Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Thánh Phêrô

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen 

Thánh Phêrô tên là Simon, là người anh em của thánh Anrê. Ngài xuất thân từ Betsaida miền Galilê, làm nghề đánh cá và đã có gia đình. Thánh Phêrô là một trong ba môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, trong một lần đánh cá ở trên biển, Chúa Giêsu đã gọi ông đi theo Ngài. Thánh Phêrô là người đứng đầu trong danh sách Mười Hai Tông Đồ của Chúa Giêsu. Thánh nhân được Chúa cho tham dự vào hầu hết những biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa.
Nói về thánh Phêrô chúng ta phải nói về người chài lưới, rất hăng say, nhiệt tình và có một tâm hồn nhạy cảm, lòng quảng đại . Ông không ngần ngại, không suy nghĩ đắn đo gì, đã bỏ tất cả mọi sự theo Chúa ngay khi Chúa gọi, điều này cho chúng ta thấy rất rõ Phêrô cảm nghiệm bằng tình yêu nhanh hơn lý trí. Phêrô tin và theo Chúa với tất cả lòng nhiệt thành của mình 
Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy ở nơi ngài một đức tin chân thành, lòng gắn bó với Chúa. Sau Phép lạ bánh hóa nhiều, Chúa Giêsu có giảng một bài giảng về Bánh Hằng Sống. Bài giảng đó đã làm cho rất nhiều người vấp phạm , bỏ Người mà ra đi , Chúa đã hỏi các tông đồ có như những người đó bỏ Thầy ra đi không. Thánh Phêrô đã đại diện cho các tông đồ trả lời "Lạy thầy, bỏ thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời”. 
Thánh nhân còn có lòng khiêm nhường, vâng phục . Ông Si-môn đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêmkhông bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới." Với kinh nghiệm của dân chài lâu năm , thánh nhân có thể có ý kiến rằng không thể có được cá khi kéo lưới trong lúc này , nhưng thánh nhân đã vâng phục không suy tính , không phân vân. Khi Chúa cho các ông bắt được một mẻ cá lạ, thánh nhân đã ý thức được một phần nào thiêng tính của Thầy và nhận thấy cái thân phận yếu đuối của mình trước sự hiện diện của Thầy nên thánh nhân đã đến quì trước mặt Thầy và thưa với Người: "Lạy Thầy, xin tránh xa con ra vì con là một người tội lỗi".
Khi thánh nhân xin Chúa Cha đừng để sự thương khó xẩy ra với Thầy. Chúa Giêsu đã quở mắng thánh nhân một cách thật nặng lời "Xéo ra đàng sau ta! Đồ satan " thì ngài cũng không thể hiện một phản ứng nào.
Khi được Thầy hỏi "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?" thánh nhân đã không dám đáp là có mến Thầy hơn các anh em mà chỉ dám đáp "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy"
Đơn sơ , chân thật của người dân quê - Khi Đức Giêsu nói "Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy". (9) Ông Simon Phêrô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa" 
Và một hôm đang khi chài lưới ở Biển Hồ Tibêria , nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả. Khi trời sáng, Người đứng trên bờ và nói với các ông "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, anh em sẽ bắt được cá" . Người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến nói với Phêrô: "Chúa đó!"Vừa nghe nói "Chúa đó!", ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.
 Nhát đảm, nhưng mau mắn ăn năn sám hối ngay khi biết mình bị vấp ngã, biết cậy dựa vào Chúa, biết kêu cầu Chúa ngay khi chùng chân
 Nhát đảm nên hoảng hốt khi thấy Thầy đi trên mặt biển ,  Ðức Giêsu liền bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!" Thánh nhân nhiệt tình và đơn sơ xin Thầy truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Thầy . Nhưng khi thấy gió thổi thì đâm sợ, và bắt đầu chìm, thánh nhân vội vàng kêu cầu Thầy cứu ngay khi chùng chân.
Vì nhát đảm nên thánh nhân sa ngã, chối Chúa 3 lần mặc dù chiều hôm trước trước thánh nhân xác quyết "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy", nhưng với lòng yêu mến thâm sâu , thánh nhân đã nhanh nhạy nhận thấy lỗi lầm của mình ngay khi nghe tiếng gà gáy , ngay trong cái nhìn của Thầy. Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
Nước mắt tuôn trào, tâm hồn trũi nặng, một cái gì đó đã chết trong thánh nhân. Vâng, đã chết rồi, niềm tự hào , tự mãn,  tự tin quá mức. Còn lời nào biện minh cho hành động hèn nhát của thánh nhân. Còn đâu lời khẳng khái: “mọi người có bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ”. Tâm hồn nặng chĩu. Cảm xúc dâng trào. Thánh nhân đã ngỡ mình là đá không gì lay chuyển được,  nào ngờ giờ đây bị bể vụn ra như thanh gỗ mục. Đá bây giờ đã thành cát,thánh nhân nhận biết mình chỉ là cát bụi, yếu hèn và rất dễ sa ngã. Thánh nhân tự cảm thấy xấu hổ với chính mình. Ăn không ngon, ngủ không yên, lương tâm gậm nhấm lỗi lầm của thánh nhân. Nhưng thánh nhân không chết trong tội như Giuđa, vì ông nghĩ đến lời thầy , Thầy đến không phải để kẻ tội lỗi phải chết đi mà là để hoán cải và sống tốt lành, Thầy dạy phải tha thứ không đến bảy lần mà phải đến bảy mươi lần bảy, Ơn thầy đủ cho thánh nhân và quyền năng Thầy hiển trị trên sự yếu hèn của ông, thánh nhân nghĩ đến tình yêu của thầy với các môn đệ “Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ mình làm. Nhưng thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe nơi Cha thầy, thì thầy đã cho anh em biết”  “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng thầy đã chọ anh em” 
Và rất nhiều nhiều chuyện khác trong 3 năm theo Người , cùng ăn cùng ở cùng làm , thánh nhân nhớ lại nhiều , càng nhớ, càng khóc , càng ăn năn , càng thấy mình đốn mạc , càng thấy mình thấp hèn , càng thấy tình yêu của Người bao trùm tất cả, thánh nhân đã chôn chặc cuộc đời, nỗi thống khổ tội lỗi vào tình yêu của Chúa, thánh nhân cảm thấy cần phải sống và ước ao mọi người sẽ biết đến Chúa Giêsu, tình yêu của Người và tin vào tình yêu của Chúa như chính thánh nhân đang tin để được vững tin và vui sống như Chúa đã nói Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh”. 
Đêm hôm đó, một biến cố trọng đại đã "đổi mới" tâm hồn thánh nhân . Lòng ăn năn thống hối chân thành, lòng khiêm nhường sâu thẩm và niềm tin yêu tuyệt đối, thánh nhân gục đầu thống hối . Vâng , vâng Chúa ơi , nay con xin trở lại để làm cho anh em của con thêm vững tin vào tình yêu của Người như chính con tin và bằng chính mạng sống của con. . 
Thánh nhân cảm nghiệm rằng lòng trung tín của Thiên Chúa còn lớn hơn những bất trung của ông và mạnh mẽ hơn những từ khước của ông. Thánh nhân tin tưởng vào Chúa, Đấng “biết mọi sự”, Đấng tin nơi thánh nhân, không phải vì ông có khả năng trung thành, nhưng vì lòng trung thành vững chắc của Người sẽ cảm hoán được thánh nhân. Lòng trung tín mà Thiên Chúa không ngừng đoan chắc vượt trên những công trạng của thánh nhân. Lòng trung tín của Chúa đã khơi lên trong thánh nhân mong muốn phụng sự Chúa và phục vụ anh em mình trong bác ái.
 Tình yêu Đức Kitô là linh hồn của đời truyền giáo, vì truyền giáo chính là giúp người khác nhận ra và yêu mến Đấng đã yêu ta và luôn trung tín với ta
Từ đây thánh nhân lãnh nhiệm vụ điều khiển cộng đoàn. Ngài đã đề nghị chọn một tông đồ thế chân cho Giuda. Ngày lễ Hiện xuống, Ngài là tông đồ đầu tiên công khai rao giảng Tin Mừng, Chúa Kitô phục sinh 3000 người trở lại sau bài giảng ấy. Thật là một mẻ lưới lạ lùng.
Sau phép lạ làm cho người què tại cửa đền thờ đi được, thánh nhân giảng lần thứ hai cho dân. Lần này số người trở lại lên tới 5000 người. Các phép lạ Ngài thực hiện ngày càng nhiều:
Thánh nhân rảo khắp xứ Giuda rao giảng nước Chúa. Ngài bị Hêrôđê ra lệnh tống giam, nhưng đã được cứu thoát cách lạ lùng. Ngài chủ tọa công đồng Gierusalem, quyết định rằng: các lương dân gia nhập Kitô giáo không phải giữ luật cắt bì.
Thánh nhân còn đi rao giảng bên ngoài đất Palestina, Ngài tới Antiôkia, xây dựng Giáo hội tại đây. Sau đó Ngài đi Rôma và biến nơi này thành trung tâm của Kitô giáo. Thời Nêrô cầm quyền, Giáo hội bắt đầu bị bách hại. Thánh nhân bị tù và được giải cứu bởi các lính gác trở lại đạo. Ngài trốn đi khỏi thành.
Nhưng vừa tới cửa, Ngài  thị kiến Chúa Giêsu vác thập giá tiến vào, thánh nhân hỏi Chúa:
- Thầy đi đâu vậy?
