Ðức
Giêsu lập phép Thánh Thể
(26)
Cũng đang bữa ăn, Ðức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời
chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: "Anh em
cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy". (27) Rồi Người
cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói:
"Tất cả anh em hãy uống chén này, (28) vì đây là máu
Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.
(29) Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống
thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày ấy, ngày Thầy
được cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha
Thầy".
1. Đêm Thứ Năm Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể
Cách đây hơn hai ngàn năm, trong một đêm thứ năm tại “một căn phòng rộng rãi trên lầu” (Lc 22,12) mà sau nầy được gọi là Nhà Tiệc Ly , trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu đã lập Phép Thánh Thể để nói lên tình yêu vô bờ bến của Ngài đối với loài người chúng ta: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế hian, và Người vẫn yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Trong đêm chia ly Thứ Năm này, Chúa Giêsu đã làm một việc vô cùng phép tắc và cảm động không bút nào tả nổi, là đem tình thương vô biên của Ngài để thắng hận thù điên cuồng của loài người chúng ta, bằng cách lập Phép Thánh Thể để ở lại với loài người chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Trong khi loài người đầy hận thù tức tối, quyết tiêu diệt Chúa Giêsu ra khỏi trần gian, thì Chúa Giêsu lại lập Phép Thánh Thể để ở lại với loài người.
Irong khi loài người điên cuồng, với bất cứ giá nào, cũng quyết tẩy chay cho kỳ được Chúa Giêsu ra khỏi cuộc sống trần gian này, thì Chúa Giêsu, đầy lòng nhân từ tha thứ, tuy để cho loài người hả cơn giận giết chết Ngài, nhưng Ngài đã lập Phép Thánh Thể để ở lại với loài người.
2. Chúa Giêsu ở lại với loài người bội bạc chúng ta
Để ở lại với loài người bội bạc chúng ta, Chúa Giêsu đã có thể ở gần chúng ta, hoặc ở bên cạnh chúng ta, và như thế, cũng quá hạnh phúc cho chúng ta rồi! Nhưng không, trong Phép Thánh Thể, Chúa Giêsu lại ở ngay trong chính lòng chúng ta.
Để ở lại với loài người bội bạc chúng ta, Chúa Giêsu đã có thể vào thăm nhà chúng ta ở, và như thế, cũng quá hạnh phúc cho chúng ta rồi! Nhưng không, trong Phép Thánh Thể, Chúa Giêsu lại ngự đến ngay trong thân xác và linh hồn chúng ta.
Để ở lại với loài người bội bạc chúng ta, Chúa Giêsu đã có thể đến thăm chúng ta một lần trong đời, và như thế, cũng quá hạnh phúc cho chúng ta rồi! Nhưng không, trong phép Thánh Thể, Chúa Giêsu hằng ngày ngự đến với chúng ta khi chúng ta tham dự Thánh Lễ và rước Ngài vào lòng.
Để ở lại với loài người bội bạc chúng ta, Chúa Giêsu đã có thể hẹn gặp chúng ta một nơi nào đó, và như thế, cũng quá hạnh phúc cho chúng ta rồi! Nhưng không, trong phép Thánh Thể, Chúa Giêsu hẹn gặp chúng ta nơi Nhà Thờ là nơi chúng ta dễ đến nhất, có khi lại là nơi gần chúng ta nhất.
3. Phép Thánh Thể thật lạ lùng!
Phép Thánh Thể vượt thời gian: phán một lời “Nầy là Mình Ta, Nầy là Máu Ta”, liền thực hiện điều lạ lùng này ngay, không trì hoãn một giây phút nào.
Phép Thánh Thể vượt không gian: Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể, có mặt khắp nơi, không nơi nào mà không có Ngài.
Phép Thánh Thể vượt hữu hình: Chúa Giêsu ngự thật trong phép Thánh Thể dẫu con mắt loài người không thấy gì trong đó.
Phép Thánh Thể vượt tự nhiên: sau khi linh mục đọc lời truyền phép, bản tính tự nhiên của bánh và rượu không còn nữa, nhưng trở thành Mình và Máu thật của Chúa Giêsu.
4. Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể cho loài người chúng ta
Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể không phải để cho các thánh thiên thần và các thánh nam nữ ở trên trời, nhưng lập phép Thánh Thể cho chúng ta đang ở trên trần gian nầy để nuôi dưỡng và ban sức mạnh cho chúng ta trên con đường về Thiên Đàng. Chính vì thế mà Chúa Giêsu thúc giục chúng ta đến ăn Ngài: "Các con cầm lấy mà ăn!” (Mt 26,26).
Chính vì thế mà Chúa Giêsu dọa chúng ta: "Nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6,52).
Chính vì thế mà Chúa Giêsu treo phần thưởng cho chúng ta: "Ai ăn bánh nầy, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,58).
5. Phép Thánh Thể đòi buộc chúng ta phải có một đức tin mạnh mẽ, một tinh thần dâng hiến và một ý muốn hiệp nhất với Chúa và với nhau.
Phép Thánh Thể đòi buộc chúng ta phải có đức tin thật mạnh mẽ. Khi còn ở trên đời nầy, Chúa Giêsu đòi buộc những ai đến với Ngài, phải có một đức tin thật mạnh mẽ. Nhất là, đối với Phép Thánh Thể, Chúa Giêsu đòi buộc mọi người phải có lập trường rõ rệt: hoặc là tin vào Ngài, hoặc là không tin vào Ngài. Vì thế, Giáo Hội tuyên xưng Phép Thánh Thể là mầu nhiệm của Đức Tin: Đức Tin đã là mầu nhiệm rồi, nhưng Phép Thánh Thể lại còn là mầu nhiệm của Đức Tin!Phép Thánh Thể đòi buộc chúng ta phải có tinh thần dâng hiến. Chúa Giêsu Thánh Thể dâng hiến liên lĩ trên các bàn thờ trong khắp thế giới: mỗi giây, có 4 thánh lễ được dâng lên. / Chúa Giêsu đã dâng hiến mình trên Núi Sọ. Thánh Lễ cũng là sự dâng hiến của Chúa Giêsu Thánh Thể trên Núi Sọ, chỉ khác một điều là không có đổ máu ra bên ngoài mà thôi. Đời sống chúng ta cũng là một thánh lễ kéo dài, một sự dâng hiến liên lĩ theo gương Chúa Giêsu Thánh Thể.Phép Thánh Thể đòi buộc chúng ta phải có ý muốn hiệp nhất với Chúa và hiệp nhất với anh chị em đồng loại. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy ở trong tình yêu của Ngài: “Cãc con hãy ở trong tình yêu của Thầy.” (Ga 15,9). Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy ở trong tình yêu với nhau: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con.” (Ga 13,34). Vì thế, Giáo Hội dạy chúng ta rằng khi lập Phép Thánh Thể, Chúa Giêsu muốn mọi kitô hữu kết hợp chặt chẽ với Ngài và liên kết chặt chẽ với nhau.
6. Phép Thánh Thể là tất cả đối với chúng ta!
Đối với chúng ta, Chúa Giêsu Thánh Thể nói lên tất cả, tóm lại tất cả, chứa đựng tất cả, cắt nghĩa tất cả.Như con ong phải đi tìm hoa và hút nhụy hoa để sống thế nào, chúng ta cũng phải đi tìm Hoa Giêsu Thánh Thể và hút lấy Nhụy Hoa Giêsu Thánh Thể để sống cuộc đời trên dương thế này, hầu sau này được về với Chúa trên nước Thiên Đàng.