Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Ðức Giêsu và ông Phê-rô nộp thuế ( Mt 17, 22-27)

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Xin Mẹ giúp con biết tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời con.

Ðức Giêsu tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai
(22) Khi thầy trò tụ họp ở miền Galilê, Ðức Giêsu nói với các ông: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, (23) họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy". Các môn đệ buồn phiền lắm.
Ðức Giêsu và ông Phê-rô nộp thuế
(24) Khi thầy trò tới Caphácnaum, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phêrô: "Thầy các ông không nộp thuế sao?" (25) Ông đáp: "Có chứ!" Ông về tới nhà, Ðức Giêsu hỏi đón ông: "Anh Simon, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu thuế? Con cái mình hay người ngoài?" (26) Ông Phêrô đáp: "Thưa, người ngoài". Ðức Giêsu liền bảo: "Vậy thì con cái được miễn. (27) Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh".

"Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, (23) họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy". Các môn đệ buồn phiền lắm.
Thường tình trong đời sống xã hội, ai cũng thích nghe và thích loan báo tin vui, tin thành công, tin chiến thắng, cho những người thân tín của mình. Nhưng với Chúa Giêsu lại đi ngược cái lẽ thường tình ấy. Một lần nữa Ngài lại loan báo về cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Ngài cho các môn đệ. Ngài tiên báo thời điểm đã gần kề “ Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. Đối tượng là người đời, là người thuộc về trần gian, về thế giới của bóng đêm, tội lỗi và sự dữ. Người đời sẽ làm gì Ngài? “ Họ sẽ giết chết Người”. Đấy là cách con người đối xử với một người mà họ thọ ơn. Người đến chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỉ, cho người chết sống lại... nhưng họ lại biết ơn bằng cách “ giết chết”.
Đây là lần thứ 2 Đức Giêsu tiên báo cuộc khổ nạn, trong lần trước Phêrô nhanh nhẩu cản "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" đã bị thầy gọi là Xatan , lần này các ông là không nói lời nào nhưng buồn phiền lắm. Các môn đệ chỉ vì nghĩ đến lời loan báo: Chúa Giêsu sẽ bị giết; chứ không để ý đến 3 ngày sau Ngài sẽ sống lại nên các ông đã buồn phiền nhiều , các ông không nghĩ đến theo sau sự hy sinh thân mình vì chánh đạo là vinh quang của nước trời, Thập giá là đường dẫn tới vinh quang Đây chính là tiền Tin Mừng Phục Sinh. Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng Phục Sinh ngay khi Ngài vẫn sống trong kiếp con người.
Họ hỏi ông Phêrô: "Thầy các ông không nộp thuế sao?" (25) Ông đáp: "Có chứ!"
Vào thời Chúa Giêsu, người Do thái không những phải đóng thuế cho nhà nước tức là thuế dân sự, mà còn phải đóng thuế cho Đền thờ nữa, kể cả những người sống ngoài lãnh thổ Palestina, ngoại trừ đàn bà, các thiếu niên và các nô lệ, tất cả những ai từ 20 tuổi trở lên đều phải nộp thuế để bảo trì và tu sửa Đền thờ Giêrusalem. Tiền thuế nộp cho đền thờ hằng năm là hai quan tiền, tương đương với giá hai ngày công. Người ta bắt đầu thu thuế vào quãng 15 ngày trước Lễ Vượt Qua. Ngày hôm nay , chúng ta , dân mới của Người cũng phải có bổn phận đóng góp tiền của, vật chất cũng như tinh thần để tu dưỡng bảo trì nhà thờ để hội thánh làm những công việc bác ái , loan báo Tin Mừng khắp vùng miền đất nước.
Họ hỏi ông Phêrô “ Thầy các ông không nộp thuế sao? ( c .24 ). Ông Phêrô đáp ngay: Có chứ. Điều này Phêrô khẳng định và xác định mạnh mẽ về danh phận con người của Đức Giêsu. Ngài là người Do Thái, tuân giữ luật Môsê và nộp thuế đó là chuyện đương nhiên. Phêrô cho rằng ý nghĩ của mình đúng, nên ông trả lời chắc chắn như vậy. Ông không hỏi Chúa Giêsu xem ý Ngài thế nào và ông cũng không trả lời với những người đã hỏi ông : vì sao họ không hỏi trực tiếp Chúa Giêsu. Ông tin vào trực giác, vào cảm nhận của mình về Thầy mình. Đó là một con người sống trong đất nước Do Thái, sinh trưởng trong phong tục, văn hoá và mang trong mình dòng máu Do Thái, thì ắt hẳn chuyện nộp thuế là chắc chắn rồi. Lúc này đây, ông Phêrô có hiểu đâu đây là mầu nhiệm nhập thể.
"Vậy thì con cái được miễn" 

 Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế, nhưng xét về bản tính loài người, Ngài cũng tuân giữ việc nộp thuế cho Đền thờ như bất cứ ai. Và thêm nữa , trong thời gian này(ít lâu sau biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor.) Do Thái giáo đã khai trừ các Kitô hữu. Cho nên lẽ ra họ không có bổn phận đóng góp cho đền thờ Giêrusalem nữa.
Nhưng để khỏi làm gai mắt họ
Các Kitô hữu gốc Do Thái luôn tự do trong việc nộp thuế đền thờ. Họ luôn chu toàn bổn phận nộp thuế để tránh gây hoang mang vô ích cho đồng bào mình, bởi vì không nộp thuế thì họ sẽ khiến cho các người kia có cảm tưởng họ đã ly khai khỏi dân Israel.
Anh ra biển thả câu...... ;  

Ngài nộp thuế bằng một phép lạ,Ngài không bảo Giuđa xuất tiền quĩ mà nộp, cũng không bảo các phụ nữ đạo đức dâng cúng, nhưng Ngài đã làm phép lạ để các môn đệ tin vào quyền năng của Ngài. Ngài sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, hòa mình vào thế giới nhưng không đánh mất bản sắc riêng của mình.
Và phần của anh.
Đức Giêsu có tất cả 12 tông đồ , nhưng tại sao ở đây, đoạn Tin Mừng này chỉ nhắc đến ông Phê-rô? Phêrô được coi là vị thủ lãnh của cộng đồng ki-tô hữu, vị thủ lãnh của Dân Mới cũng được miễn, nhưng Phê-rô, phải ở trong, ở đồng hàng với dân mình. Vậy nên, cho dù là người lãnh đạo Dân Mới, Phê-rô cũng chỉ là một thành viên và do đó phải chấp hành luật này như mọi người. Có phải chăng đây là một lý do tại sao chỉ có thánh Phê-rô được kể ở đây.

Lạy Chúa, xin Chúa cho con được ơn hiểu biết mầu nhiệm nhập thể và phục sinh để hiểu biết Chúa nhiều hơn và yêu mến Chúa nhiều hơn, không tiếc gì với Chúa và hội thánh.- Amen



Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Ðức Giêsu chữa đứa trẻ bị kinh phong ( Mt 17, 14- 21)

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Xin Mẹ giúp con biết tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời con.

Ðức Giêsu chữa đứa trẻ bị kinh phong

(14) Khi thầy trò đến với đám đông, thì có một người tới quỳ xuống trước mặt Ðức Giêsu (15) và nói: "Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm: nhiều khi ngã vào lửa, nhiều khi ngã xuống nước. (16) Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài chữa, nhưng các ông không chữa được". (17) Ðức Giêsu đáp: "Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Ðem cháu lại đây cho tôi". (18) Ðức Giêsu quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó.

(19) Bấy giờ các môn đệ đến gần hỏi riêng Ðức Giêsu rằng: "Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?" (20) Người nói với các ông: "Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia!" nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được". [(21) Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện].

Con người dễ mắc cám dỗ cậy vào sức riêng của mình và do đó dễ gặp thất bại trong cuộc sống. Chính các môn đệ cũng không tránh khỏi những cám dỗ đó. Trước đây, nhờ quyền năng Chúa các ông xua trừ được nhiều quỷ. Có lẽ các ông bắt đầu quên điều đó, quên mình là dụng cụ của Thiên Chúa. Bởi thế, Ngài muốn các ông nhận thức giới hạn của mình khi để các ông thất bại trong việc trừ quỷ như trong đoạn Tin Mừng này .
Lúc Chúa Giêsu và 3 môn đệ đang ở trên núi (biến hình) thì ở dưới núi, người ta đem đến cho các môn đệ một đứa trẻ bị quỷ ám mắc kinh phong. nhưng các ông không chữa được. Khi Chúa Giêsu trở lại Ngài nói lý do thất bại là thiếu lòng tin. Và Đức Giêsu đã khiển trách các ông “Ôi thế hệ kém lòng tin và hư hỏng. Ta còn phải ở với các ngươi đến bao giờ? Ta còn phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa?”
 Sau khi để các ông nhận thức rõ sự thất bại của mình, Chúa đã nói rõ hơn về sức mạnh của lòng tin   Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia!" nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được" và các ông cần phải gắn bó với Chúa, cần phải cầu nguyện và ăn chay.
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay cũng như các đoạn Tin Mừng chữa lành khác rãi rác trong toàn thể các sách Tin Mừng, điều quan trọng cho phép lạ có thể xảy ra là do đức tin của con người. Chúa Giêsu đòi hỏi con người phải tin, hoặc chính đương sự hoặc cha mẹ, người bào chữa. Đức tin làm cho chúng ta từ con người tội lỗi trở thành con cái Thiên Chúa; đức tin giúp cho những việc tầm thường trong đời sống trở thành có giá trị vĩnh cửu; đức tin cho chúng ta có cái nhìn lạc quan tin tưởng vào mọi biến cố cuộc sống; đức tin giúp con người làm được những điều mà người không có đức tin không hiểu nổi và hơn hết là đức tin sẽ làm vui lòng Chúa.
Chúa Giêsu nói đức tin có sức mạnh chuyển núi dời non. Chúng ta không cần chuyển dời núi Thái Sơn, mà cần chuyển dời những ngọn núi kiêu căng, tự ái, để lắp đầy những thung lũng tham lam ít kỷ, ham muốn dục vọng. Bấy lâu nay dù chúng ta có cố gắng nhiều nhưng chẳng làm chúng nhúc nhích tí nào cả. Hôm nay chúng ta hãy quyết tâm dùng sức mạnh đức tin vào ơn Chúa để chuyển dời chúng, để biết vui tươi đón nhận những biến cố trong đời sống theo thánh ý Chúa.

Chúa ơi, chắc là Chúa buồn vì con nhiều, phải chịu đựng vì con nhiều, con nguyện xin Chúa thứ tha và củng cố đức tin của con để con biết yêu Chúa hơn và Chúa không phải buồn phiền vì con nữa. Amen.




Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Câu hỏi về ngôn sứ Ê-li-a ( Mt 17, 9-13)

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Xin Mẹ giúp con biết tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời con.

Câu hỏi về ngôn sứ Ê-li-a

(9) Ðang khi thầy trò từ trên núi xuống, Ðức Giêsu truyền cho các ông rằng: "Ðừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết chỗi dậy". (10) Các môn đệ hỏi Người rằng: "Vậy sao các kinh sư lại nói Êlia phải đến trước?" (11) Người đáp: "Ông Êlia phải đến để chỉnh đốn mọi sự. (12) Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế". (13) Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả.

Sau lời chứng của Chúa Cha "Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!" , Đức Giêsu truyền cho các môn đệ  "Ðừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết chỗi dậy"

Chúa Giêsu đã không tỏ vinh quang của Ngài ngay trên thánh giá mà phải chờ đến " khi Con Người từ cõi chết chỗi dậy " vì Ngài muốn dạy các môn đệ của Ngài và cho chúng ta bài học về đức tin khi đối phó với những sự khó xẩy đến trong đời.  Các tông đồ đã thấy cảnh Chúa Giêsu huy hoàng và vinh quang mà họ đã được diễm phúc thấy trước, nhưng đến khi các ông nhìn thấy cảnh Đức Giêsu bị bắt, chịu đánh đòn, ngã lên ngã xuống, máu chẩy, thịt rơi, và chết tức tưởi trên thánh giá …họ đã chạy trốn, khóc lóc hay than van… Nếu chúng ta gặp phải hoàn cảnh này thì hãy nhớ lời của Chúa Cha phán ra trên núi thánh: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! (Mt 17:5)” 

Chúa Giêsu cũng giữ kín sự vinh quang này để cho ta thấy rằng: Như hai tên tội phạm đã không biết đến vinh quang này , cùng bị đóng đinh với Ngài hai bên thánh giá - một kẻ không chịu nổi khổ đau nên muốn Ngài lấy đi những đau khổ trên đời này; trong khi người kia thì đón nhận thân phận tội lỗi của mình và xin Ngài nhớ đến ông vào đời sau vì ông biết mình sẽ phải chết - Chúa đã không trả lời cho người tội nhân trước vì ông đã thách thức, mỉa mai hay ra lệnh cho Ngài, nhưng Ngài chỉ trả lời cho người biết ăn năn hối cải và van xin Ngài với lời hứa: “Hôm nay, ngươi sẽ được về thiên đàng với ta!".

Khi xưa Người đã dẫn 3 môn đệ thân yêu lên núi Thánh để củng cố đức tin của các ông. Ngày nay , chúng ta cũng là môn đệ yêu của Chúa , chúng ta hãy cùng lên núi thánh , nơi tĩnh mịt và yên lặng để thật sự gặp gỡ với Chúa , để được nghe lời Ngài, vâng lời Ngài, thống hối về tội lỗi mình, tin tưởng và cầu xin Ngài

Lạy Chúa , xin giúp chúng con sống đức tin và được ơn can đảm khi phải đương đầu với thánh giá trong đời mình với niềm tin vào quyền phép của Chúa.   



Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Ðức Giêsu hiển dung ( Mt 17, 1 -8)

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Xin Mẹ giúp con biết tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời con.

Ðức Giêsu hiển dung

(1) Sáu ngày sau, Ðức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo bên mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. (2) Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. (3) Và kìa các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người. (4) Bấy giờ ông Phêrô thưa với Ðức Giêsu rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, hay quá! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, Ngài một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái". (5) Ông còn đang nói, thì kìa có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và kìa có tiếng từ đám mây phán rằng: "Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!" (6) Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. (7) Bấy giờ Ðức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: "Chỗi dậy đi, đừng sợ!" (8) Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Ðức Giêsu mà thôi.

Bài tường thuật Hiển Dung đã được làm một đoạn giải thích sự chậm trễ của Quang Lâm bởi vì câu nói về Quang Lâm của Đức Giêsu được minh hoạ và báo trước trong biến cố Hiển Dung, vinh quan của Đấng Phục Sinh.
Ngay liền sau giáo huấn về đời môn đệ “vác thập giá theo Người ” là thị kiến về Hiển dung bên Người ,  vác thập giá theo Người là con đường dẫn đến vinh quang của Người.
 Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao.
Tác giả  cho hiểu rằng muốn khám phá ra chân tính của Đấng Mêsia, cần phải được dẫn nhập dần dần. Bài tường thuật Hiển Dung này như muốn là biểu tượng của cuộc dẫn nhập tiệm tiến vào mầu nhiệm Đấng Mêsia.  Hoàn cảnh mà Người chọn đưa các môn đệ đến là sự cô quạnh và biệt lập xa rời cuộc sống hằng ngày xô bồ náo nhiệt cho thấy rằng Người không muốn tạo ra một ấn tượng tức thời và hời hợt trên một đám đông, nhưng Người muốn biến đổi một vài người cách sâu xa và bền vững.
 Nhưng vẫn là  Phêrô nhiệt tình , nóng nãy và bộp chộp , không hiểu ý thầy, quá vui mừng mà thốt lên “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay". Ông mong muốn kéo dài mãi mãi kinh nghiệm về vinh quang này, thiết lập tức khắc Triều Đại Thiên Chúa trên mặt đất " ...con xin dựng tại đây ba cái lều,.."
" Và kìa các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người."  cho các môn đệ một bằng chứng nữa để có thể nhận ra Đức Giêsu là ai: Người thuộc về thế giới Thiên Chúa. Người phải tiếp bước và đưa sứ mạng của Môsê và Êlia đến chỗ hoàn tất; và để giúp Ngài hoàn tất xứ mệnh Đức Chúa Trời đã phán "Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!" Khi xưa, dân Israel đã nghe lời Môsê và Êlia, nay họ phải nghe lời Đức Giêsu. Cựu Ước không có ý nghĩa nếu không có Đức Giêsu hoàn tất; Đức Giêsu không được biết đến thấu đáu nếu không có Cựu Ước tiên báo về Người. 
Đoạn tin mừng này biểu lộ thực tại thân phận con người giới hạn và yếu đuối dễ sa ngã . Dù đã học biết, đi theo Chúa Giêsu, được nhìn tận mắt Chúa hiển dung , được Ngài mở mắt các ông, biến đổi tâm hồn các ông để nhìn các thực tại về Chúa Giêsu và sự vật chung quanh hoàn toàn khác hẳn, Chúa đã hành động hoàn toàn trong tâm hồn họ, giải thích cho họ hiểu cuộc hiển dung trong chốc lát trước con mắt thể lý của các tông đồ, là khởi điểm cho “cuộc hiển dung trên Thánh Giá” với cái Chết và Phục Sinh của Ngài tiếp theo sau đó. Nhưng họ vẫn không có niềm tin đủ để theo Người đến đồi Canvê. Người chuẩn bị cho họ trước, báo tin trước nhưng họ vẫn sa ngã, để đi vào chặng đường đêm tối đức tin trong cuộc đời.    

Ngày hôm nay, Giáo hội , các thánh chứng nhân đã loan truyền Tin Mừng , mầu nhiệm phục sinh ,  bằng cả cuộc đời, mạng sống của mình , thế mà chúng ta thì sao , có phải vẫn ở chặng đường đêm tối của đức tin ? 
Dù là trong đêm tối của đức tin, nhưng con vẫn có thói quen lần chuỗi mân côi mỗi ngày, Chúa ơi việc đó có thể gọi là một chút góp phần cộng sự với Chúa để được quyền năng Chúa che chỡ con khỏi sự dữ , Chúa gìn giữ bước chân khỏi rẽ vào con đường khác, con đường của dục vọng, vắng bóng Chúa không ? 

 Chúa ơi , xin Chúa thương con hèn mọn , mỏng giòn và dễ sa ngã.



Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Ðiều kiện phải có để theo Ðức Giêsu ( Mt 16 , 24- 28 )

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Xin Mẹ giúp con biết tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời con.

Ðiều kiện phải có để theo Ðức Giêsu

(24) Rồi Ðức Giêsu nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. (25) Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. (26) Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?

(27) "Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm. (28) Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị".

Đức Giêsu không muốn các môn đệ đi theo Người với những nỗi niềm chờ mong sai lạc, Thiên Chúa không muốn con cái Ngài phải đau khổ. Nhưng Đức Giêsu muốn cho họ biết , Thiên Chúa muốn họ vui chọn cuộc sống thiếu thốn và cực khổ vì hạnh phúc của kẻ khác, biết từ bỏ cái tôi xác thịt ham muốn hưởng thụ riêng mình mà chọn lấy niềm vui khi chia sẻ với người khác. Từ bỏ chính mình , cái tôi xác thịt đầy bệnh tật và khổ đau để chọn lấy niềm vui cùng Người vác thập giá của mình về quê Thiên Quốc
Thập giá có thể đến từ sự thiếu chung thủy, thiếu cảm thông, thiếu trách nhiệm, từ sự nghèo túng, bệnh tật, tai nạn, thất bại hay chỉ những mâu thuẫn, xung đột trong đời sống hằng ngày của chúng ta . Thập giá là điều có vẻ không thể hiểu được, không thể chấp nhận được, nhưng nếu ta biết chấp nhận đón lấy thì đó lại là điều có lý, như khi yêu ta sẵn sàng chấp nhận tất cả chỉ để được sống với tình yêu. Ngài muốn chúng ta hãy sẵn sàng gánh lấy thánh giá cuộc đời mình trong mọi hoàn cảnh như cách để chứng minh cho tình yêu và lòng thủy chung với Ngài. 
Dường như lúc này cái tôi của mỗi người đều được đặt ở vị trí cao nhất trong tính cách và lý trí của mình để rồi không ai chấp nhận ai , ngay cả khi trong lòng không muốn có sự đổ vỡ nào xảy ra nhưng vẫn không ai chịu chấp nhận từ bỏ cái tôi của mình để có được điều mình mong muốn. Họ nghĩ rằng bỏ đi cái tôi chính là tự hạ thấp mình và mình trở nên thấp hèn trước mặt người khác. Vì thế có người đã chấp nhận tất cả những hậu quả có thể xảy ra chỉ vì muốn bảo vệ cái tôi quá lớn của mình.
Thay vì đi tìm lời giải cho những điều mà chúng ta nghĩ là vô lý, bất công thì chúng ta hãy biết chấp nhận và thay đổi từ chính trong suy nghĩ, hành động của mình, sẵn sàng đón nhận lấy thánh giá cuộc đời mình và cả thánh giá của những người thân như một điều kiện để theo Đức Giêsu, người mà hàng ngày chúng ta vẫn thờ lạy, tuyên xưng niềm tin.
Lạy Chúa, xin cho chúng con mỗi ngày có thêm niềm tin, sự can đảm để sẵn sàng mở lòng đón nhận những thánh giá cuộc đời mà Chúa đã dành cho chúng con để ngày càng sống xứng đáng với tình yêu bao la mà Chúa đã dành cho chúng con.
 


Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Ðức Giêsu tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ nhất ( Mt 16, 21- 23)

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Xin Mẹ giúp con biết tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời con.


Ðức Giêsu tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ nhất
(21) Từ lúc đó, Ðức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. (22) Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" (23) Nhưng Ðức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: "Xatan, lui ra đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người".

Lệnh im lặng ở bài TIn mừng trước , làm cho các môn đệ trở thành những người có sự hiểu biết đặc biệt mà dân chúng không có, điều đó làm nền cho việc Đức Giêsu loan báo những đau khổ và sự phục sinh của Người. Bài Tin mừng hôm nay,  Người đào sâu sự hiểu biết đặc biệt của các môn đệ , để họ hiểu đúng ngôn từ Messia, hiểu đúng về Người và sứ mạng của Người .

Từ lúc đó, Ðức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết
Điều này cho thấy một khúc quanh trong cuộc đời của Đức Giêsu. "Từ lúc đó " đã đánh dấu hai phần lớn của Tin Mừng theo thánh Mathêu : phần một là 4,17–16,20 được dành để nói về Nước Trời; phần hai là 16,21–28,20 con đường đi tới Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giêsu
Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.
Đối với các Tông đồ, lời loan báo này như một gáo nước lạnh giội vào người các ông. Phêrô đã can gián Đức Giêsu, "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" Phản ứng của Phêrô cũng là phản ứng của sự khôn ngoan loài người khi đứng trước sứ điệp về thập giá. Vị tông đồ muốn có sự thoả hiệp, sự thích nghi, chấp nhận buông xuôi theo những áp lực của tính ích kỷ hoặc của quyền lực. Mới đây còn là gương mẫu của người tin, nay ông thành người tiếp tay cho Satan, bởi vì ông đã đề nghị cho Đức Giêsu một con đường của Tên Cám Dỗ. 

Đức Giêsu đã trách Phêrô "Satan, lui ra đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy" vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người".

Lời phản đối của Phêrô được dùng như một điển hình. Khi phải đối đầu với đau khổ, ông suy nghĩ như “loài người”, tức là duy lý, ích kỷ. Các tiêu chuẩn này của loài người không có giá trị gì trước nhan Thiên Chúa . Các môn đệ phải chấp nhận công việc của Đức Giêsu và phản ánh lối sống và sự đau khổ của Người. Vậy, sống và chịu đau khổ như Đức Kitô chính là nét tiêu biểu của đời môn đệ, của Hội Thánh vì tình yêu của Thiên Chúa đi qua Thập giá.
Tuy Thiên Chúa không muốn con cái Ngài phải đau khổ, nhưng Ngài có thể yêu cầu họ chấp nhận đau khổ, nếu nó phát sinh niềm vui cho kẻ khác.
Kinh nghiệm của Phêrô đã cảnh báo cho chúng con biết cái bản chất rất mong manh, hay thay đổi, mà lại dễ ảo tưởng là mình “trước sau như một”.
 Lạy Chúa, xin cho con luôn tỉnh thức với bản chất mong manh của mình và luôn
biết chạy đến với Chúa và Mẹ xin được đoái thương và giữ gìn .

Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Ông Phêrô tuyên xưng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa ( Mt 16, 13-20)

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Xin Mẹ giúp con biết tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời con.

Ông Phêrô tuyên xưng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa

(13) Khi Ðức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?" (14) Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ". (15) Ðức Giêsu lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" (16) Ông Simon Phêrô thưa: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". (17) Ðức Giêsu nói với ông: "Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy". (20) Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Ðấng Kitô.

Xêdarê Philípphê là một thành phố nằm dưới chân của núi Khécmôn (Hermon), khoảng 20 dặm bắc của Biển Hồ Galilê. Xêdarê Philípphê được xem là miền đất dân ngoại- nơi có một trung tâm rộng lớn thờ thần Baan. Tương truyền đây là nơi “chôn rau cắt rốn” của thần Hylạp có tên là Panias – thần thiên nhiên. Vào năm 2 trước CN, chính quận vương Hêrôđê Philípphê đã xây dựng nơi đây thành địa danh linh thiêng đối với cư dân xứ này. Trên thành này, ông đã cho xây và đặt đầu tượng Xêda- hoàng đế Rôma được ông xem là vị thần, để tôn thờ.
Nơi đây, thời ấy đám đông dân chúng chỉ quan niệm về Đức Giêsu như một nhân vật, cho dù vĩ đại, cũng vẫn chỉ là sự tiếp nối quá khứ; đó là một nhân vật do Thiên Chúa sai đến như các nhân vật vĩ đại trong Cựu Ước mà thôi. Họ không hiểu đúng về con người và sứ mạng của Người.
"Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Simon Phêrô thưa: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". (17)    
Khi tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kytô, Đấng Mêsia sứ giả của Giavê Thiên Chúa, có lẽ Phêrô cũng như các môn đệ chưa thật sự hiểu hết ý nghĩa của danh hiệu này. Các ông nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ là người có nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành lại nền độc lập tự chủ cho quốc gia.
Đấng Kitô , không hoàn toàn trùng với  quan niệm về Mêsia con vua Đavít như dân chúng đang mong chờ. Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa hằng sống ” không chỉ theo nghĩa là do Thiên Chúa sinh ra, mà trước hết là do Người hành động như là chính Thiên Chúa đang hành động. Nói cách khác, “Con Thiên Chúa hằng sống ” ở đây là tương đương với  “Thiên Chúa ở cùng chúng ta cho đến tận thế ” 
Ðức Giêsu nói với ông: "Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. (18)  
Đức Giêsu đã dâng lời tạ ơn Cha của Người: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”. Đọc bài Tin Mừng hôm nay trong liên hệ với lời ngợi khen đó, chúng ta biết rằng ông Phêrô đang được đón nhận ân huệ dành cho những người bé mọn, chứ không phải vì ông là kẻ khôn ngoan và thông thái theo kiểu các người Pharisêu và các kinh sư.
Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 
Đức Giêsu đã đổi tên của ông Simon thành Phêrô và giải thích là đá tảng, cũng như Người đặt gánh nặng lên vai Simon Phêrô : trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy . 
Đức Giêsu khẳng định ông Phêrô là “Tảng đá” (pêtra), tức là một thực tại chắc chắn, không lay chuyển, không thay đổi. Hội Thánh được Đức Giêsu xây trên nền đá vững chắc ấy. Cộng đoàn những người tuyên xưng cùng một lòng tin mà ông Phêrô vừa tuyên xưng thì được ví như một tòa nhà do chính Đức Giêsu xây dựng trên tảng đá Phêrô. Ông có nhiệm vụ cung cấp cho cộng đoàn ấy sự chắc chắn, bền vững, không thay đổi, không lay chuyển, dựa trên ơn huệ là mạc khải của chính Thiên Chúa ban cho những con người bé mọn. Và sự bền vững ấy được bảo đảm bởi chính lời hứa của Đức Giêsu rằng “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”.
Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi  Theo quan niệm của người Do thái vào thời đó, "Quyền lực của tử thần" là khả năng giam giữ các kẻ chết" . Câu này có ý nói đến quyền lực của ma quỷ dùng sự dữ để đưa người ta vào con đường tội lỗi, và giam giữ họ trong sự chết đời đời vì tội lỗi.
Chúa Giêsu ngầm nói hai ý:  Hội Thánh không những sẽ đứng vững trước sự tấn công của Satan, nhưng còn sẽ tấn công Satan để giải thoát người ta khỏi ách của tội lỗi.
Quyền lực của tử thần, quyền lực của những kẻ bách hại Hội Thánh, quyền lực của những kẻ sỉ vả và vu khống các môn đệ Đức Giêsu, quyền lực của những kẻ chỉ giết được thân xác… sẽ không thể tiêu diệt Hội Thánh, vì Hội Thánh được Đức Giêsu xây dựng trên nền tảng ân huệ lòng tin mà Chúa Cha ban cho những người bé mọn theo thánh ý Ngài.
Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy".
Bên cạnh nhiệm vụ cung cấp cho cộng đoàn sự bền vững, ông Phêrô còn có nhiệm vụ quản lý các mầu nhiệm Nước Trời như một người tôi tớ được Chủ trao cho chìa khóa (x. Is 22,22): “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy" (c.19).
Cầm buộc và tháo cởi” là ngôn ngữ của các trường phái rabbi, diễn tả nhiệm vụ cho phép hay ngăn cấm về những điểm còn tranh luận trong giáo huấn chính thức. Hai động từ này cũng quy về việc lấy những quyết định liên quan đến những cách hành xử cần thiết để được vào Nước Trời.
Trao cho Phêrô những nhiệm vụ làm đá tảng, giữ chìa khóa và cầm buộc – tháo cởi, Đức Giêsu cho thấy Người không bỏ mặc cộng đoàn các tín hữu trong tình trạng mất hướng, nhưng ban cho cộng đoàn đó người lãnh đạo với những năng quyền và nhiệm vụ lớn lao.
Ý thức về sự cao cả và sự nặng nề của những quyền bính và các nhiệm vụ mà Phêrô đã được trao phó, chúng ta được mời gọi cầu nguyện, vâng phục và hiệp thông sâu xa với Đấng kế vị Thánh Phêrô.
Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Ðấng Kitô.
Hẳn là câu trả lời của Phêrô đúng, thế mà Đức Giêsu đã cấm không những ông mà tất cả những môn đệ nữa là “không được nói với ai về Người”. “Cấm ngặt”, epitimaô, đã được dùng trong các câu truyện trừ quỷ (1,25; 3,12). Với từ ngữ này, chúng ta hiểu không phải Đức Giêsu muốn che giấu chân tính đích thực của Người, mà là muốn tránh cho người ta khỏi hiểu sai hoàn toàn Người là ai và Người đang làm gì. Các tông đồ không được phổ biến một lối nhìn sai lạc như thế khi các môn đệ  đã có ý thức khi xuyên qua Cựu Ước, giống như vua Đavít, Đấng Mêsia phải là vị thủ lãnh được xức dầu mang uy quyền thần thánh mà điều hành xã hội theo chiều dọc..
Luật lệ của Thiên Chúa mà Đức Giêsu thiết lập trong tư cách là con người mới là trật tự luân lý mới, theo chiều ngang, hoàn toàn bình đẳng



Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn nhớ rằng Con Thiên Chúa hằng sống", “Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta cho đến tận thế ”, ngõ hầu trong bất cứ nghịch cảnh nào của cuộc sống, chúng ta luôn tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Giêsu như Phêrô đã từng tuyên xưng danh thánh Chúa giữa miền đất dân ngoại khi xưa.

Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

Men Pha-ri-sêu và Xa-đốc ( Mt 16, 5 - 12 )

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Xin Mẹ giúp con biết tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời con.

Men Pha-ri-sêu và Xa-đốc

(5) Khi sang bờ bên kia, các môn đệ quên đem bánh. (6) Ðức Giêsu bảo các ông: "Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng men Pharisêu và Xađốc". (7) Các môn đệ nghĩ thầm rằng: "Tại chúng ta không đem bánh". (8) Nhưng, biết thế, Ðức Giêsu nói: "Sao anh em lại nghĩ đến chuyện không có bánh, người đâu mà kém tin vậy? (9) Anh em chưa hiểu ư? Anh em không nhớ chuyện năm chiếc bánh nuôi năm ngàn người sao? Và anh em còn thu lại được bao nhiêu giỏ? (10) Rồi chuyện bảy chiếc bánh nuôi bốn ngàn người nửa? Và anh em còn thu lại được bao nhiêu thúng? (11) Tại sao anh em không hiểu rằng Thầy chẳng có ý nói về bánh, khi Thầy nói: Anh em phải coi chừng men Pharisêu và Xađốc?" (12) Bấy giờ các ông mới hiểu là Người không bảo phải coi chừng men bánh, mà phải coi chừng giáo lý Pharisêu và Xađốc.


Pha-ri-sêu và Xa-đốc họ dựa vào truyền thống của họ mà hủy bỏ lời Thiên Chúa. Pha-ri-sêu và Xa-đốc là những kẻ đạo đức giả như lời của ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri :
Dân này Kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích,vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Men Pharisêu và Xađốc không dậy lên được nước trời , dậy lên sự thật , chỉ dậy lên những phàm nhân, giả hình .
Khi men bị pha trộn tạp chất, thì tác dụng tốt đẹp không còn, thậm chí nhiều khi còn bị phản tác dụng nữa, Một bằng chứng hiển nhiên là trong thời gian này, Sao-lô đã thấm nhuần men Pha-ri-sêu và men Xa-đốc, đang lùng giết những người theo Giê-su. Sau này, Khi Người làm cho Sao-lô-mù-nội-tâm trở nên một Phao-lô-sáng-mắt-sáng-lòng (biến cố Đa-mat), một Tông đồ kiệt xuất của dân ngoại. Chính điều này cho thấy Người muốn các môn đệ phải thấm nhuần chân lý Tin Mừng Cứu Độ từ chính Người Thầy của mình đã truyền dạy .
Chúa nói , phải coi chừng giáo lý Pharisêu và Xađốc, phải coi chừng cái chứng đặt nặng hình thức bề ngoài, tự cho mình là công chính, căn bệnh trầm kha của nhóm người Pharisêu và Xađốc!
Men Pharisêu và Xađốc làm dậy nên trong con người chúng ta không ? chúng ta phải can đảm nhìn thẳng vào cuộc sống mình, để nhận diện những “vấn đề” trong đời sống thiêng liêng cũng như gia đình và xã hội . Và chúng ta cũng phải khiêm nhường nhìn nhận lỗi trong những "vấn đề" này .
Lạy Chúa Giêsu, Xin nâng đỡ , soi sáng con
để con được cam đảm nhìn vào cuộc sống , nhận diện cuộc đời con
không hình thức, không điêu ngoa, nhưng đơn giản và chân thành .
Khi Pharisêu cầu nguyện
Phaolô và các triết gia