bao giờ dùng từ “presbyteros” để nói đến vai trò lãnh đạo của những “trưởng lão”, hay những người đứng đầu cộng đoàn. Nhưng trong Công Vụ Tông Đồ, Luca dùng cả hai danh từ, nhưng từ “presbyteros” nhiều hơn “episkopos”. Trong những bài viết về lịch sử Linh Mục trong Tân Ước, tôi sẽ giải thích rõ hơn về mối tương quan của hai từ này.
[5] Người Công Giáo Trung Hoa gọi “Linh Mục” là 神父(神 có nghĩa là “thần” hay còn có nghĩa là “thiêng” như 精神的 hay灵性的. Còn từ 父 là “người cha.) Họ gọi linh mục là “người cha thiêng liêng”. Tiếng Việt cũng hiểu theo nghiã này: linh mục là người coi sóc thiêng liêng, hay coi sóc phần hồn. Từ “Linh Mục” được dịch nghiêng theo nghĩa của từ “Pastor (Latin)” có nghĩa là “vị mục tử” hơn là từ “sacerdos” có nghĩa là “một tư tế dâng hi lễ.” Một bên nặng về thần học nói đến chức năng cứu độ (Tư Tế), một bên nặng về quản trị mục vụ của cộng đoàn (Mục Tử chăn đoàn chiên).
[6] Ta có thể đọc thêm chuyện ông Micah trong sách Thủ Lãnh để biết ông đã đặt con trai ông là chức tư tế. Nhưng khi hay biết có một người dòng họ Lêvi ghé qua, ông đã trao trách vụ tế tự này cho người Lêvi đó (xem Thủ Lãnh 17:1-13). Hoặc chuyện Gideon (Thủ Lãnh 6:20-28) và tiên tri Elijah (I Các Vua 18:30-38) để biết rằng những người này dâng hiến lễ cho Chúa nhưng không là Tư Tế. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng phẩm trật Tư Tế phát triển mạnh vào cuối thời kì gọi là Đền Thờ Thứ Nhất (khoảng thế kỉ 7 B.C.). Nhiều người khác cho rằng có sự khác nhau giữa vai trò người dân dâng hiến lễ và Tư Tế dâng hiến lễ trong một thời gian khá dài (từ thế kỉ 11 đến thế kỉ 7 B.C.). Với những người này, họ tin là người dâng có thể chủ sự dâng lễ vật trên các Bàn Thờ ngoài Đền Thờ. Đến thời kì cải cách tôn giáo của vua Josiah xứ Judah (khoảng 622 B. C.), những nghi thức dâng lễ vật trên bàn thờ ngoài đền thờ bị cấm, và những hi lễ phải được dâng trong Đền Thờ Jerusalem. Lúc này thì vai trò chủ lễ trong Đền Thờ chỉ dành cho Tư Tế mà thôi.
[7] Từ chuyên môn đây không có nghiã thương mại, nhưng nói đến người được giao trách nhiệm dành nhiều thời gian và trí lực cho việc nhà chúa. Họ nghi thức hoá các cách thức tế tự, và đưa thành luật hay lệ những cử điệu, trang phục, của lễ v.v…
[8] Khi chi tộc Levi được chọn làm chi tộc chuyên giữ chức vụ Tư Tế, họ sống nhờ vào chức năng chuyên môn Tư Tế của mình, nhờ vào tiền của dâng cúng của tín hữu, và không có tên trong danh sách chia Đất Hứa của dân Israel, vì không phải đất nhưng Chúa là gia nghiệp của họ. Sách Dân Số ghi: “ĐỨC CHÚA phán với ông A-ha-ron: "Đất chia cho chúng, ngươi sẽ không có phần; ngươi không có gia nghiệp ở giữa chúng, và chính Ta là gia nghiệp của ngươi giữa con cái Ít-ra-en. Đây Ta ban cho con cái Lê-vi làm gia nghiệp tất cả thuế thập phân dân Ít-ra-en nộp, vì họ có công phục dịch Lều Hội Ngộ.” (Num 18:20-21).
[9] Vì thế chúng ta đọc thấy trong sách Ezra 2:63 và trong Nơkhemmia 7:65 ám chỉ: “Quan tổng đốc cấm họ không được ăn của thánh cho đến khi có một tư tế đứng lên xem thẻ xăm u-rim và tum-mim.”
Lm Matthew Nguyễn Khắc Hy, SS
URL: http://danchuausa.net/than-hoc-thanh-kinh/linh-muc-va-nguon-goc-trong-cuu-uoc/