- Ta vào Roma để chịu đóng đinh một lần nữa
Thánh tông đồ đã hiểu, Ngài trở vào thành để lãnh nhận án đóng đinh thập giá. Theo chứng của Ôrigênê, thánh nhân đã xin được đóng đinh lộn đầu xuống đất vì thấy mình không đáng được chết cùng một cách như Thầy.
+ Mộ Ngài được tìm thấy tại chính đền thờ thánh Phêrô ở Rôma ngày nay.

QUYỀN LÃNH ĐẠO CỦA THÁNH PHÊRÔ
Chúng ta có đến không chỉ một mà là ba bản văn trong ba sách Tin Mừng khác nhau thiết lập nên quyền lãnh đạo của thánh Phê-rô: 
1- Bản văn của thánh Mát-thêu 16: 13-19 Thánh nhân được chọn , được mạc khải để tuyên xưng đức tin "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Chúa Giê-su thiết lập thánh Phê-rô làm nền tảng Giáo Hội của Ngài và trao ban cho thánh nhân quyền lãnh đạo Giáo Hội của Ngài. Nếu Hội thánh được xây dựng trên nền tảng là Phêrô thì các quyền lực tử thần sẽ không có thể làm gì chống lại được Hội thánh ấy. 
Ðức Giêsu nói với ông: "Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy".
2- Bản văn của thánh Lu-ca trong bài diễn từ của Đức Giê-su sau bữa Tiệc Ly, khi Đức Giê-su nói với thánh Phê-rô: “Si-mon, Si-mon ơi, kìa Xa-tan đã cầu xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22: 31-32). Qua đó, thánh nhân được chọn là vị lãnh đạo của Giáo Hội Đức Ki-tô, bởi vì thánh nhân có kinh nghiệm sâu xa trong chính bản thân mình về thân phận yếu đuối của chính mình và tình yêu thương tha thứ vô bờ của Thầy mình; nhờ đó, thánh nhân mới biết cảm thông sự yếu đuối của em mình và làm cho đức tin của anh em mình nên vững mạnh. 
3- Bản văn của thánh Gioan ở chương 21, trong đó Đức Giê-su Phục Sinh hỏi thánh Phê-rô đến ba lần cùng một câu hỏi: “Anh có mến Thầy không?” và ba lần Chúa Giê-su giao phó cho thánh nhân Giáo Hội của Ngài: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21: 15-17). Qua đó, thánh nhân được mời gọi mang lấy tấm lòng mục tử của Đức Ki-tô là không để cho bất kỳ một con chiên nào phải hư mất, nhưng sẵn sàng xả thân vì đàn chiên để cho đàn chiên được sống và sống dồi dào.
Mỗi bản văn nói lên một khía cạnh quyền lãnh đạo Giáo Hội của thánh Phê-rô, vì thế không một bản văn nào tự mình là đầy đủ, nhưng cả ba bổ túc cho nhau để diễn tả gương mặt tuyệt đẹp của vị lãnh đạo Giáo Hội của Đức Ki-tô.
Vâng Chúa chọn Simon, một người đánh cá ít học, một kẻ kém tin, và chối Chúa 3 lần  để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội. Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh, để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa. Để qua mọi thời , không ai có thể từ chối theo Chúa , phụng vụ Chúa vì kém đức kém tài 
Con người luôn có những khuyết tật. Người bị khuyết tật này, người khuyết tật kia. Không ai hoàn hảo về thể xác hay về tâm hồn. Như Thánh Phêrô , hãy bổ túc cho khuyết tật của mình bằng cách ý thức thân phận yếu đuối của mình để nhận ra tình thương tha thứ của Chúa vẫn dành sẵn, biết nương tựa vào ân sủng của Chúa để kiện toàn mình mỗi ngày một tốt hơn. Để được như thánh Phêrô nhận biết tình yêu tràn đầy của Chúa  mà đáp trả tình yêu và loan báo tình yêu Thiên Chúa cho mọi người và mọi nơi .
Mỗi người chúng ta hãy có một chút liều lĩnh của Simon, bỏ tất cả để lên đường, hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Để được là viên đá sống động, góp phần xây dựng toà nhà Hội thánh. Dù nhỏ bé, yếu hèn và bất lực, nhưng Chúa sẽ dùng tuỳ theo nhu cầu của Ngài. Chính Ngài sẽ đổi mới cuộc đời chúng ta bằng ân sủng và tình thương của Ngài, để nhờ đó chúng ta cũng có khả năng đổi mới môi trường chúng ta đang sống. 

Lạy Chúa, xin Chúa ban ơn nhiều hơn cho Đức Thánh Cha, cho các giám mục là những Đấng kế vị thánh Phêrô và các tông đồ, ơn sức mạnh, nghị lực và ơn khôn ngoan, để các ngài luôn là điểm tựa cho niềm tin của chúng con. Xin cho chúng con biết đánh liều cuộc đời mình đi theo Chúa Amen.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét