Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Sưu tầm : Thứ năm tuần thánh

Thứ Năm Tuần Thánh
 Chúa Giêsu Thiết Lập BÍ TÍCH THÁNH THỂ - THIÊN CHỨC LINH MỤC - GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG
Ngày 7/4 hàng năm đã trở thành ngày toàn quốc hiến máu cứu người, và đã có rất nhiều người thuộc nhiều thành phần xã hội, tôn giáo tích cực hưởng ứng phong trào hết sức có ý nghĩa này, mỗi giọt máu được cho đi đã trở thành cơ hội cứu sống một mạng người, và thực tế nhiều người đã được cứu sống, được tai qua nạn khỏi nhờ những giọt máu tình thương ấy. Những người nhận máu có khi không biết những giọt máu kia từ đâu ra, còn những người hiến tặng, thì chỉ nghĩ rằng họ đã làm một việc nghĩa, một việc nhân đạo. Cho người khác, cơm bánh tiền bạc, thời giờ sức lực đã là việc làm đáng quý, thì việc trao tặng chính dòng máu của mình, sức sống của mình để cho người khác được sống lại càng đáng trân trọng hơn nữa.
Kính thưa quý ông bà anh chị em, hôm nay trong bầu khí linh thiêng thánh thiện của buổi chiều Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta như được sống và hiện diện trong khung cảnh của bữa tiệc ly của Chúa Giêsu và các tông đồ. Nơi đây, chúng ta được chứng kiến sự hy sinh và tình yêu đến tột cùng của Chúa Giêsu dành cho nhân loại qua việc Ngài trao tặng cho nhân loại máu thịt và chính mạng sống của Ngài trong Bí Tích Thánh Thể để đem lại sự sống cho con người, và kéo dài tình yêu thương qua việc thiết lập Chức Linh Mục, cùng dạy các tông đồ giới răn yêu thương và tinh thần phục vụ.
Chiều ngày Thứ Năm năm ấy, theo truyền thống và luật Mose truyền lại, Chúa Giêsu và các môn đệ cùng bước vào phòng tiệc ly để cử hành biến cố Vượt Qua mà Thiên Chúa đã thực hiện để cứu dân Do Thái ra khỏi đất Ai Cập, nghi thức chính yếu của buổi lễ này là việc sát tế con chiên và ăn bữa tiệc vượt qua; và vì là một nghi lễ trang trọng và linh thiêng, nên các chi tiết của bữa tiệc này đã được quy định hết sức chi tiết như trong bài đọc một chúng ta vừa nghe.
Tuy nhiên, khác với những lần cử hành lễ Vượt Qua trước đây, hôm nay Chúa Giêsu bước vào phòng tiệc trong tư cách chính ngài là Con Chiên Vượt Qua sắp bị hiến tế. Thánh Gioan đã ghi lại cảm nghiệm về buổi chiều này: Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ Người phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình và đã yêu thương họ đến cùng. Giống như người cha sắp sửa đi xa, Chúa Giêsu đã không giấu được cảm xúc và tình yêu thương của một người cha dành cho các con, của người thày dành cho học trò của mình trước khi chia tay mãi mãi, và Ngài đã dành cho họ một tình yêu đến tột cùng.
Vì yêu cho đến cùng, và muốn ở lại mãi với người mình yêu, Chúa Giêsu, đã có một sáng kiến tuyệt vời, Ngài cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: Các con hãy cầm lấy mà ăn, vì này là mình Thày; Các con hãy cầm lấy chén này, đây là máu Thày, máu giao ước mới sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội, trước sư ngỡ ngàng của các tông đồ. Với việc làm này, Chúa Giêsu đã biến tấm bánh ấy trở nên chính thân mình của Ngài, và làm cho chén rượu trở nên máu của Người. Tấm bánh được bẻ ra, là chấp nhận sự tan nát, và biến thành lương thực nuôi sống người mình yêu thương, và chén rượu ấy biến thành máu của ngài, máu chảy ra, chấp nhận sự đau dớn, xẻ thân nát thịt, để trở nên của uống, và là sức mạnh tẩy rửa tội lỗi cho cả nhân loại.
Biến mình trở nên của ăn của uống, Chúa Giêsu, đã hóa nên lương thực để đáp ứng cho nhu cầu căn bản của con người, và không chỉ như thế, khi yêu nhau, người ta muốn nên một với nhau ở trong nhau gắn bó với nhau, thì cũng vậy, trở nên của ăn của uống Chúa Giêsu muốn được ở lại mãi với con người, và còn được người mình yêu thương nhai và nuốt để được đi vào trong tâm hồn, trong từng đường gấn thớ thịt của người mình yêu và cùng chung một nhịp thở, một nhịp đập của trái tim với người mình yêu.
Không dừng lại đó, Chúa Giêsu còn muốn hoàn toàn lệ thuộc vào người mình yêu, khi quyết định đặt trọn cả con người của mình vào tay nnhững người mình yêu thương, khi tuyên bố: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày. Với lời này, Chúa Giêsu đã chấp nhận đặt mình hoàn toàn trong tay của các môn đệ, và cũng với lời này, Chúa Giêsu đã tuyển chọn các tông đồ trở thành những Linh mục đầu tiên của giao ước mới, là những người sau này sẽ nhân danh Ngài, và cùng với Ngài nối dài hy lễ và sự hy sinh hiến tế của Chúa cho nhân loại. Chọn và ban chức linh mục cho các tông đồ vào giây phút long trọng, đầm ấm, yêu thương và cảm đông này, Chúa Giêsu đã hoàn toàn tin tưởng và thậm chí “liều lĩnh” khi làm như thế, chỉ vì sự thúc đẩy của tình yêu của một con người, của một vị Thiên Chúa đã muốn yêu các môn đệ của mình cho đến tận cùng, không còn tiếc điều gì nữa, dù biết rằng các ông chưa phải là những con người thánh thiện, cũng không phải là những con ngừơi hoàn hảo, dù biết trước rằng trong các ông sẽ có người phản bội, sẽ có những người từ chối mình và có những người hèn nhát không dám nhận có liên hệ với mình, nhưng vì yêu mà Chúa Giêsu đã trao cho họ tất cà như thế.
Trong khung cảnh của đêm tiệc ly ấy, Chúa Giêsu đã gây ra hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, khiến cho các tông đồ cứ như ngây ra để nhìn mà không hiểu Thày mình đang làm gì. Thánh Gioan đã ghi lại từng động tác hết sức chậm rãi và nhiều ý nghĩa của Chúa Giêsu: đang bữa ăn, Người đứng dậy rời khỏi bàn ăn, cởi áo ngoàì ra, và lấy khăn thắt lưng, rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, và lấy khăn thắt lưng mà lau. Đứng dậy rời khỏi bàn ăn, Chúa Giêsu như rời bỏ địa vị của mình, vị trí là một người thày, một người chủ, Ngài cởi áo ngoài ra, tức là cởi bỏ cả con người, cả mạng sống của mình để sẵn sàng cho đi, lấy khăn thắt lưng, tức là đã mang vào mình tư thế thái độ của một người đầy tớ một người phục vụ để cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.
Cúi xuống rửa chân cho các mộn đệ, đó là việc làm chưa bao giờ xảy ra, vì chỉ có nô lệ mới phải rửa chân cho chủ, vậy mà hôm nay, Đức Giêsu đã chấp nhận hạ mình xuống và hiến thân mình trở nên như một kẻ nô lệ để phục vụ để yêu thương học trò của mình. Ngài đã không chỉ rửa chân cho các tông đồ, mà còn cần thận lấy khăn thắt lưng mà lau, Ngài rửa chân và lau đi cả sự bụi bặm bẩn thỉu của sự phản bội như bàn chân của Giuda, Ngài lau khô cả bản chân của con người bạc bẽo Simon Phêrô, và các bàn chân hèn nhát của các tông đồ khác, việc làm này qủa thật đã khiến các môn đệ không thể hiểu, không thể tưởng tượng được. Chính vì thế Simon Phêrô đã phản ứng mạnh mẽ: Không đời nào con để Thày rửa chân cho con! Chúa Giêsu đã cho ông biết: Nếu anh không được Thày rửa chân thì anh sẽ không được chung phần với Thày.
Thưa quý ông bà anh chị em, chắc chắn, lúc đó Simon Phêrô không thể hiểu được Đức Giêsu muốn nói gì, chỉ khi Chúa Giêsu trở về vị trí, Ngài giải thích cho các ông, thì bài học lúc này mới trở nên rõ ràng: Nếu ta là Thày và là Chúa mà Thày còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng hãy rửa chân cho nhau, Thày đã làm gương cho anh em, để anh em cũng hãy làm như Thày đã làm.
Hãy làm như Thày đã làm - Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài xâu chuỗi lại tất cả các bài học qua các việc làm của Chúa trong bữa tiệc, để rồi các ông cũng sẽ phải làm như Thày đã nêu gương. Chúa muốn mỗi người môn đệ rửa chân cho nhau là dám cởi bỏ con người cùng với cái tôi kiêu hãnh, thắt dây thắt lưng là sự khiêm tốn hiền hòa, dám chấp nhận cúi xuống, hạ mình để anh em được vươn cao được lớn lên, để dám hiến thân và phục vụ. Cúi xuống rửa chân cho anh em, là dám vất bỏ tính tự cao tự đại, tự ái để bước đến để yêu thương và chia sẻ mà không so đo tính toán thiệt hơn.
Hãy làm như thày đã làm là còn phải dám bẻ nát cuộc đời của mình để trao tặng cho anh em, là chấp nhận để cho người khác cầm lấy, ăn và nhai, cho dù rằng việc bẻ vụn, việc nhai nghiến sẽ làm cho cuộc đời chúng ta đau đớn mất mát, là dám chấp nhận tan nát cõi lòng, chảy máu con tim vì yêu thương anh em đồng loại.
Các bậc cha mẹ hãy làm như Chúa đã làm cho con cái mình, hãy biến gia đình mình thành căn phòng tiệc ly nơi đó đầy ắp tình yêu thương ấm cúng, sư tận tụy hy sinh của cha mẹ dành cho con cái và cả sư hiến thân mình của cha mẹ, biến những giọt mồ hôi và cả những giọt nước mắt của đau khổ hàng ngày, cùng với những giọt máu hy sinh thầm lặng của cha mẹ thành những bữa cơm gia đình ấm cúng thân thương cho cả nhà.
Còn những người con và các bạn trẻ cũng hãy dám học theo bài học của Chúa Giêsu hãy dám cúi xuống rửa chân cho nhau bằng việc cống hiến tuổi trẻ và khả năng của mình để gieo trồng tình yêu thương vào trong gia đình và trong thế giới hôm nay. Amen
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét