Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Ðức Giêsu và ông Phê-rô nộp thuế ( Mt 17, 22-27)

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Xin Mẹ giúp con biết tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời con.

Ðức Giêsu tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai
(22) Khi thầy trò tụ họp ở miền Galilê, Ðức Giêsu nói với các ông: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, (23) họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy". Các môn đệ buồn phiền lắm.
Ðức Giêsu và ông Phê-rô nộp thuế
(24) Khi thầy trò tới Caphácnaum, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phêrô: "Thầy các ông không nộp thuế sao?" (25) Ông đáp: "Có chứ!" Ông về tới nhà, Ðức Giêsu hỏi đón ông: "Anh Simon, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu thuế? Con cái mình hay người ngoài?" (26) Ông Phêrô đáp: "Thưa, người ngoài". Ðức Giêsu liền bảo: "Vậy thì con cái được miễn. (27) Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh".

"Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, (23) họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy". Các môn đệ buồn phiền lắm.
Thường tình trong đời sống xã hội, ai cũng thích nghe và thích loan báo tin vui, tin thành công, tin chiến thắng, cho những người thân tín của mình. Nhưng với Chúa Giêsu lại đi ngược cái lẽ thường tình ấy. Một lần nữa Ngài lại loan báo về cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Ngài cho các môn đệ. Ngài tiên báo thời điểm đã gần kề “ Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. Đối tượng là người đời, là người thuộc về trần gian, về thế giới của bóng đêm, tội lỗi và sự dữ. Người đời sẽ làm gì Ngài? “ Họ sẽ giết chết Người”. Đấy là cách con người đối xử với một người mà họ thọ ơn. Người đến chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỉ, cho người chết sống lại... nhưng họ lại biết ơn bằng cách “ giết chết”.
Đây là lần thứ 2 Đức Giêsu tiên báo cuộc khổ nạn, trong lần trước Phêrô nhanh nhẩu cản "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" đã bị thầy gọi là Xatan , lần này các ông là không nói lời nào nhưng buồn phiền lắm. Các môn đệ chỉ vì nghĩ đến lời loan báo: Chúa Giêsu sẽ bị giết; chứ không để ý đến 3 ngày sau Ngài sẽ sống lại nên các ông đã buồn phiền nhiều , các ông không nghĩ đến theo sau sự hy sinh thân mình vì chánh đạo là vinh quang của nước trời, Thập giá là đường dẫn tới vinh quang Đây chính là tiền Tin Mừng Phục Sinh. Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng Phục Sinh ngay khi Ngài vẫn sống trong kiếp con người.
Họ hỏi ông Phêrô: "Thầy các ông không nộp thuế sao?" (25) Ông đáp: "Có chứ!"
Vào thời Chúa Giêsu, người Do thái không những phải đóng thuế cho nhà nước tức là thuế dân sự, mà còn phải đóng thuế cho Đền thờ nữa, kể cả những người sống ngoài lãnh thổ Palestina, ngoại trừ đàn bà, các thiếu niên và các nô lệ, tất cả những ai từ 20 tuổi trở lên đều phải nộp thuế để bảo trì và tu sửa Đền thờ Giêrusalem. Tiền thuế nộp cho đền thờ hằng năm là hai quan tiền, tương đương với giá hai ngày công. Người ta bắt đầu thu thuế vào quãng 15 ngày trước Lễ Vượt Qua. Ngày hôm nay , chúng ta , dân mới của Người cũng phải có bổn phận đóng góp tiền của, vật chất cũng như tinh thần để tu dưỡng bảo trì nhà thờ để hội thánh làm những công việc bác ái , loan báo Tin Mừng khắp vùng miền đất nước.
Họ hỏi ông Phêrô “ Thầy các ông không nộp thuế sao? ( c .24 ). Ông Phêrô đáp ngay: Có chứ. Điều này Phêrô khẳng định và xác định mạnh mẽ về danh phận con người của Đức Giêsu. Ngài là người Do Thái, tuân giữ luật Môsê và nộp thuế đó là chuyện đương nhiên. Phêrô cho rằng ý nghĩ của mình đúng, nên ông trả lời chắc chắn như vậy. Ông không hỏi Chúa Giêsu xem ý Ngài thế nào và ông cũng không trả lời với những người đã hỏi ông : vì sao họ không hỏi trực tiếp Chúa Giêsu. Ông tin vào trực giác, vào cảm nhận của mình về Thầy mình. Đó là một con người sống trong đất nước Do Thái, sinh trưởng trong phong tục, văn hoá và mang trong mình dòng máu Do Thái, thì ắt hẳn chuyện nộp thuế là chắc chắn rồi. Lúc này đây, ông Phêrô có hiểu đâu đây là mầu nhiệm nhập thể.
"Vậy thì con cái được miễn" 

 Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế, nhưng xét về bản tính loài người, Ngài cũng tuân giữ việc nộp thuế cho Đền thờ như bất cứ ai. Và thêm nữa , trong thời gian này(ít lâu sau biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor.) Do Thái giáo đã khai trừ các Kitô hữu. Cho nên lẽ ra họ không có bổn phận đóng góp cho đền thờ Giêrusalem nữa.
Nhưng để khỏi làm gai mắt họ
Các Kitô hữu gốc Do Thái luôn tự do trong việc nộp thuế đền thờ. Họ luôn chu toàn bổn phận nộp thuế để tránh gây hoang mang vô ích cho đồng bào mình, bởi vì không nộp thuế thì họ sẽ khiến cho các người kia có cảm tưởng họ đã ly khai khỏi dân Israel.
Anh ra biển thả câu...... ;  

Ngài nộp thuế bằng một phép lạ,Ngài không bảo Giuđa xuất tiền quĩ mà nộp, cũng không bảo các phụ nữ đạo đức dâng cúng, nhưng Ngài đã làm phép lạ để các môn đệ tin vào quyền năng của Ngài. Ngài sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, hòa mình vào thế giới nhưng không đánh mất bản sắc riêng của mình.
Và phần của anh.
Đức Giêsu có tất cả 12 tông đồ , nhưng tại sao ở đây, đoạn Tin Mừng này chỉ nhắc đến ông Phê-rô? Phêrô được coi là vị thủ lãnh của cộng đồng ki-tô hữu, vị thủ lãnh của Dân Mới cũng được miễn, nhưng Phê-rô, phải ở trong, ở đồng hàng với dân mình. Vậy nên, cho dù là người lãnh đạo Dân Mới, Phê-rô cũng chỉ là một thành viên và do đó phải chấp hành luật này như mọi người. Có phải chăng đây là một lý do tại sao chỉ có thánh Phê-rô được kể ở đây.

Lạy Chúa, xin Chúa cho con được ơn hiểu biết mầu nhiệm nhập thể và phục sinh để hiểu biết Chúa nhiều hơn và yêu mến Chúa nhiều hơn, không tiếc gì với Chúa và hội thánh.- Amen



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét